Vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe Shinzo sẽ thay đổi Nhật Bản như thế nào?
Vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe Shinzo sẽ làm thay đổi sâu sắc những ưu tiên chính sách của Nhật Bản cả trên mặt đối nội và đối ngoại.
Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất Nhật Bản - ông Abe Shinzo đã để lại những dấu ấn không thể xóa bỏ trong nền chính trị Nhật Bản suốt 10 năm qua. Sau khi ông Abe và đảng Dân chủ Tự do (LDP) giành chiến thắng để nắm quyền điều hành đất nước vào năm 2012, ông đã ngay lập tức định hình lại chính sách kinh tế của Nhật Bản, đặt mục tiêu lạm phát 2% vào năm 2013.
Cùng năm đó, Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản đã được thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng. Vào năm sau, nội các của ông Abe đã ban hành một quyết định theo đó diễn giải lại Hiến pháp hiện hành nhằm cho phép Nhật Bản tham gia hoạt động phòng thủ tập thể.
Chính phủ của ông Abe đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ so với những chính sách an ninh quốc gia, tài khóa và tiền tệ truyền thống. Di sản chính trị của ông đã đặt nền móng cho các chương trình nghị sự kéo dài tới những chính quyền kế nhiệm của cựu Thủ tướng Yoshihide Suga và Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida.
Mặc dù ông Abe đã từ chức Thủ tướng vào tháng 9/2020 do vấn đề sức khỏe nhưng ông vẫn tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ những ưu tiên chính sách của mình. Các quan chức làm việc trong những bộ quan trọng thường xuyên ghé thăm văn phòng riêng của ông sau khi ông từ chức. Cựu Thủ tướng Abe Shinzo cũng là tiếng nói đi đầu ủng hộ việc tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng trong 5 năm tới.
Ảnh hưởng của ông Abe cũng đến từ vị trí của ông khi là lãnh đạo phái lớn nhất của đảng LDP. Thủ tướng Kishida đứng đầu phái lớn thứ tư nên ông sẽ gặp trở ngại trong đảng nếu không có sự ủng hộ của ông Abe.
Vụ ám sát ông Abe đã thay đổi mạnh mẽ động lực chính trị trong đảng LDP. Đầu tiên là sự thiếu nhất trí về việc ai sẽ là người lãnh đạo phái của ông Abe, có tên chính thức là Seiwa Seisaku Kenkyukai. Không loại trừ khả năng sự ra đi của ông Abe cũng làm rung chuyển chương trình nghị sự về dài hạn của LDP. Ông Abe và những đồng minh của ông là những người tác động phía sau quá trình hoạch định chính sách của Nhật Bản - trong đó nổi bật là sự ủng hộ mạnh mẽ đối với những sửa đổi Hiến pháp.
Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ cập nhật Chiến lược An ninh Quốc gia vào cuối năm, theo đó sẽ bao gồm những điều khoản liên quan đến ngân sách quốc phòng. Vẫn còn những người trong liên minh đảng cầm quyền ủng hộ mạnh mẽ việc tăng ngân sách quốc phòng, song một số người khác trong liên minh lại bày tỏ thái độ do dự trong việc tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP.
Ở lĩnh vực ngoại giao, ông Abe được cho là một chính khách sôi nổi có mối quan hệ tốt đẹp với các nhà lãnh đạo quan trọng trên thế giới. Ông từng xây dựng được mối quan hệ thân thiết với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi để ông thúc đẩy "chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Với những ảnh hưởng sâu sắc và rộng khắp của mình, sự ra đi của ông Abe có thể sẽ tiếp tục phủ bóng lên khả năng ngoại giao của Nhật Bản trong thời gian tới.