Vụ 9X Việt làm giày từ bã cà phê bị tố “bóc lột đồng hương”: Thêm ý kiến phản hồi từ một du học sinh về việc thực tập ở Phần Lan

08/05/2021 13:51 PM | Kinh doanh

Cũng trong diễn biến sự việc, vài ngày trước, đích thân CEO Rens - Jesse Khánh Trần đã đăng tải video xin lỗi T.N trên tài khoản YouTube cá nhân nhưng lại đặt chế độ không công khai và tắt tính năng bình luận.

Mấy ngày qua, thông tin về việc Rens Original - thương hiệu giày làm từ bã cà phê bị tố lợi dụng sức lao động của sinh viên Việt Nam đã gây xôn xao dư luận. Rens được sáng lập tại Phần Lan bởi Jesse Khánh Trần và Sơn Chu - 2 chàng trai Việt từng lọt vào danh sách 30 Under 30 năm 2020 của Forbes châu Âu và từng là hiện tượng gọi vốn cộng đồng ngành thời trang thành công nhất Bắc Âu.

Một tuần trước, tài khoản T.N đăng tải bài viết trên LinkedIn tố một công ty huỷ ngang hợp đồng làm việc, bóc lột và chèn ép nhân viên Việt tại Phần Lan. Dù không nhắc đích danh Rens Original trong bài tố của mình nhưng dư luận đã nhanh chóng lần ra công ty bị anh cho là "làm việc thiếu chuyên nghiệp, dồn người khác vào bước đường cùng".

Tạm dịch bài đăng của T.N:

Đã 1 tuần trôi qua kể từ thời điểm tôi nhận được thư huỷ hợp đồng làm việc với rất nhiều sự bất ngờ và thất vọng. Tôi biết rằng nếu tiếp tục im lặng thì sẽ không bảo vệ được bản thân nên đành phải lên tiếng về sự việc đáng tiếc trong công việc đầu tiên mà tôi từng mong đợi.

Sau 3 vòng phỏng vấn, ngày 12/4, tôi đã rất vui khi nhận được lời mời làm việc ở vị trí trợ lý vận hành, công việc bắt đầu từ ngày 26/4. Tôi được yêu cầu chuyển đến Helsinki (thủ đô của Phần Lan) để làm việc tại văn phòng với tư cách nhân viên chính thức.

Khi cân nhắc kỹ càng, tôi đã chấp nhận lời đề nghị. Thế nhưng bất chấp mọi lời hứa trước đó, sau 6 ngày chờ đợi tiếp theo, tôi nhận được thư huỷ hợp đồng làm việc từ công ty và điều này xảy ra chỉ 4 ngày trước khi công việc chính thức bắt đầu. Nó như một cú sốc vì đã tin tưởng họ và chuẩn bị hết mọi thứ để chuyển từ Tampere (nơi ở trước đó của T.N) đến Helsinki. Tôi đã hủy hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ lưu trú, rời bỏ công việc hiện tại - nguồn thu nhập chính của tôi, thu dọn đồ đạc và đặt vé đến Helsinki.

Hiện tại tôi không còn cách nào khác, ngoài việc bám vào kế hoạch ban đầu. Tôi sẽ chuyển đến Helsinki vào ngày mai và có rất ít hy vọng tìm được việc làm mùa hè vì hầu hết các vị trí mùa hè ở Phần Lan đã được tuyển dụng trong quý đầu tiên. Quyết định của họ đã đẩy tôi vào chân tường".

Vụ 9X Việt làm giày từ bã cà phê được Forbes vinh danh bị tố bóc lột đồng hương: Du học sinh nói không nộp đơn “thực tập”, lương 700 Euro/tháng chỉ đủ tiền nhà - Ảnh 1.

Nguyên văn bài đăng của T.N ở LinkedIn

Bài đăng này nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội LinkedIn và T.N đã nhận được nhiều lời động viên, bên cạnh đó là bình luận của những tài khoản khác, cũng tố cáo việc bị bóc lột sức lao động, trả lương thấp tại Rens.

Sau đó không lâu, đại diện của Rens đã lên tiếng phản hồi về sự cố này với báo Pháp luật & Bạn đọc. Theo đó, CEO của Rens Original - Khánh Trần đã nhanh chóng gửi lời xin lỗi chính thức về việc đã hủy hợp đồng thực tập của T.N vào phút chót. Đồng thời, Rens thừa nhận việc hủy quyết định nhận T.N làm thực tập sinh lần này là chưa phù hợp nhưng cho biết điều này không vi phạm luật lao động tại Phần Lan.

Đáng buồn thay, trên thực tế, phần lớn các vị trí thực tập cho sinh viên hoặc người mới ra trường hiện nay ở Phần Lan là thực tập không lương. Chúng tôi luôn tin rằng đây là một thực trạng không công bằng với các bạn trẻ vừa ra trường và đang trong những bước đầu của quá trình phát triển sự nghiệp. Đây là lý do tại sao chúng tôi chưa bao giờ thuê một thực tập sinh mà không trả công cho họ kể từ khi thành lập Rens.

Rút kinh nghiệm từ vụ việc lần này, chúng tôi đã rà soát lại và đang tiếp tục xây dựng, phát triển cách quản lý nhân sự nội bộ cũng như đổi mới chương trình thực tập của mình, cam kết mang lại một quá trình tuyển dụng tốt hơn cho tất cả các ứng viên trong tương lai. Một trong những thay đổi đầu tiên của chúng tôi là việc quyết định tăng mức lương khởi điểm cho thực tập sinh tại Rens vượt qua mức lương được yêu cầu bởi Cục Quản lý Di trú Phần Lan. Từ đó, thực tập sinh tại Rens hoàn toàn có thể sử dụng hợp đồng thực tập để xin và gia hạn thị thực cư trú ở nước sở tại, một điều mà đa số các chương trình thực tập từ các công ty tại Phần Lan không đạt được. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những thực tập sinh vốn không đến từ những quốc gia trong khối Liên minh châu Âu”.

Vụ 9X Việt làm giày từ bã cà phê được Forbes vinh danh bị tố bóc lột đồng hương: Du học sinh nói không nộp đơn “thực tập”, lương 700 Euro/tháng chỉ đủ tiền nhà - Ảnh 2.

Hai nhà sáng lập Rens.

Tuy vậy, lời giải thích từ phía Rens vẫn tiếp tục vấp phải những phản đối từ phía các du học sinh Việt tại Phần Lan.

Hôm qua, nhân vật chính là T.N đã tiết lộ thêm trên Facebook cá nhân: "Sau khi trao đổi kỹ với bên công ty, mình đã hiểu tính chất công việc như sau: toàn thời gian (37,5 giờ/tuần), 8 giờ mỗi ngày từ thứ 2 tới thứ 6, với 6 tháng thử việc và lương ban đầu là 700 euro/tháng. Bên họ tách 3 tháng đầu ra một hợp đồng riêng với tựa đề là "Operations Assistant Intern".

...

Mình không dự tính lấy tín chỉ từ công việc này bởi vì mình đã hoàn thành số tín chỉ thực tập bắt buộc năm ngoái. Mong muốn của mình là nộp một vị trí chính thức như một người đã tốt nghiệp. Tất cả thông tin về tình trạng và kế hoạch cá nhân đã được trao đổi giữa mình và công ty trong các cuộc phỏng vấn.

Một nữ sinh tên H.Đ - một du học sinh tại Phần Lan chia sẻ với chúng tôi, làm rõ khái niệm “thực tập sinh” tại quốc gia này:

Nhân vật chính của câu chuyện, bạn T.N không nộp đơn thực tập như chính Rens nói. Tại Phần Lan, thực tập không lương chỉ được phép diễn ra nếu nó nằm trong study module (chương trình học) và chịu sự trách nhiệm quản lý của nhà trường. Nếu không, mọi hình thức thực tập không lương là bất hợp pháp.

Bạn T.N khi nộp đơn vào Rens là nộp vị trí toàn thời gian, tuy nhiên, phía công ty Rens yêu cầu thử việc 6 tháng, tách hợp đồng thử việc 6 tháng này ra hai kỳ, với kỳ đầu với chức danh là "...Intern" và trả mức lương 700€/tháng. Dựa vào chữ "Intern" đó, phía công ty cho rằng mức lương 700€/tháng là cao bởi hầu hết các công ty khi có chương trình thực tập đều không trả lương. Điều này là sai hoàn toàn, bởi hoặc là đi thực tập không lương hẳn, chịu sự quản lý của nhà trường (nhà trường sẽ chịu trách nhiệm nếu có rủi ro và có đóng bảo hiểm cho sinh viên), hoặc thực tập có lương theo tiêu chuẩn. Mức lương 700€/tháng tại Helsinki là thấp, bởi riêng tiền nhà cũng đã rơi vào tầm đó”.

Vụ 9X Việt làm giày từ bã cà phê được Forbes vinh danh bị tố bóc lột đồng hương: Du học sinh nói không nộp đơn “thực tập”, lương 700 Euro/tháng chỉ đủ tiền nhà - Ảnh 3.

Đồng thời, cô bày tỏ nghi vấn trước khẳng định tăng mức lương khởi điểm để giúp thực tập sinh sử dụng hợp đồng để xin và gia hạn thị thực cư trú ở nước sở tại mà Rens đưa ra.

H.Đ cho biết với mức lương tầm 700€/tháng trước thuế thì chỉ đủ làm visa "tìm kiếm công việc" (job-seeking visa), với yêu cầu từ phía Migri (Cục quản lý di trú Phần Lan) là có thu nhập tầm 560€/tháng - tương đương với visa sinh viên. Còn để làm lại visa theo diện đi làm, người lao động cần lương tối thiểu sau thuế là 1.252€/tháng.

Về lẽ thường, nếu làm cho Rens khi sắp tốt nghiệp hoặc đã tốt nghiệp, thì mức lương Rens đưa ra không đủ để làm lại visa đi làm. Visa job-seeking chỉ là sự tạm thời, hết thời hạn không tìm được việc sẽ về nước”, du học sinh H.Đ nhận định.

Cũng trong diễn biến sự việc, vài ngày trước, đích thân CEO Rens - Jesse Khánh Trần đã đăng tải video xin lỗi T.N trên tài khoản YouTube cá nhân nhưng lại đặt chế độ không công khai và tắt tính năng bình luận.

Vụ 9X Việt làm giày từ bã cà phê được Forbes vinh danh bị tố bóc lột đồng hương: Du học sinh nói không nộp đơn “thực tập”, lương 700 Euro/tháng chỉ đủ tiền nhà - Ảnh 4.

CEO Rens đăng tải video xin lỗi nhưng không công khai, tắt bình luận.

Được biết, sau khi vướng phải sự cố này không lâu, Rens đã đăng tải thông tin tìm HR Specialist (chuyên viên nhân sự).

Ngọc Diệp (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
XEM