Vốn từ Trung Quốc chuyển dịch sang, Việt Nam có khả năng hấp thụ?

17/12/2018 15:02 PM | Kinh tế vĩ mô

Sức hấp dẫn dòng vốn FDI vào Việt Nam đang được trợ lực nhờ những bất ổn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra là nền kinh tế có khả năng hấp thụ được lượng vốn ngoại đang chuyển dịch, đặc biệt là khi bài học giai đoạn 2007 – 2008 khi Việt Nam vừa gia nhập WTO vẫn còn đó.

Tờ Nikkei hôm 16/12 cho biết các doanh nghiệp trong nhóm ngành dệt may có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang Việt Nam và Bangladesh, nhằm né các biện pháp trừng phạt thuế quan của Mỹ.

Doanh nghiệp dệt may không phải là người nhanh chân duy nhất trong cầu chuyện này. Trong khoảng gần cuối năm nay, Tập đoàn GoerTek, chuyên lắp ráp các sản phẩm tai nghe AirPods cho Apple đã gửi thông báo yêu cầu các nhà cung ứng vận chuyện nguyên liệu sản xuất tới cơ sở của hãng tại Việt Nam. Tờ 9to5mac và Reuters đầu tháng 12 cũng đăng tải thông tin về việc Tập đoàn Foxconn đang xem xét xây dựng nhà máy sản xuất iPhone tại Việt Nam trước những bất ổn thương mại.

Hai hãng công nghệ khác là là Pegatron và Cheng Uei Precision Industry cũng nghiên cứu các cứ điểm mới có nhiều tiềm năng như Việt Nam để thay thế cho các dây chuyển sản xuất hiện có tại Trung Quốc.

Việt Nam, theo kết quả khảo sát của PwC, đã vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế có năng lực thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong năm tới. Theo đó, rủi ro của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gần như đã mang lại cơ hội lớn cho nền kinh tế hơn 90 triệu dân trong việc thu hút dòng vốn ngoại.

Khả năng nắm bắt cơ hội của Việt Nam? 

Dù vậy, chính các doanh nghiệp FDI cũng đang đặt ra câu hỏi, Việt Nam có thực sự hấp thụ được dòng tiền lớn này, có thực sự giữ được cơ hội đang đến?

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) cho biết lo lắng của doanh nghiệp FDI là có cơ sở.

Nếu đối chiếu về giai đoạn 2007 – 2008 khi Việt Nam vừa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, đất nước đã đón nhận sự tăng trưởng vượt bậc về vốn FDI. Tuy nhiên, đây cũng là bài học trong việc xử lý, hấp thụ dòng tiền ngoại.

"Lúc này, NHNN phải bơm VNĐ để mua ngoại tệ, sau đó là quá trình trung hoà ngoại tệ. Ở thời điểm này, việc sau khi bơm tiền, nguồn tiền hút về chậm là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát", ông nói.

So sánh với hiện tại, ông Dương đánh giá NHNN có nhiều kinh nghiệm và công cụ để thực hiện quá trình trung hoà này. Tuy nhiên, việc hấp thụ vốn FDI của nền kinh tế có hiệu quả hay không, theo chuyên gia của CIEM, được quyết định rất lớn bởi khả năng trung hoà hoá tiền tệ của NHNN.

Một vấn đề khác cần lưu ý là khả năng hấp thụ ở các địa phương. Nghĩa là các địa phương phải nâng cao nội lực cạnh tranh. "Chúng ta phải đặc biệt lưu ý đến lao động, cơ sở kết nối hạ tầng, logistics phù hợp cho doanh nghiệp", ông Dương nói và nhấn mạnh nếu không đáp ứng được, thì dù có đặt chân vào Việt Nam thì sớm hay muộn các doanh nghiệp FDI cũng phải ra đi.

Đối với TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới (NCIF), ông lại đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề lao động trong câu chuyện hấp thụ FDI.

Theo ông, khi một số lượng lớn doanh nghiệp nước ngoài quy mô vào Việt Nam sẽ dẫn đến sự thiếu hụt cung lao động cục bộ giữa một số vùng.

"Điều này có thể coi là một rủi ro của Việt Nam trong thời gian tới nếu không giải quyết được cung lao động. Nhất là việc di chuyển lao động giữa các vùng, hiện nay vẫn còn tương đối nhiều rào cản. Đây là điểm phải khắc phục trong thời gian tới, ví dụ cơ chế hộ khẩu cần phải tính toán lại", ông Thắng phân tích.

Ông cũng cho rằng phải giải quyết được bài toán liên quan đến thúc đẩy công nghiệp phụ trợ, vốn bị xem là dậm chân tại chỗ của Việt Nam trong thời gian dài.

Hấp thụ chỉ là một phần câu chuyện...

Hấp thụ là một vấn đề cần quan tâm đối với dòng vốn FDI, tuy nhiên, ông Dương cho rằng đây chỉ là một phần câu chuyện của dòng vốn ngoại.

Theo ông, trong những năm trở lại đây Việt Nam đã bắt đầu đặt lại vấn đề tư duy mới với dòng vốn ngoại, trong đó, đặc biệt là việc lựa chọn vốn FDI có phù hợp tiêu chuẩn, mong muốn, yêu cầu của đất nước.

"Trước đây vốn FDI đổ vào chưa thực sự dồi dào nên dù muốn chúng ta cũng không có quá nhiều sự lựa chọn, nhưng mọi chuyện đã thay đổi", ông Dương nói. Việt Nam hiện đã trở thành một điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại, nhất là trong bối cảnh bất ổn hiện tại.

Do vậy, ông cho rằng việc dòng vốn FDI đổ mạnh vào thị trường trong thời gian này sẽ là cơ hội cho Việt Nam thể hiện quyết tâm có hệ thống tiêu chí, hệ thống lựa chọn FDI một cách hiệu quả, phù hợp nhất với đất nước.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM