Với mức đầu tư khủng 60.000 tỷ đồng, Hòa Phát đã "giải bài toán" về vấn đề môi trường như thế nào ở đại dự án Hòa Phát Dung Quất?

26/04/2022 09:59 AM | Kinh doanh

Trong một chia sẻ vào năm 2019, ông Trần Tuấn Dương - CEO Hòa Phát đã kể lại câu chuyện 16 năm trước khi tham quan nhà máy liên hợp sản xuất thép ở Nhật Bản, lãnh đạo Hòa Phát đã bị choáng ngợp trước quy mô và sự hiện đại của 1 nhà máy sản xuất thép ở đất nước phát triển...

Đến năm 2017, "giấc mơ" xây dựng trên chính đất nước Việt Nam một nhà máy sản xuất liên hợp, khép kín với quy trình hiện đại, cùng hệ thống cảng nước sâu phục vụ vận chuyển đã được Ban lãnh đạo Hòa Phát đặt những nền móng đầu tiên.

Dự án khu liên hợp sản xuất thép Hòa Phát Dung Quất với tổng vốn đầu tư lên đến 60.000 tỷ đồng được Thủ tướng Chính Phủ cấp chủ trương đầu tư vào năm 2017, đến 2020 cơ bản hoàn thành và chính thức đi vào sản xuất.

Ngành công nghiệp luyện kim là 1 trong những ngành sản xuất có khả năng gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt tập trung các loại chất thải bao gồm nước thải, khí thải, chất thải rắn. Để được chấp nhận xây dựng đại dự án luyện kim tại Quảng Ngãi, Hòa Phát đã phải "giải bài toán" về vấn đề môi trường như thế nào?

Trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát năm 2017 đã "tiết lộ" con số 30% - 35% tổng chi phí thực hiện dự án được cam kết sử dụng cho việc đầu tư công nghệ, thiết bị xử lý môi trường.

Thứ nhất, về công nghệ sản xuất và máy móc thiết bị

Các Khu liên hợp của Hòa Phát áp dụng công nghệ hiện đại tiên tiến trên thế giới với công nghệ luyện thép lò thổi (BOF) từ Tập đoàn SMS - Đức và công nghệ luyện thép lò cao (BF) từ Danieli Corus - Hà Lan, sản xuất ra sản phẩm thép xây dựng luyện từ quặng, sạch tạp chất,..

Anh Ngô Đức Tuyên – Trưởng phòng Công nghệ, Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất chia sẻ về những điểm ưu việt của công nghệ sản xuất thép Hòa Phát: "Công nghệ và phương pháp sản xuất thép của Hòa Phát Dung Quất (HPDQ) tương tự các công ty thép lớn hiện nay trên thế giới. 

Trên thế giới hiện nay có 02 tuyến quy trình công nghệ khác nhau để sản xuất thép. Tuyến 01: quặng → lò cao → lò thổi → đúc/cán thép. Tuyến 02: phế liệu → lò điện → đúc/cán thép. Tuyến 01 có thể sản xuất được các sản phẩm thép dài và thép dẹt nhưng tuyến 02 chỉ có thể sản xuất các sản phẩm thép dài (thép xây dựng thông thường). 

Hòa Phát áp dụng công nghệ lò cao, lò thổi trong sản xuất thép từ quặng với dây chuyền công nghệ được nhập khẩu từ Đức, Hà Lan sạch tạp chất, có thể sản xuất được các mác thép chất lượng cao chuyên xây siêu công trình, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước châu Âu, Mỹ, Nhật…"

Với mức đầu tư khủng 60.000 tỷ đồng, Hòa Phát đã giải bài toán về vấn đề môi trường như thế nào ở đại dự án Hòa Phát Dung Quất? - Ảnh 2.

Hình ảnh: Hòa Phát

Các thiết bị chính được nhập từ Châu Âu, G7, Ý, Hà Lan,... được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng.

Thứ hai, quy trình sản xuất khép kín và tuần hoàn

Hòa Phát đã sử dụng giải pháp công nghệ thu hồi nhiệt luyện coke, khí than lò cao để phát điện, tái sử dụng. Các khu liên hợp sản xuất thép của Tập đoàn áp dụng công nghệ sản xuất than coke sạch thu hồi nhiệt, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường theo cơ chế phát triển sạch CDM, giảm lượng khí thải nhà kính theo Nghị định thư Kyoto. 

Công nghệ này triệt tiêu toàn bộ khí, khói và các chất hóa học độc hại sinh ra từ quá trình luyện than cốc, chỉ thu hồi lại nhiệt năng để chạy máy phát điện, giúp Hòa Phát chủ động nguồn điện cho sản xuất.

Công suất phát điện ở Hòa Phát Dung Quất là 240MW, gấp hơn 3 lần tại Hải Dương. Năm 2020, Khu liên hợp này sử dụng gần 1,6 tỷ KWh điện năng, trong đó 1,2 tỷ KWh do công ty tự sản xuất được. Điều này đồng nghĩa tỷ lệ điện tự chủ sản xuất đã đạt gần 80%. Tính một cách tương đối, chi phí tiết kiệm được nhờ giải pháp thu hồi nhiệt, khí thải ở các khu liên hợp thép của Hòa Phát từ năm 2021 trở đi nằm trong khoảng 4.000 tỷ đồng.

Với mức đầu tư khủng 60.000 tỷ đồng, Hòa Phát đã giải bài toán về vấn đề môi trường như thế nào ở đại dự án Hòa Phát Dung Quất? - Ảnh 3.

Hình ảnh: Hòa Phát

Nước thải trong quá trình sản xuất được xử lý tuần hoàn, tái sử dụng và không thải ra môi trường.

Với mức đầu tư khủng 60.000 tỷ đồng, Hòa Phát đã giải bài toán về vấn đề môi trường như thế nào ở đại dự án Hòa Phát Dung Quất? - Ảnh 4.

Hình ảnh: Hòa Phát

Thứ ba, thu gom chế biến xỉ lò cao, tái sử dụng thành nguyên liệu xi măng

Xỉ lò cao là một loại chất thải rắn sinh ra trong quá trình luyện gang, biến chất thải thành phụ gia khoáng cho xi măng hay sử dụng làm nguyên vật liệu đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất bê tông, xi măng.

Hòa Phát đã tối ưu hóa công nghệ tạo xỉ hạt bằng nước lạnh áp lực cao và đầu tư dây chuyền nghiền xỉ tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hải Dương và Dung Quất. Đây là dây chuyền công nghệ nghiền đứng, đồng bộ hiện đại. Sản phẩm xỉ hạt lò cao S95 của Hòa Phát góp phần xử lý triệt để chất thải rắn trong quá trình sản xuất thép xanh của Hòa Phát, biến chất thải rắn phát sinh trong quá trình luyện gang thành sản phẩm vật liệu xây dựng, vừa bảo vệ môi trường cũng như tạo thêm nguồn thu ổn định cho Tập đoàn Hòa Phát, đem lại giá trị gia tăng đáng kể cho chuỗi sản xuất thép.

Với hai Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Kinh Môn - Hải Dương và Dung Quất – Quảng Ngãi,  Hòa Phát có thể cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 2,6 triệu tấn xỉ hạt lò cao nghiền mịn mỗi năm, trong đó KLH tại Hải Dương cung cấp 750.000 tấn/năm và KLH Dung Quất là 1,85 triệu tấn/năm.

Mặc dù có sự đầu tư nghiêm túc trong việc đầu tư công nghệ, thiết bị xử lý môi trường nhưng với đặc thù của loại hình công nghệ luyện thép chế biến sâu từ quặng, các công đoạn dập xỉ lò cao và ủ xỉ lò thổi làm phát sinh hơi nước mang theo lượng lưu huỳnh gây ra mùi hăng, khét.

Giữa năm ngoái, báo chí đưa tin nhiều hộ dân sinh sống ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, xung quanh khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất đã phản ánh về việc khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất đã thải khói ra môi trường có mùi khét nồng nặc, gây tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. 

Khi thời tiết tốt (trời nắng ráo, độ ẩm thấp) thì lượng hơi nước mang theo lưu huỳnh sẽ phát tán lên cao nên mùi phát sinh giảm. Nhưng khi thời tiết xấu (trời mưa hoặc âm u, độ ẩm cao) thì lượng hơi nước này không phát tán được lên cao nên mùi hôi, khét đậm hơn gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Nhiều lần chính quyền địa phương và doanh nghiệp họp với người dân tìm hướng xử lý, nhưng đến nay hàng trăm hộ dân xung quanh nhà máy vẫn cho rằng điều kiện môi trường vẫn chưa được cải thiện.

Sau đó ngày 23/6, lãnh đạo Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất cho biết doanh nghiệp đã lắp đặt 14 hệ thống quan trắc môi trường trong khu vực nhà máy và công trường.

Cụ thể, doanh nghiệp lắp 12 trạm quan trắc khí thải và 2 trạm quan trắc nước thải có kết nối, truyền dữ liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi để theo dõi, giám sát.

Giải pháp tận gốc cho vấn đề này là Địa phương và Doanh nghiệp cần đẩy nhanh tiến độ bố trí tái định cư cho hơn 200 hộ dân ở khu vực quanh nhà máy, có như vậy mới giải quyết triệt để được ảnh hưởng của việc sản xuất đến đời sống người dân.

Với mức đầu tư khủng 60.000 tỷ đồng, Hòa Phát đã giải bài toán về vấn đề môi trường như thế nào ở đại dự án Hòa Phát Dung Quất? - Ảnh 5.

Hình ảnh nhà máy Hòa Phát Dung Quất

Với tham vọng tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Tập đoàn Hòa Phát đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để nâng công suất dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 từ 4 triệu tấn lên 6 triệu tấn/năm và dự kiến sẽ khởi công dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 vào tháng 5 tới.

Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 được xây dựng trên diện tích gần 280 ha, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 85 nghìn tỷ đồng, thu hút 8.000 lao động; dự kiến đến năm 2024 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

An Vũ

Từ khóa:  hòa phát
Cùng chuyên mục
XEM