Với dự án mới của Elon Musk, điện thoại di động của bạn có thể không bao giờ mất tín hiệu nữa
Nếu dịch vụ này có thể mở rộng ra toàn cầu, người dùng sẽ không bao giờ mất kết nối điện thoại di động dù họ đang ở nơi nào đi nữa.
Nguy cơ mất liên lạc khi đi trong sa mạc hoặc mắc kẹt trên biển – những nơi hoang vắng hầu như không có tín hiệu điện thoại di động – sẽ chỉ là dĩ vãng vào năm tới nếu dự án mới nhất của tỷ phú Elon Musk trở thành hiện thực.
Mới đây, công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã thông báo hợp tác với nhà mạng T-Mobile của Mỹ để ra mắt một dịch vụ mới nhằm sử dụng hệ thống vệ tinh Starlink của SpaceX phủ sóng di động tới mọi "ngóc ngách" của nước Mỹ. Không những thế, nếu có thể mở rộng ra trong tương lai, dịch vụ này còn cho phép phủ sóng đến mọi nơi trên toàn thế giới.
Theo ông Mike Sievert, CEO của T-Mobile, hiện vẫn còn hơn 500.000 dặm vuông (mỗi dặm vuông tương đương 2,6 km2) vùng chết – các khu vực không được phủ sóng điện thoại di động. Vì vậy, ông mô tả dự án này giống như việc "đặt một cột phát sóng lên trên bầu trời, nhưng khó hơn nhiều."
Vậy hai công ty này sẽ làm thế nào để hoàn thành được dự án này?
Về cơ bản, với dự án này, SpaceX và T-Mobile dự định tạo ra một mạng lưới phủ sóng di động hoàn toàn mới, phát sóng từ các vệ tinh của Starlink và sử dụng băng tần hiện tại của T-Mobile. Dịch vụ này sẽ cho phép khách hàng T-Mobile có thể truy cập mạng điện thoại di động từ bất kỳ đâu trên toàn bộ Bắc Mỹ, thậm chí ở cả Alaska, Hawaii, Puerto Rico và thậm chí cả các vùng lãnh hải.
Tại sao họ có thể làm được như vậy?
Điều này trở nên khả thi nhờ vào các ăng ten mạnh, cỡ lớn được gắn trên vệ tinh Starlink. "Chúng tôi cần phải làm nhiều hơn là chỉ lập trình lại vệ tinh, chúng tôi làm một loại ăng ten đặc biệt, các ăng ten mảng tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Chúng phải bắt được các tín hiệu rất yếu gửi đi từ điện thoại của bạn." Ông Musk cho biết trong sự kiện giới thiệu dịch vụ. "Một sự kết hợp khá phức tạp giữa phần cứng và phần mềm, bởi vì nó di chuyển rất nhanh – chúng di chuyển ở tốc độ hơn 27.000 km/h. Thông thường, một cột thu phát sóng điện thoại không di chuyển ở tốc độ 27.000 km/h như thế."
Dịch vụ của T-Mobile cũng hoạt động tương tự như cách chuyển vùng dữ liệu, khi điện thoại của người dùng sẽ quét tìm dịch vụ và khi không tìm được trạm phát sóng nào ở gần đó, nó sẽ kết nối với vệ tinh. Hầu hết điện thoại di động hiện tại đều tích hợp công nghệ này bên trong và không cần phải bổ sung thêm thiết bị nào khác.
Giới hạn của dịch vụ
Vấn đề chính ở đây là băng thông thấp, do vậy dịch vụ chỉ giới hạn trong tin nhắn văn bản. Vùng phủ sóng cũng được chia thành các vùng phủ sóng lớn, với khả năng kết nối của mỗi vùng chỉ giới hạn trong khoảng 2-4MB. Ông Musk cho biết, điều này sẽ cho phép mỗi vùng phủ sóng thực hiện được 1.000-2.000 cuộc gọi thoại hoặc hàng triệu tin nhắn văn bản, nhưng dịch vụ này sẽ không thay thế được các trạm phát sóng mặt đất.
"Điều này thực sự ý nghĩa khi cung cấp vùng phủ sóng cơ bản cho những khu vực hiện hoàn toàn không có sóng di động." Ông Musk cho biết. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết, ban đầu có thể sẽ có sự chậm trễ trong vòng "nửa giờ hoặc tệ hơn" cho các tin nhắn văn bản gửi qua hệ thống này.
Chi phí của dịch vụ này sẽ là bao nhiêu?
CEO Sievert hy vọng sẽ dịch vụ này sẽ được cung cấp miễn phí trong các gói cước phổ biến nhất của T-Mobile, trong khi người dùng các gói cước giá rẻ hơn sẽ phải trả thêm phí hàng tháng để sử dụng nó.
Liệu dịch vụ này sẽ có mặt ở bên ngoài nước Mỹ không?
Khả năng này vẫn chưa rõ ràng. Ông Sievert cho biết, hiện T-Mobile đang tìm kiếm các thỏa thuận chuyển vùng đối với các nhà mạng khác bên ngoài nước Mỹ, "để khi một ai đó đến nước Mỹ và đi vào các công viên quốc gia nằm ngoài vùng phủ sóng, họ vẫn có thể duy trì kết nối. Tương tự như vậy, khi công dân Mỹ đi du lịch đến các quốc gia đó, họ vẫn sẽ được kết nối."
Lộ trình của dịch vụ này
Trong thông cáo báo chí, SpaceX cho biết, dịch vụ phát sóng di động từ vệ tinh sẽ bắt đầu quá trình thử nghiệm beta ở một số khu vực được chọn trước vào cuối năm nay, sau khi các vệ tinh mới được phóng lên. Ông Musk cho biết, trong giai đoạn đầu của dự án, dịch vụ sẽ bao gồm cả tin nhắn văn bản, MMS và "thậm chí cả ứng dụng nhắn tin", cho dù ông cho biết họ vẫn chưa nói chuyện với các nhà cung cấp ứng dụng về cách tích hợp dịch vụ của mình.
Trên hết, sau dịch vụ nhắn tin, cả hai công ty kỳ vọng sẽ phát triển khả năng truyền các cuộc gọi thoại và dữ liệu. Nhưng không chỉ phủ sóng di động cho toàn bộ thế giới, ông Musk còn có tham vọng lớn hơn: "Chúng tôi muốn đưa T-Mobile trên Sao Hỏa."
Tham khảo TechCrunch, Bloomberg, The Verge