Với Công Phượng, thầy Park đang đưa Việt Nam đi trên con đường thành công của Nhật Bản

06/02/2019 16:32 PM | Xã hội

HLV Park Hang-seo là một người Hàn Quốc, nhưng với những gì ông đang làm cho Công Phượng, có lẽ con đường mà ông chọn cho bóng đá Việt Nam lại mang đậm nét thành công của Nhật Bản.

1. Gần 38 năm về trước, bộ truyện tranh Tsubasa ra đời, được đăng tải liên tục trong vòng 7 năm trước khi chuyển thể thành phim hoạt hình, truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ em Nhật Bản ở thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước, cũng như đến tận ngày hôm nay về tình yêu bóng đá, lối chơi cao thượng, đẹp mắt và khát khao thành công ở đấu trường World Cup.

Ảnh hưởng của bộ truyện tranh "best seller" của Nhật Bản ấy tác động cực kỳ sâu sắc lên các thế hệ cầu thủ quốc gia mặt trời mọc này, cũng như không ít danh thủ quốc tế. Tuy nhiên, để đưa câu chuyện ngập tràn cảm hứng này trở thành hiện thực, người Nhật cần đến con người bằng xương bằng thịt, không chỉ truyền cảm hứng, mà còn "cầm tay" đưa họ đến thành công. Zico là tên con người làm nên kỳ tích ấy.

Zico đến Nhật, để thay đổi tư duy cả một nền bóng đá, và ông đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh ấy của mình.

 Với Công Phượng, thầy Park đang đưa Việt Nam đi trên con đường thành công của Nhật Bản - Ảnh 1.

Không như HLV Park Hang-seo, Zico đến với bóng đá Nhật Bản không qua "cánh cổng chính" là đội tuyển quốc gia, mà bắt đầu từ một CLB nhỏ - Sumitomo (tiền thân của Kashima Antlers), một CLB hạng dưới, nhưng khát vọng của ông - chỉ có chiến thắng mới là mục tiêu duy nhất, thì tương đồng với thầy Park, như cái cách ông đã nói: "Mỗi trận đấu là một cuộc chiến, và tôi luôn muốn chiến thắng".

Cảm hứng ấy của Zico không những khiến CLB nhỏ bé ngày nào vụt lớn lên, thành công và trở thành lá cờ đầu của bóng đá Nhật Bản, mà nó còn khiến cho cả J.League thay đổi, khi người Nhật đưa vào hệ thống thi đấu của mình cách tính điểm chỉ có thắng thua, không có trận hòa.

Danh tiếng và những gì Zico làm được cho bóng đá Nhật Bản rốt cuộc cũng vượt qua giới hạn của một CLB J.League, đưa ông đến chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển bóng đá Nhật Bản, để rồi cùng họ làm nên kỳ tích đáng nhớ ở kỳ Asian Cup 15 năm về trước, năm 2004.

 Với Công Phượng, thầy Park đang đưa Việt Nam đi trên con đường thành công của Nhật Bản - Ảnh 2.

Zico được dựng tượng trước sân vận động của Kashima Antlers.


Ở kỳ Asian Cup năm ấy, dù Nhật Bản đã là một "đại gia" của bóng đá châu Á, nhưng ở kỳ World Cup hai năm về trước được tổ chức trên quê hương mình, người Nhật trình diễn cho cả thế giới một lối chơi nhạt nhòa bản sắc. Không quá thất vọng như những gì HLV Hữu Thắng làm với bóng đá Việt Nam, nhưng ấy cũng là thời kỳ bóng đá Nhật Bản biết rằng mình cần phải thay đổi.

Với Zico, "Samurai Xanh" - biệt danh của ĐQTG Nhật Bản được thổi hồn bằng một lối chơi cống hiến, thêu hoa dệt gấm mà người Nhật từng mong đợi, và không ít lần hình dung ra trong đầu, dựa vào bộ truyện tranh Tsubasa ngày nào.

Asian Cup năm ấy, ngay trên sân vận động Công Nhân giữa lòng Bắc Kinh, giữa không khí ngập tràn sự thù địch ngay từ khi quốc thiều của Nhật Bản được cử lên, trước áp lực của hơn 65.000 khán giả như chực chờ "nuốt sống" các cầu thủ khách, Nhật Bản chơi trận hay nhất dưới thời Zico hạ gục Trung Quốc đến 3-1 dưới đôi chân của Nakamura - số 10 tài hoa của Zico.

 Với Công Phượng, thầy Park đang đưa Việt Nam đi trên con đường thành công của Nhật Bản - Ảnh 3.

Đội tuyển Nhật Bản vô địch Asian Cup 2004.


Ngày ấy của 15 năm trước, Trung Quốc với những Hao Hai Dong, Li Ming, Sun Ji Hai... cực kỳ đáng sợ, nhưng sự xuất sắc của Shunsuke Nakamura đã che mờ tất cả. Lối chơi mà Zico xây dựng cho Nhật Bản ở giải đấu năm ấy đã cho Nakamura tất cả, khi mọi đường bóng tấn công đều được luân chuyển qua đôi chân tài hoa của anh. Anh chuyền bóng, kiến tạo, dạt biên, đá phạt... được làm tất cả những điều mình thích.

2. Những kỳ tích mà HLV Park Hang-seo đem về cho bóng đá Việt Nam suốt hơn một năm vừa qua đều ghi nặng dấu ấn của lối chơi phòng ngự chặt chẽ, với đội hình 3 hậu vệ sẵn sàng chuyển sang 5-4-1, thậm chí là 6-3-1 khi cần thiết, chơi cực kỳ cơ động và quyết liệt.

Nhưng với cách đối đầu cùng Jordan và Nhật Bản ở Asian Cup 2019, nhà cầm quân người Hàn Quốc này rõ ràng đang truyền đạt một thông điệp, rằng phòng ngự chỉ là nền tảng, chứ chẳng phải đích đến cuối cùng. Đích đến của ông phải là lối đá đẹp, giàu sức tấn công, dựa vào nền tảng thể lực, tinh thần và tốc độ để bù đắp cho thể hình, và trong lối chơi ấy, hẳn nhiên Quang Hải là linh hồn.

 Với Công Phượng, thầy Park đang đưa Việt Nam đi trên con đường thành công của Nhật Bản - Ảnh 4.

Shunsuke Nakamura là linh hồn của đội tuyển Nhật Bản trong tay HLV Zico.


Quang Hải là bản sao của Shunsuke Nakamura ngày nào trong đội hình mà HLV Park Hang-seo đang gầy dựng, với vị trí của một tiền vệ tấn công cơ động, hoạt động rộng, giàu sức đột biến, dựa trên tố chất kỹ thuật, khả năng kết thúc đột biến, khả năng đọc trận đấu, tầm hoạt động rộng và khả năng liên kết các đồng đội, tạo ra thế trận tấn công thiên biến vạn hóa, khiến đối phương khó lòng "bắt bài".

Nhưng Quang Hải không thể phát huy tối đa khả năng của mình, cũng như các học trò của HLV Park Hang-seo không thể vận hành được lối chơi giống đội tuyển Nhật dưới tay Zico, nếu vẫn chơi với trung phong cắm như Anh Đức trên cao nhất hàng công. Có lẽ đấy là lý do Anh Đức nói lời chia tay với Asian Cup 2019, chứ không hẳn tiền đạo 34 tuổi này xin rút.

Để làm được điều mà Zico từng làm với đội tuyển Nhật Bản, HLV Park Hang-seo cần đến Công Phượng , và ông đã mạnh dạn thử nghiệm, để rồi thành công với tiền đạo HAGL ở giải đấu tầm châu lục lần này.

 Với Công Phượng, thầy Park đang đưa Việt Nam đi trên con đường thành công của Nhật Bản - Ảnh 5.

Trong vai trò một số 9 ảo, Công Phượng đã kết hợp cực kỳ ăn ý với Quang Hải, từ pha tạo sức ép lên hậu vệ đối phương từ đường chọc khe của Quang Hải trong bàn thắng đầu tiên vào lưới Iraq ở Asian Cup 2019, cho đến pha bóng việt vị sau khi nhận bóng từ đường chuyền của Quang Hải ngay đầu trận gặp Nhật Bản.

Bên cánh đó, Công Phượng còn giúp kéo giãn hàng thủ đối phương, tạo cơ hội cho Quang Hải tiếp cận khung thành đối phương. Ở phút 37 trận đấu với Nhật Bản, nếu Quang Hải không quá cầu toàn chuyển bóng sang sút chân trái trong pha đối mặt với thủ thành đối phương, thì có lẽ đấy là bàn thắng cho chân sút đa năng này.

Đem Công Phượng trở lại sau gần một năm trời "đóng vai phụ", cùng với thời cơ chín muồi để tạo dựng lối chơi mới cho đội tuyển Việt Nam dựa trên hàng thủ vững chắc, cùng hàng tiền vệ cơ động với linh hồn là Quang Hải, cùng một tiền đạo "thoắt ẩn, thoắt hiện" như Công Phượng, ông Park Hang-seo đã khởi đầu con đường mà Zico ngày nào đưa Nhật Bản vươn tầm châu Á.

 Với Công Phượng, thầy Park đang đưa Việt Nam đi trên con đường thành công của Nhật Bản - Ảnh 6.

Quang Hải là yếu tố tiên quyết, là Shunsuke Nakamura trong tay Zico ngày nào, nhưng với Công Phượng, HLV Park Hang-seo mới có được "con bài tẩy" giúp Quang Hải vẫy vùng, để phát huy được lối chơi mà ông chọn, để đặt nền móng cho một Việt Nam chinh phục người hâm mộ nước nhà, chinh phụ châu Á bằng con đường thành công mà nhà vô địch mới của Asian Cup đã đi 15 năm về trước.

Hãy cứ chờ xem, rồi đây Quang Hải - Công Phượng sẽ là cặp sao sáng nhất, dẫn bước cho bóng đá Việt Nam trong năm mới, với một hình hài rạng rỡ hơn, đáng xem hơn cả những kỳ tích mà HLV Park Hang-seo từng trải qua cùng bóng đá Việt Nam.

Theo Lam Chi

Cùng chuyên mục
XEM