Vợ lương 17 triệu đồng ngao ngán trước cảnh chồng 'ăn không ngồi rồi', chỉ đàn ca, đánh cờ, hàng tháng vẫn ngửa tay xin tiền mẹ
Việc phân công nhiệm vụ và vun vén chi tiêu trong nhà luôn là vấn đề khiến nhiều gia đình xảy ra lục đục.
Để duy trì các khoản phí hàng tháng trong gia đình, tích góp của cải để đề phòng những trường hợp khẩn cấp như ốm đau, bệnh tật,... hay đầu tư cho con cái sau này, việc vun vén tài chính sao cho khéo luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít cặp vợ chồng thường xuyên cãi nhau, thậm chí đưa ra quyết định ly dị chỉ vì vấn đề này.
Vợ làm "trụ cột", gia đình "cơm không lành, canh không ngọt" vì tiền bạc
Người vợ cho biết, chị là người ngoài tỉnh, lên TP. HCM học tập và làm việc. Sau đó, chị và chồng quen nhau và kết hôn vào năm 2018. Hiện tại, vợ chồng chị có 2 con nhỏ đang sống cùng bố mẹ và em gái bên gia đình chồng. Khi chung sống, chị được bố mẹ chồng thương yêu và hòa thuận với em chồng. Chồng chị là người hiền lành, ít bạn bè và không dính phải tệ nạn.
Hàng tháng, chị dành mức lương từ 15 - 17 triệu đồng để lo học phí cho 2 con và sinh hoạt phí. Ngoài ra, mỗi năm chị vợ chi ra 10 triệu đồng để bố mẹ chồng chi tiêu sắm tết. Hiện tại, chị cũng tích góp được khoản tiền riêng 700 - 800 triệu để dành mua đất cho con.
Bố mẹ chồng chị cũng có lương hưu khoảng 10 triệu đồng, có 2 căn phòng trọ cho thuê tầm 6 - 7 triệu đồng/ tháng. Do đó, 2 vợ chồng không phải lo chi tiêu tiền điện nước, sinh hoạt, chợ búa vì đã có bố mẹ chồng hỗ trợ.
Tuy nhiên, kết hôn được 6 năm, với lý do không hợp ra ngoài kiếm tiền, chồng chị không chịu đi làm, mọi gánh nặng tài chính trong gia đình đổ dồn vào vợ. Thậm chí, mẹ chồng còn phải cắt lương hưu chu cấp con trai 3 triệu đồng/ tháng để ăn sáng, hút thuốc lá,...
Theo đó, người vợ chia sẻ: "Chồng mình công việc gì cũng chê, muốn làm chủ nhưng không có vốn, không có bằng cấp. Sau khi sinh con đầu lòng, chồng đề nghị ở nhà chăm lo con cái vì con còn nhỏ không muốn giao cho ông bà. Tuy nhiên, chồng mình ở nhà lâu dần thành thói quen, giờ bé đầu cũng 5 tuổi, bé nhỏ đã 3 tuổi nhưng chồng vẫn ở nhà đàn hát, đánh cờ tướng,...
Vì chuyện này mà 1 - 2 năm trước hai vợ chồng mình cãi nhau rất nhiều, cũng có lần mình đòi ly dị nhưng không nỡ vì con còn nhỏ và được ông bà nội khuyên can. Thỉnh thoảng mình cũng cho chồng mượn tiền tiêu xài, nhưng hầu như không lấy lại được. Sau khi có 2 con, phải chi tiêu nhiều quá nên mình không cho chồng mượn nữa.
Con còn nhỏ thì mình kham nổi, sau con lớn hơn, phải lo tiền học hành nhiều, mình sợ gồng không nổi. Mình có khuyên chồng đi làm để kiếm tiền cùng lo cho con, nhưng anh cứ nói cho qua chuyện. Cứ cãi nhau mãi lại khiến ông bà buồn, nên sau đó mình cũng không nhắc tới nữa, mình kệ, ra sao thì ra, tới đâu hay tới đó".
Khi có anh chồng bất tài, hay lấp liếm
Chị vợ tâm sự tiếp, thuở mới kết hôn, 2 vợ chồng được mừng cưới tổng cộng 150 triệu đồng. Tuy nhiên, người chồng lấy hết tiền trả các khoản phí cho tiệc cưới rồi cũng cầm hết số tiền còn lại. Sau 3 tháng, do chồng muốn cùng bạn bè khởi nghiệp, chị không ngần ngại đưa 2 cây vàng cưới cho chồng đi bán được khoảng 55 triệu đồng. Sau kết hôn, tiền cưới và của hồi môn người vợ không cầm một đồng nào, hỏi tới thì chồng luôn lấp liếm khiến chị tủi thân.
Chị cũng dành dụm từng chút, gửi tiết kiệm,… khoảng 700 - 800 triệu để mua đất cho con sau này. Tuy nhiên, do có người chồng "ăn không ngồi rồi" như vậy, chị không muốn chồng biết được mình đang có một khoản tiền lớn. Chị không muốn chồng ỷ lại, hi vọng một thời gian sau chồng sẽ đi làm đỡ đần gánh nặng tài chính, phụ vợ nuôi con.
Câu chuyện được cô vợ chia sẻ cũng nhận được sự đồng cảm từ nhiều người. Cộng đồng mạng chê trách cô vợ vì để tiền cưới, vàng cưới "không cánh mà bay". Thậm chí, người vợ cũng bộc bạch rằng ngay cả mẹ chồng cũng bảo cô như vậy, khiến cô rút ra được bài học xương máu. Ngoài ra, nhiều người cũng phản đối việc bố mẹ chồng dung túng, để mặc cho lối sống vô trách nhiệm của người chồng.
Một số bình luận đáng chú ý của mọi người như sau:
- Chồng kỳ lạ nhỉ, nhưng chí ít thì cũng có bố mẹ chồng với em chồng dễ chịu. Chắc do bố mẹ hiền lành bao bọc chồng bạn quá, nên càng phụ thuộc vào ông bà, ai đời 40 tuổi vẫn chìa tay nhận 3 triệu đồng của bố mẹ hàng tháng. Cũng là 1 kinh nghiệm cho các mẹ nuôi dạy con sau này.
- Không hiểu sao lấy được người chồng như vậy, tình hình như này là ở không cả đời rồi đó. Bố mẹ chồng đâu thể chu cấp mãi, sau này lại khổ chị, khổ con.
- Bạn giỏi thật đấy! Có lẽ an ủi ở phần bố mẹ chồng và em chồng dễ tính chứ làm gì có bà vợ nào chịu được ông chồng như vậy.
Nguồn: Group Vén khéo