Vợ đột ngột qua đời, 69 tuổi ở một mình, tôi làm đúng 4 điều rồi cuối đời hưởng hạnh phúc viên mãn
Không dọn đến ở cùng con cháu hay vào viện dưỡng lão, ông cụ Trung Quốc vẫn vui vẻ với tuổi già của mình nhờ 4 bí quyết đơn giản.
*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Vương Lục Điền, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).
Tôi tên là Vương Lục Điền, năm nay 69 tuổi, đã nghỉ hưu. Lương hưu hàng tháng của tôi là 4.200 NDT (hơn 14 triệu đồng). Tôi có một con trai và một con gái, cả hai đều yêu thích cuộc sống náo nhiệt ở thành phố lớn nên rời quê từ sớm. Con trai tôi đến Quảng Châu phát triển, còn con gái tôi ở Hồ Nam.
Năm tôi 61 tuổi, vợ tôi không may qua đời. Lúc đó, một số người thân và bạn bè khuyên tôi nên tìm cho mình một người mới để bầu bạn. Dẫu vậy, tôi đã phớt lờ lời khuyên của mọi người và bắt đầu lên kế hoạch cho những năm tháng đơn độc sau này của mình. Cứ thế, tôi làm theo đúng 4 điều trong kế hoạch ấy và hiện có một cuộc sống rất vui vẻ và thoải mái khi về già. Dưới đây là kinh nghiệm của tôi:
1. Không “đi thêm bước nữa”
Sau sự ra đi của vợ, tôi bình thản đón nhận cuộc sống một mình suốt quãng đời còn lại. Đôi lúc, bản thân tôi cũng sợ những lúc trái gió trở trời có bất trắc, cần người chăm sóc. Tuy nhiên tôi cũng cho rằng nếu chỉ vì lý do đó mà tìm thêm một người bạn đời thì thật ích kỷ. Hơn nữa, sau khi nghe qua câu chuyện của lão Ngô hàng xóm, tôi cũng đã từ bỏ ý định đó.
Sau khi vợ mất, lão Tôn kết thân với bà Triệu ở xóm bên qua lời giới thiệu của người nhà. Lúc đầu, bà cụ này cư xử rất tốt, thế nhưng thời gian trôi qua, bà ấy biến mình thành một người khó tính và thích hạch sách chồng. Không chỉ không quan tâm đến việc trong nhà, bà cụ này còn phóng túng, tiêu hết tiền của lão Ngô cho những thứ xa xỉ. Gia đình cũng vì thế mà không êm ấm, thường xuyên xảy ra cãi vã giữa hai vợ chồng già.
Tất nhiên, không phải tất cả các cặp vợ chồng tái hôn đều sẽ gặp vấn đề, thế nhưng tôi không muốn có thêm thêm rắc rối cho bản thân khi đã về già. Ở tuổi của tôi, việc tiến thêm bước nữa không phải là chuyện dễ dàng. Hơn nữa, cơ hội gặp được người phù hợp ở những năm cuối đời là rất mong manh. Vì vậy, bản thân tôi cũng chỉ muốn sống nốt quãng đời còn lại trong yên bình.
2. Không giao tài sản cho con cái quá sớm
Ở tuổi xế chiều, việc “vội” trao hết tài sản cho con sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề, gia đình lão Cao ở làng chúng tôi là một ví dụ điển hình. Theo đó trước khi về hưu, lão Cao đã tích lũy cho mình một khối tài sản kha khá, dự sẽ bàn giao lại cho con cháu khi mình 60 tuổi. Ông cụ này cho rằng con trai cả sẽ là người chăm lo cho cha mẹ lúc cuối đời nên đã viết di chúc để lại căn nhà lớn cho quý tử, còn người con gái út chỉ có một mảnh đất nhỏ ở quê. Người tính không bằng trời tính, lão Cao ra đi ở tuổi 61. Tuân theo di chúc ông cụ để lại, người con cả sau khi thừa kế căn nhà này chưa chăm mẹ được ngày nào đã đuổi bà về quê sống với em gái. Kết cục rất đau lòng.
Bản thân tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy, dù không phải đứa con nào cũng giống gia đình lão Cao, thế nhưng người có tuổi rồi vẫn cần chuẩn bị sẵn tiền tiết kiệm và nhà cửa để đề phòng những rắc rối trước khi chúng xảy ra.
Tôi cũng nhận ra rằng, về già, dù có nhiều tài sản đến đâu, cũng không nên giao tài sản của mình cho con cái quá sớm. Bởi làm như vậy chẳng khác nào chủ động cho con cái mình một cuộc sống dễ dàng và tự đặt mình vào thế bị động. Bên cạnh đó, việc giao tài sản lại cho con cái quá sớm cũng có thể là nguồn cơn khiến không ít trường hợp tình anh em trong nhà tan nát vì tranh giành tài sản. Vì thế khi về già, dù thương con cái đến đâu thì ở những năm tháng xế chiều, người già chúng ta cần phải học cách để cho bản thân một đường lui.
3. Hãy tìm cho mình những niềm vui mới
Người ta sợ cô đơn khi về già, nhưng nuôi dưỡng một sở thích sẽ khiến bạn luôn tràn đầy nhiệt huyết và động lực. Tôi không có kỹ năng đặc biệt nào, nhưng khi còn trẻ và cho đến tận bây giờ, tôi luôn thích đọc sách và viết ra những suy nghĩ của mình. Tình cờ, tôi phát hiện ra tờ báo ở địa phương có một chuyên mục luôn nhận và đăng tải những bài viết của độc giả nên đã mạnh dạn gửi bài.
Không ngờ, những bài viết của tôi lại được nhiều bạn đọc đón nhận, giúp tôi vừa có thêm một khoản thu nhập, vừa “xài” thời gian một cách có ích. Sở thích viết lách này không chỉ khiến cuộc sống của tôi trở nên trọn vẹn hơn mà còn tiếp thêm động lực giúp tôi sống vui khỏe hơn mỗi ngày. Ở tuổi xế chiều, tôi nhận ra rằng đừng bao giờ đặt ra giới hạn độ tuổi cho bản thân, mỗi ngày học thêm một số kiến thức mới sẽ khiến bạn tràn đầy động lực và quên mất tuổi thật của mình.
4. Thuê người giúp việc phòng khi bệnh tật, đau ốm
Sau 50 tuổi có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời của mỗi người. Lúc đó, bố mẹ tôi đều bệnh nặng, một người bị liệt trên giường, người kia mắc bệnh Alzheimer và cần người chăm sóc 24/24. Vừa chăm sóc bố mẹ, vừa lo chuyện gia đình và công việc khiến cơ thể tôi suy kiệt, không còn chút sức lực nào. Vì vậy nên sau bố mẹ mất, tôi đã yêu các con thuê cho mình một người giúp việc khi tôi đổ bệnh. Việc này sẽ giúp các con giảm tải được gánh nặng trong cuộc sống, cũng giúp tâm lý người bệnh là tôi cảm thấy thoải mái hơn.
Sau này, tôi cũng không có ý định vào viện dưỡng lão. Tôi là người thích sự yên bình, tĩnh lặng, không muốn phải hòa vào cuộc sống của một nhóm người già. Hơn nữa, ở đâu có người, ở đó có đúng có sai, tại sao cũng khó giải thích, nhưng ở nhà vẫn thoải mái nhất, lại có thể gần bên con cháu.
Giờ đây, ngoài việc tập thể dục mỗi ngày, tôi dành thời gian còn lại để đọc sách và sáng tạo. Mỗi ngày trôi qua với tôi thật trọn vẹn và đầy bất ngờ. Tôi thực sự hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống tuổi già mà mình đã chọn.
(Theo Toutiao)