VN-Index để mất mốc 1.200 điểm: Nhóm thép, dầu khí, chứng khoán giảm sâu nhất

20/06/2022 16:08 PM | Kinh doanh

Cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành thép đồng loạt giảm mạnh trong bối cảnh giá bán thép trên thị trường liên tục giảm thời gian gần đây.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phiên giao dịch chứng khoán ngày 20/6, thị trường chứng khoán lại chứng kiến một phiên giảm điểm mạnh. VN-Index giảm 36,9 điểm xuống 1.180,4 điểm, tương ứng giảm 3,03% so với đóng cửa phiên trước.

Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng qua VN-Index để mất mốc 1.200. Lần trước, chỉ số này giảm xuống dưới 1.200 điểm vào ngày 13/5 nhưng sau đó liên tục hồi phục và có lúc đã lên tới trên 1.300 điểm.

Bên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 4,33% xuống 267,92 điểm và UPCOM giảm 1,91% xuống 85,44 điểm.

Toàn thị trường có gần 800 cổ phiếu giảm giá, trong đó hơn 220 cổ phiếu giảm sàn. Ngược lại, số mã tăng giá chỉ là 215, với 23 mã tăng trần.

Giảm mạnh nhất hôm nay là nhóm ngành thép, dầu khí và các công ty chứng khoán. Trong nhóm thép, cổ phiếu của Hòa Phát, Nam Kim, Hoa Sen đồng loạt giảm sàn với khối lượng giao dịch lớn. Được biết, giá thép vừa giảm lần thứ 6 liên tiếp kể từ ngày 11/5, với mức giảm hơn 500.000 đồng/tấn, kéo giá bán còn hơn 16 triệu đồng/tấn. Tổng cộng sau 5 tuần, giá thép đã giảm đến hơn 2,5 triệu đồng/tấn, nguyên nhân là do giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng đi xuống.

Với nhóm công ty chứng khoán, cổ phiếu của VnDirect, SSI, Bản Việt cũng đều đóng cửa dư bán giá sàn. Nhóm dầu khí chứng kiến Đạm Cà Mau, POW, PVDrilling, GAS... bị bán tháo.

VN-Index để mất mốc 1.200 điểm: Nhóm thép, dầu khí, chứng khoán giảm sâu nhất - Ảnh 1.

VN-Index để mất mốc 1.200 điểm

Các công ty chứng khoán đều cho rằng, thời điểm hiện tại nhà đầu tư nên thận trọng và hạn chế mua mới, đồng thời cân nhắc chốt lời và cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro. Chứng khoán Rồng Việt trước đó đã cảnh báo áp lực bán lớn còn tiềm ẩn ở vùng 1.220-1.230 điểm, trong khi Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng các yếu tố vĩ mô quốc tế đang có xu hướng thắt chặt, sẽ gây tác động tiêu cực phần nào đến nền kinh tế nội địa.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM