Visa đã "mở", chờ du lịch bứt tốc
Chính sách thị thực mới sẽ chính thức có hiệu lực sau đúng 1 tháng nữa, bắt đầu từ ngày 15/8.
6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đón gần 5,6 triệu lượt khách quốc tế (đạt 69% kế hoạch năm), tổng thu du lịch đạt 343.000 tỉ đồng. Để tăng tốc trong 6 tháng cuối năm, ngành du lịch cả nước đang lên phương án thu hút khách, đặc biệt tận dụng cơ hội khi chính sách thị thực mới sẽ chính thức có hiệu lực sau đúng 1 tháng nữa, bắt đầu từ ngày 15/8.
Hiện các doanh nghiệp du lịch đặt nhiều kỳ vọng, 6 tháng cuối năm, chính sách thị thực mới (nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày, nâng thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần) sẽ tạo bứt phá với thị trường khách quốc tế cao cấp. Đặc biệt là dòng khách lẻ, khách gia đình muốn lưu lại Việt Nam dài ngày.
"Cần thay đổi cơ bản khung dịch vụ cũng như hệ sinh thái sản phẩm để tạo điều kiện cho hệ thống hạ tầng dịch vụ của doanh nghiệp phát triển", ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho biết.
Còn thị trường nội địa đạt con số kỷ lục 64 triệu lượt trong 6 tháng đầu năm. Để khai thác hiệu quả thị trường hơn 100 triệu dân, cần thành lập các tổ nghiên cứu sở thích của khách nội địa theo vùng, miền, độ tuổi để xây dựng sản phẩm phù hợp. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cần công bố sức chứa của các điểm du lịch, chất lượng dịch vụ, đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch chuyên nghiệp, văn minh, tránh tình trạng mùa vụ, chộp giật những dịp cao điểm hay lễ Tết.
"Cần kết hợp hài hoà để đảm bảo giá thành du lịch phù hợp nhất", ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh.
Nghị quyết 82 của Chính phủ về phục hồi du lịch là bước quan trọng để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để lọt danh sách 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, cần một "nhạc trưởng" điều tiết bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Hiện liên kết trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch là điểm yếu của du lịch VIệt Nam so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
"Chúng ta không nên dàn trải mà cần tạo ra những sản phẩm khác biệt để tạo ra sự liên kết chặt chẽ", bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh kiến nghị.
6 tháng đầu năm, tổng khách trong nước và quốc tế đạt gần 70% mục tiêu, vì thế nhiều khả năng cả năm du lịch Việt Nam sẽ vươt mục tiêu đề ra. Nhưng còn rất nhiều việc phải làm để lấy lại phong độ với 18 triệu lượt khách quốc tế như trước COVID-19. Và quan trọng hơn, cần thay đổi mạnh về chất, tránh tư duy mạnh ai nấy làm, mới có thể phát triển du lịch bền vững.