Vinmart+ đang 'xâm chiếm' khắp ngóc ngách Việt Nam bằng cách thức khiến người Nhật cũng phải nể phục!
Một cuộc cách mạng bán lẻ đang diễn ra trong lĩnh vực cửa hàng tiện lợi tại Đông Nam Á, theo đó các chuỗi cửa hàng đều đang tìm lợi thế cạnh tranh cho riêng mình.
Để làm được điều đó, một số cửa hàng tiến hành điều chỉnh cách bày bán sản phẩm trên mỗi khung thời gian khác nhau trong ngày, đồng thời cung cấp chất lượng dịch vụ không thua kém tại Nhật Bản hay một số nền kinh tế tiên tiến khác. Những nỗ lực như vậy đang góp phần làm thịnh vượng hơn cho mảng kinh doanh cửa hàng tiện lợi trên toàn khu vực.
Lấy chuỗi Vinmart+ của tập đoàn Vingroup ở Việt Nam là ví dụ. Kể từ năm 2016, khi công ty này bắt đầu mở cửa hàng đầu tiên, số lượng cửa hàng Vinmart+ đã tăng với tốc độ chóng mặt, lên con số 1.000 cửa hàng tính tới tháng 9/2017.
Đây là con số thực sự ấn tượng bởi cửa hàng tiện lợi lớn thứ 2 của Nhật Bản là Familt Mart cũng chỉ kỳ vọng nâng tổng số cửa hàng tại Việt Nam lên con số 150 vào cuối năm nay.
Rất nhiều cửa hàng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có mặt bằng nhỏ và hẹp, chỉ chưa đầy 100 m2. Vinmart+ trên đường Lê Duẩn tại TP Hồ Chí Minh là một ví dụ. Cửa hàng được cải tạo lại trên khu đất trước đây là một studio chụp ảnh. Mặt tiền của cửa hàng chỉ rộng 3 – 4m - mức gần như không thể sử dụng làm cửa hàng tiện lợi tại Nhật. Bên trong cửa hàng, khoảng cách giữa các lối đi chỉ 90cm - ít hơn khá nhiều so với những cửa hàng tại Nhật Bản và một số nền kinh tế phát triển khác.
Cách bố trí hàng hóa trong cửa hàng Vinmart+
Thậm chí, hai người không thể đi ngang qua khoảng không chật hẹp đó nhưng dường như cũng chẳng ai bận tâm tới việc này lắm bởi hầu hết các cửa hàng tại Việt Nam đều rất nhỏ.
Cầu thang và tầng 2 của cửa hàng Vinmart+ trên đường Lê Duẩn được chuyển đổi thành nhà kho. Với mỗi cửa hàng như vậy, về quy tắc được điều hành bởi 2 nhân viên với hơn 10 camera giám sát. .
Điểm khác biệt nhất của Vinmart+ đó là cách bày sản phẩm – thay đổi theo thời gian trong ngày. Kể từ tháng 8, Vinmart+ đã chuyển hàng hóa sang những quầy riêng biệt, từ rau, thực phẩm đóng hộp tới đồ ăn ready-to-eat sau 4 giờ chiều – khoảng thời gian được coi là "giờ vàng cho những bà nội trợ".
Sau 4 giờ chiều, nhiều mặt hàng được giảm giá như nem rán hay những món khác rất được các bà nội trợ ưa thích. Cùng thời điểm, một số sản phẩm khác cũng được giảm 10 – 20%. Những cách thức này đã minh chứng đạt hiệu quả, thu hút khách hàng với cả những người vốn quen đi chợ truyền thống hay siêu thị.
"Số lượng những bà nội trợ thường xuyên vào cửa hàng chúng tôi đang tăng lên", một nhân viên của cửa hàng Vinmart+ cho biết.
Doanh thu hàng ngày của một cửa hàng Vinmart+ trên đường Lê Duẩn đạt 16 triệu VNĐ (tương đương 700 USD/ngày và 21.000USD/tháng). Những mặt hàng bán chạy nhất gồm có đồ uống, nước ngọt, snack, thực phẩm ăn sẵn và rau củ.
Dịch vụ giao hàng tận nhà trong bán kính 700m trên 22 cửa hàng của công ty tại Hà Nội cũng bắt đầu được thực hiện từ ngày 5/10 với số lượng khách hàng đang tăng lên nhanh chóng.
Còn tại Myanmar, 70 cửa hàng tiện lợi City Express cũng đang vượt mặt nhiều đối thủ địa phương nhờ cung cấp dịch vụ chất lượng cao.
Nhận biết được thực tế hoạt động mua sắm về đêm rất phát triển, tất cả những cửa hàng City Express đều mở 24 giờ mỗi ngày tại Myanmar. Các cửa hàng khá sạch sẽ, có camera giám sát và kiểm soát được các hoạt động tội phạm. Danh mục sản phẩm thì nhiều giống hệt các chuỗi cửa hàng tiện lợi ở những quốc gia khác và bao gồm cả thức ăn chiên, rán.
Một cửa hàng City Express
Giám đốc của City Mart là Win Win Tint nói rằng những cải tiến mới của cửa hàng là nhằm cạnh tranh với những đối thủ nước ngoài sắp gia nhập thị trường Myanmar.
Nhìn chung, số lượng những thành phố có GDP bình quân đầu người vượt mức 3.000 USD đang ngày một tăng lên tại khu vực Đông Nam Á – tạo tiền đề cho sự bùng nổ cửa hàng tiện lợi.
Trong khi các cửa hàng tiện lợi đang mở rộng ra trên khắp khu vực, các chuỗi Nhật Bản – vốn luôn được xem đi đầu về thiết kế cửa hàng và dịch vụ đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Rất nhiều vấn đề họ cần xử lý bao gồm đặt ra những chính sách, cách bố trí hàng hóa phù hợp với sở thích người dân địa phương, thiết lập mạng lưới phân phối và thỏa thuận với chính quyền địa phương về giấy phép hoạt động.
Cuối tháng 6, đơn vị điều hành hoạt động 7-Eleven tại Indonesia đã phải đóng toàn bộ 116 cửa hàng do thua lỗ và vướng mắc trong khâu xin giấy phép hoạt động. Trong khi đó, những đối thủ cạnh tranh tại địa phương gồm Indomaret và Alfamart vẫn tiếp tục mở thêm mỗi đơn vị khoảng 10.000 cửa hàng.
Tại TP Hồ Chí Minh Việt Nam, số lượng cửa hàng FamilyMart và Ministop đạt gần con số 100 nhưng chưa thương hiệu nào xuất hiện tại Hà Nội do các quy định vẫn còn khá khó khăn.
Một lãnh đạo cấp cao của chuỗi cửa hàng Nhật Bản ban đầu tỏ ra giễu cợt cách tiếp cận của Vingroup khi mở Vinmart+ trên những diện tích "tí hon". Người này nói rằng cửa hàng Vinmart+ "không giống cửa hàng tiện lợi" và cửa hàng này rồi sẽ "lỗ nặng".
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này đến nay đã phải thay đổi quan điểm và nhìn Vinmart+ bằng "con mắt khác": Ông thậm chí coi Vinmart+ là một mối đe dọa nghiêm túc với mảng kinh doanh của mình.