Vĩnh biệt, toàn cầu hóa

16/05/2020 07:47 AM | Xã hội

Dịch bệnh khiến hoạt động du lịch và nhập cư bị "chính trị hóa". Hơn nữa xu hướng hướng nội sẽ làm suy yếu đà hồi phục, càng khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn cũng như làm trầm trọng thêm sự bất ổn về địa chính trị.

Kể cả trước khi đại dịch nổ ra, tiến trình toàn cầu hóa của thế giới đã phải đối mặt với những "cơn gió ngược". Hệ thống thương mại mở vốn đã thống trị kinh tế thế giới mấy chục năm nay đã bị phá hủy đáng kể bởi khủng hoảng tài chính và chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Và giờ đây mạng lưới ấy đang phải gánh chịu đòn đánh thứ 3 và cũng là nặng nề nhất trong hơn chục năm trở lại đây: các lệnh phong tỏa khiến nhiều nước đóng cửa biên giới, dòng chảy thương mại đổ vỡ. Lượng khách đến sân bay Heathrow đã giảm 97% so với 1 năm trước, xuất khẩu ô tô của Mỹ giảm 90% trong tháng 4 và 21% các chuyến tàu container di chuyển qua Thái Bình Dương đã bị hủy.

Hiện nay các nền kinh tế đã mở cửa trở lại và hoạt động thương mại sẽ dần dần phục hồi. Tuy nhiên không ai có thể mong đợi đó là 1 cú hồi phục nhanh chóng sẽ hồi sinh thế giới tự do như trước kia. Dịch bệnh khiến hoạt động du lịch và nhập cư bị "chính trị hóa". Hơn nữa xu hướng hướng nội sẽ làm suy yếu đà hồi phục, càng khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn cũng như làm trầm trọng thêm sự bất ổn về địa chính trị.

Thế giới đã trải qua nhiều bước phát triển trong quá trình hội nhập, nhưng hệ thống thương mại nổi lên từ những năm 1990 đi được xa hơn tất cả. Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới và các nước sẵn lòng mở cửa biên giới để dòng chảy hàng hóa, vốn, thông tin và cả con người lưu thông rất dễ dàng. Tuy nhiên sau sự kiện Lehman Brothers sụp đổ năm 2008, nhiều ngân hàng và cả một vài tập đoàn đa quốc gia đã co cụm. Thương mại và đầu tư ra nước ngoài tăng trưởng chậm hơn đáng kể so với GDP, quá trình mà The Economist gọi là "slowbalisation" (tạm dịch: chậm lại trên toàn cầu).

Toàn cầu hóa tiếp tục suy giảm mạnh hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động chiến tranh thương mại với một số quốc gia mà nổi bật nhất là Trung Quốc, nêu bật nỗi lo lắng về việc nước Mỹ mất đi một lượng lớn việc làm và sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản kiểu Trung Quốc với tham vọng bành trướng quá lớn.

Ở thời điểm virus bắt đầu phát tán ở Vũ Hán cuối năm ngoái, thuế quan mà Mỹ đánh vào các hàng hóa nhập khẩu đang ở mức cao nhất kể từ 1993. Cả Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu nỗ lực tách rời ngành công nghệ của 2 nước càng cách xa nhau càng tốt.

Từ tháng 1/2020, làn sóng đi ngược toàn cầu hóa đã bắt đầu "tây tiến" với khởi nguồn là châu Á. Các nhà máy, cửa hiệu, văn phòng đóng cửa khiến lực cầu cắm đầu lao dốc và ngăn cản các nhà cung ứng tiếp cận với người tiêu dùng. Mức thiệt hại là không đồng đều. Apple cho biết vẫn có thể sản xuất iPhone và xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng trưởng trong tháng vừa qua mà chủ yếu là nhờ mặt hàng thiết bị y tế. Tuy nhiên bức tranh toàn cảnh vẫn mang 1 màu xám xịt. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của thế giới được dự báo suy giảm 10-30% trong năm nay. Trong 10 ngày đầu tiên của tháng 5, xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất từ 1967.

Các nước đang tranh cãi và đổ lỗi cho nhau. Pháp và Anh cãi nhau vì quy tắc phong tỏa, Trung Quốc dọa đánh thuế trừng phạt Úc vì nước này yêu cầu điều tra nguồn gốc virus trong khi Nhà Trắng tiếp tục đề cập đến các vấn đề thương mại một cách hiếu chiến. Bất chấp vẫn có một số sự hợp tác trong đại dịch, ví dụ như Cục dự trữ liên bang (Fed) cung cấp khoản vay cho NHTW các nước, nhìn chung Mỹ đang tỏ ra lưỡng lự không muốn đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu. Sự hỗn loạn và chia rẽ ở ngay tại quê nhà đã làm giảm đáng kể uy tín của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó Trung Quốc cũng không sẵn sàng.

Trên khắp thế giới xuất hiện tâm lý chống toàn cầu hóa. Không ít người dân cảm thấy phiền toái khi phát hiện ra rằng sức khỏe của họ lại phụ thuộc vào 1 trận chiến tranh giành nhập khẩu thiết bị bảo hộ và vào những nhân viên y tế nhập cư làm việc trong các trại dưỡng lão.

Đây mới chỉ là điểm khởi đầu. Chính quyền Trump đang đề xuất những biện pháp khiến cánh cửa nhập cư vào Mỹ bị thu hẹp hơn bao giờ hết, với lập luận rằng việc làm phải được ưu tiên cho người Mỹ trước tiên. Nhiều khả năng các nước khác sẽ theo bước. Hoạt động đi lại cũng bị hạn chế đáng kể, làm mất đi cơ hội tìm kiếm việc làm và cả cơ hội hợp tác kinh doanh. Airbus đã giảm sản lượng 1/3 và hãng hàng không Emirates – vốn được coi là biểu tượng của toàn cầu hóa – dự đoán hoạt động đi lại xuyên biên giới khó có thể phục hồi trước năm 2022.

Thương mại sẽ thiệt hại nếu các nước không còn duy trì ý tưởng hàng hóa và các công ty nên được đối xử công bằng bất chấp xuất xứ. Chính phủ và NHTW các nước đang yêu cầu người nộp thuế giải cứu các công ty quốc doanh bằng những gói kích thích khổng lồ, tạo ra những đặc quyền rất lớn cho nhóm này. Và nỗ lực mang chuỗi cung ứng về quê nhà đang được tăng tốc. Hôm 12/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố nước này đã bắt đầu bước vào thời kỳ tự lực kinh tế. Gói kích thích kinh tế của Nhật Bản bao gồm những chương trình hỗ trợ cho các công ty quyết định "hồi hương" nhà máy, và các quan chức châu Âu đang bàn về "tự chủ chiến lược", lập quỹ để mua cổ phần tại các doanh nghiệp. Mỹ cũng hối thúc Intel xây dựng nhà máy ở quê nhà. Thương mại số đang bùng nổ nhưng tỷ trọng còn quá nhỏ. Tổng doanh thu của Amazon, Apple, Facebook và Microsoft chỉ tương đương 1.3% tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới.

Dòng chảy vốn cũng bị gián đoạn, trong khi lượng vốn đầu tư dài hạn sụt giảm mạnh. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm mà các công ty Trung Quốc triển khai ở Mỹ đã giảm xuống còn 400 triệu USD trong quý I, thấp hơn 60% so với 2 năm trước. Năm nay các công ty đa quốc gia có thể cắt giảm 1/3 lượng vốn đầu tư ra nước ngoài. Mỹ đã yêu cầu quỹ hưu trí liên bang ngừng mua cổ phần của các công ty Trung Quốc, và con số thống kê cho thấy nhóm nước chiếm 59% GDP toàn cầu đã thắt chặt kiểm soát đầu tư nước ngoài.

Đừng để bị lừa rằng 1 hệ thống thương mại với mạng lưới các chính sách kiểm soát được thắt chặt sẽ là an toàn hơn. Những nước nghèo khó lòng đuổi kịp, trong khi ở các nước giàu chi phí sống trở nên đắt đỏ và ít tự do hơn. Nội địa hóa không làm cho chuỗi cung ứng khỏe mạnh, bền bỉ hơn mà trái lại cách tốt nhất là đa dạng nó để phân tán rủi ro và tận dụng lợi thế quy mô. Hơn nữa, 1 thế giới phân mảnh sẽ càng khiến những vấn đề mang tính toàn cầu như tìm kiếm vaccine và phục hồi kinh tế trở nên khó khăn hơn.

Không may là lập luận như trên giờ đã không còn hợp thời và dễ dàng bị ngó lơ. Đã đến lúc chia tay với thời kỳ huy hoàng nhất của toàn cầu hóa và hãy bắt đầu lo lắng về những gì đang diễn ra.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM