Viettel đang làm gì ở thị trường viễn thông kỳ lạ nhất thế giới?
Trước khi mở cửa, giá một chiếc sim di động ở Myanmar lên tới 2.000 USD. Còn sau đó hơn 3 năm, giá một chiếc sim còn 1,5 USD và 90% người dân Myanmar đã sử dụng di động. Nhưng đó chưa phải là điều đặc biệt nhất.
Đầu năm 2018, sau khi một mạng di động mới toanh có tên gọi Mytel (công ty viễn thông của người Myanmar) thực hiện cuộc gọi đầu tiên thông suốt, nhiều người dân ở các vùng hẻo lánh tại quốc gia lần đầu tiên biết đến 4G. Mytel là liên doanh của 2 công ty Myanmar với một đối tác Việt Nam – Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel).
Tại làng Thadon (thuộc Mon State), người dân ở đây phần lớn đã sử dụng smartphone nhưng mỗi khi muốn truy cập Internet thì phải di chuyển vào thị trấn Thaton cách đó khoảng 10 km. Ở chính nơi họ sống, sóng 2G tốt nhưng 3G rất “tậm tịt” và chưa có 4G. Chính vì thế, hôm nhân viên của một mạng mới có tên Mytel đến tận làng mời dùng sim 4G với tốc độ lướt Internet trên smartphone vượt trội, ai cũng ngạc nhiên.
Anh Ar Kar Maung, người làng Thadon (Mon State) cho biết, mạng Mytel gọi nội mạng chỉ bằng một nửa so với các nhà mạng khác. Data của Mytel cũng nhiều ưu đãi hơn khi kích hoạt có 1,5 GB trong 3 tháng, và 300 phút nội mạng miễn phí. “Rất khác so với các mạng trước dó, đặc biệt là tốc độ Internet”, anh này chia sẻ.
Sự xuất hiện của một mạng di động mới nhưng có một cái tên thân thiện với người Myanmar đang đem tới một luồng gió mới với thị trường viễn thông vốn rất kỳ lạ tại đây.
Chỉ cách đây vài năm trước khi đất nước Myanmar mở cửa, 1 chiếc sim di động còn có giá tới 2.000 USD và sóng di động 2G chỉ phủ ở thành phố và tỷ lệ người dùng di động chưa đến 10%. Nhưng sau hơn 3 năm mở cửa viễn thông, tỷ lệ này đã tăng lên 90% và 80% trong số đó dùng smartphone.
Ông Trương Vũ Sơn, Giám đốc Mytel ở chi nhánh Naypyidaw (thủ đô Myanmar) nói vui: “Người dân ở đây dùng smartphone “như một thói quen”!”. . Thực tế, tại trụ sở chi nhánh Mytel ở Naypyidaw, anh bảo vệ và chị tạp vụ cũng dùng smartphone và lướt web rất sành điệu.
Nếu so sánh với tốc độ phổ cập di động ở Việt Nam (thuộc hàng nhanh nhất thế giới), Myanmar còn nhanh hơn và không quốc gia nào sánh được về tốc độ phổ cập smartphone. Ở đất nước của những ngôi chùa, hệ thống mạng wifi rất kém và người dân chủ yếu truy cập Internet thông qua di động.
Thế nhưng, cùng với việc phổ cập nhanh chóng smartphone, hạ tầng mạng di động băng rộng của các hãng viễn thông trước đó như MPT, OOreedoo và Telenor chưa phát triển đủ nhanh. Đây cũng là lý do mà một mạng di động mới như Mytel, chưa được quảng cáo nhưng được đón nhận khá nồng nhiệt ở các miền quê Myanmar – nơi muốn truy cập Internet thì phải tranh thủ ra thị trấn như người dân ở làng Thadon (Mon State).
Trong năm đầu tiên cung cấp dịch vụ, Mytel sở hữu hạ tầng với hơn 30.000 km cáp quang, hơn 7.000 trạm thu phát sóng 4G và là nhà mạng duy nhất phủ sóng Internet siêu băng rộng toàn quốc ngay trước khi khai trương.
Sức mạnh về hạ tầng Internet siêu băng rộng di động này rất có sức nặng với người dùng Myanmar khi phần lớn người dân sử dụng smartphone 2 sim 2 sóng. Đi kèm với đặc điểm “nghiện” lướt web với smartphone rất nặng, cơ hội dành cho những nhà mạng như Mytel rất khả quan.
“Giá rẻ, Internet di động siêu tốc độ phủ khắp nơi là lý do tôi chọn Mytel dù họ chưa chính thức khai trương, bởi đây cũng là điều mạng khác không có”, chị Athin Chay- một người dân cũng ở Mon State chia sẻ khi lắp chiếc sim thứ 2 vào chiếc smartphone 2 sim 2 sóng của mình.
Thị trường viễn thông di động Myanmar được một số nhà phân tích bình luận là kỳ lạ nhất thế giới ở 3 điểm: tốc độ phổ cập di động, tốc độ phổ cập smartphone, và mức độ “cuồng” Internet di động. Cũng nhờ những đặc điểm này và sở hữu một hạ tầng 4G lớn nhất Myanmar, Mytel đặt mục tiêu khá tham vọng cho năm đầu tiên kinh doanh với 2-3 triệu thuê bao dù ngày 9/6/2018 mới khai trương dịch vụ.