Vietnam Airlines tiếp tục vận chuyển hành khách từ Châu Âu về Việt Nam

15/03/2020 09:56 AM | Kinh doanh

Từ ngày 15-3-2020, Vietnam Airlines sẽ vận chuyển hành khách từ London (Anh), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức) trở về song hành khách phải đảm bảo đầy đủ điều kiện xuất, nhập cảnh và sức khoẻ.

Tiếp theo thông tin báo chí trong ngày 14-3 về việc tạm dừng vận chuyển khách từ Châu Âu về Việt Nam để phòng chống dịch, tối 14-3, hãng hàng không Vietnam Airlines lại có thông báo mới.

Sau khi rà soát, tổng hợp các yêu cầu, nguyện vọng và trên cơ sở làm việc các cơ quan chức năng, bắt đầu từ ngày 15-3-2020, Vietnam Airlines sẽ vận chuyển hành khách đảm bảo đầy đủ điều kiện xuất, nhập cảnh và sức khoẻ trở về Việt Nam trên các chuyến bay của hãng khởi hành từ London (Anh), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức).

 Vietnam Airlines tiếp tục vận chuyển hành khách từ Châu Âu về Việt Nam  - Ảnh 1.

Đón chuyến bay từ vùng có dịch Covid-19 về sân bay Cần Thơ hôm 1-3 - Ảnh: Minh Châu

Các hành khách lưu ý, hãng sẽ tiến hành phỏng vấn và đo thân nhiệt bắt buộc để đảm bảo hành khách đủ điều kiện sức khỏe thực hiện chuyến bay về Việt Nam. Hành khách phải đeo khẩu trang, găng tay trong toàn bộ hành trình trên chuyến bay. Hành khách cũng sẽ được chăm sóc, theo dõi sức khỏe liên tục trên chuyến bay và tiến hành cách ly theo đúng quy định sau khi hạ cánh.

Toàn bộ phi hành đoàn sẽ được trang bị đồ bảo hộ y tế đặc chủng. Để hạn chế khả năng lây nhiễm, các dịch vụ trên chuyến bay chỉ được phục vụ tối thiểu với nước uống, đồ ăn khô. Các chuyến bay này sẽ được hạ cánh ở sân bay thích hợp tại Việt Nam sau khi hãng làm việc với các cơ quan chức năng.

Hiện Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất của Việt Nam đang khai thác đường bay châu Âu.

Trước đó, sáng 14-3, Vietnam Airlines cho biết nhằm ngăn chặn sự bùng phát, lây lan dịch bệnh Covid-19 vì sức khoẻ cộng đồng, từ ngày 15-3, các chuyến bay của Hãng từ London (Anh), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức) về Việt Nam sẽ không chuyên chở hành khách. Các chuyến bay khởi hành từ Việt Nam đi châu Âu vẫn được Hãng phục vụ bình thường để hành khách Châu Âu trở về nước.

Các chuyến bay từ châu Âu về Việt Nam dự kiến hạ cánh tại các sân bay Vân Đồn, Cần Thơ và thực hiện cách ly hành khách.

Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 hôm 13-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu hạn chế người nhập cảnh từ các nước có dịch; hạn chế tối đa các chuyến bay từ các vùng có dịch đến Việt Nam để giảm tối đa nguồn lây nhiễm từ bên ngoài; thực hiện chặt chẽ thủ tục xuất nhập cảnh, đặc biệt kiểm tra chi tiết, nghiêm túc tờ khai y tế; nêu khuyến cáo, yêu cầu hành khách khai báo y tế điện tử trước khi đến Việt Nam.

Hạn chế các chuyến bay Việt Nam, đặc biệt của hãng hàng không quốc gia Việt Nam bay đến các vùng có dịch. Từ ngày 16-3-2020, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người (như tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng...).

Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết ngày 13-3-2020, Chính phủ Việt Nam quyết định: Tạm thời chưa cho nhập cảnh người nước ngoài đến từ hoặc đã đi qua các nước thuộc khu vực Schengen và Vương quốc Anh và Bắc Ireland trong vòng 14 ngày trước ngày dự kiến đến Việt Nam với mục đích du lịch, thăm thân, du học, việc riêng; tạm dừng cấp thị thực tại cửa khẩu cho tất cả người nước ngoài, không phân biệt quốc gia và vùng lãnh thổ.

Quyết định nêu trên có hiệu lực 30 ngày kể từ 12 giờ ngày 15-3-2020 và không áp dụng với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao và công vụ.

Các trường hợp người nước ngoài là chuyên gia, quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao khi nhập cảnh phải qua kiểm tra y tế và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp tại doanh nghiệp, cơ sở lưu trú theo đúng quy định.

Các nước thuộc khu vực Schengen gồm 26 quốc gia châu Âu: Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hi Lạp, Hungary, Iceland, Ý, Latvia, Liechtenstein, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ.

Theo D Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM