Vietnam Airlines lỗ thêm 5.200 tỷ đồng nửa đầu năm 2022, lỗ lũy kế gần 29.000 tỷ đồng

04/08/2022 10:14 AM | Kinh doanh

Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines hiện âm hơn 4.900 tỷ đồng sau khi công ty báo lỗ 10 quý liên tiếp.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 với kết quả lỗ trước thuế 2.497 tỷ đồng và lỗ sau thuế 2.568 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 10 liên tiếp.

Vietnam Airlines vẫn báo lỗ cho dù ngành hàng không gần như đã hoạt động bình thường, các đường bay nội địa cũng như quốc tế đã được nối lại.

Doanh thu quý 2 vừa qua của Vietnam Airlines đã tăng mạnh lên 18.324 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây và tương đương hồi quý 1/2020. Mặc dù vậy, mức doanh thu này vẫn thấp hơn giai đoạn trước khi Covid-19 xuất hiện, khoảng 23.000-25.000 tỷ đồng mỗi quý.

Vietnam Airlines lỗ thêm 5.200 tỷ đồng nửa đầu năm 2022, lỗ lũy kế gần 29.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines đạt doanh thu khoảng 30.000 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ. Lỗ trước thuế và sau thuế là -5.118 tỷ đồng và -5.254 tỷ đồng. Kết quả này khiến lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đến ngày 30/6/2022 tăng lên 28.921 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines hiện đã âm 4.914 tỷ đồng.

Công ty hiện hoạt động bằng tiền đi vay, trong đó vay ngắn hạn hơn 15.000 tỷ đồng và vay dài hạn gần 17.900 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các khoản phải trả người bán ngắn hạn và chi phí phải trả ngắn hạn cùng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, lên lần lượt 27.300 tỷ đồng (+43%) và 6.700 tỷ đồng (+73%).

Vietnam Airlines lỗ thêm 5.200 tỷ đồng nửa đầu năm 2022, lỗ lũy kế gần 29.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Được biết, Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại Vietnam Airlines giai đoạn 2021-2025. Các giải pháp bổ sung lợi nhuận và nguồn vốn chủ sở hữu Vietnam Airlines đã xây dựng trong Đề án bao gồm 3 nhóm giải pháp lớn:

Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng phục hồi và cải thiện hoạt động kinh doanh, giảm tối đa mức lỗ trong hoạt động kinh doanh vận tải trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi hoàn toàn (2022-2023) và tiến tới có lãi trong các năm sau.

Thứ hai, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền. Theo đó Vietnam Airlines sẽ triển khai bán hoặc bán và thuê lại các tàu bay cũ; thoái vốn, chuyển nhượng vốn đối với một số danh mục đầu tư tài chính. Giải pháp này sẽ được thực hiện chủ yếu từ 2022-2024.

Thứ ba, phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu: dự kiến thực hiện năm 2023-2024.

Trong báo cáo của Hội đồng quản trị Vietnam Airlines, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm nay là tái cơ cấu danh mục đầu tư (trong đó tập trung hoàn thành việc tái cơ cấu Pacific Airlines), tái cơ cấu đội bay, tái cấu trúc quản trị kinh doanh.

Hà My

Từ khóa:  Vietnam Airlines
Cùng chuyên mục
XEM