Vietnam Airlines giải bài toán tái cơ cấu và "món quà bất đắc dĩ" mang tên Pacific Airlines

16/09/2022 14:14 PM | Kinh doanh

“Vietnam Airlines dự kiến mức lỗ cả năm 2022 là 9.335 tỷ đồng – đây là mức trần và chúng tôi sẽ cố gắng giảm lỗ tối đa”, đại diện của hãng hàng không quốc gia chia sẻ trong cuộc họp báo tổ chức ngày 14/09.

Phương án tái cơ cấu lại Vietnam Airlines và những việc đã làm được trong 6 tháng đầu năm.

Đầu tháng 8, Tổng công ty hàng không Việt Nam CTCP - Vietnam Airlines (HVN) đã có công văn giải trình biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị kiểm soát.

Theo đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 đã được Đại hội cổ đông thông qua và đang trình cấp có thẩm quyền, Vietnam Airlines sẽ thực hiện 3 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu:

(1) Cải thiện KQKD vận tải hàng không, sử dụng hiệu quả năng lực sản xuất để không đẩy lỗ lũy kế tăng cao trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi hoàn toàn và tiến tới có lãi trong các năm sau;

(2) Tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.

Vietnam Airlines cho biết sẽ bán, hoặc bán và thuê lại các tàu bay cũ, thoái vốn, chuyển nhượng vốn đối với một số danh mục đầu tư tài chính, thực hiện chủ yếu từ 2022-2024.

Cụ thể, Vietnam Airlines dự tính bán 32 tàu bay, trong đó có 26 chiếc phản lực thân hẹp A321CEO và 6 chiếc ATR72. Việc này đem lại thu nhập cho doanh nghiệp, cũng là hoạt động để thay thế dần đội bay bằng các tàu hiện đại và tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Với các tàu bay mới, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch bán và thuê lại (SLB) 12 tàu thân hẹp và hai động cơ dự phòng.

6 tháng đầu năm 2022, theo BCTC bán niên 2022 của công ty mẹ, HVN ghi nhận thu nhập từ thanh lý tài sản cố định là 88,7 tỷ đồng và có dòng tiền tương ứng. Tuy nhiên, trong kỳ công ty cũng ghi nhận dòng tiền ra chi mua sắm, xây dựng TSCĐ và TSDH khác trị giá 42 tỷ đồng.

Vietnam Airlines còn có chủ trương tái cơ cấu danh mục đầu tư, thoái vốn khỏi công ty con/công ty liên kết để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.

Cũng theo BCTC bán niên 2022 của công ty mẹ, HVN có dòng tiền dương từ thu hồi đầu tư vốn vào đơn vị khác (774 tỷ đồng) và thu hồi khoản cho vay, bán công cụ nợ cho đơn vị khác (dương 38 tỷ đồng sau khi bù trừ với tiền chi cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác) khác.

(3) Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Vietnam Airlines cho biết việc phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu dự kiến thực hiện vào năm 2023-2024. Hình thức phát hành cổ phiếu là chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.

Vietnam Airlines giải bài toán tái cơ cấu và "món quà bất đắc dĩ" mang tên Pacific Airlines - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa

Bán được Pacific Airlines sẽ giảm lỗ lớn

Trong một loạt các biện pháp nhằm giảm lỗ như bán tài sản, thoái vốn…, sự quan tâm của nhà đầu tư được dành cho Pacific Airlines. Mới đây, trong cuộc họp báo ngày 14/09, đại diện của Vietnam Airlines bày tỏ, nếu chuyển nhượng thành công Pacific Airlines, Vietnam Airlines có thể giảm ngay hàng nghìn tỷ đồng lỗ trên kết quả hợp nhất.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) hiện nay đang điều hành ba hãng hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines (tên cũ là Jetstar Pacific Airlines) và Vasco. Tại ngày 31/12/2021, tỷ lệ sở hữu của Vietnam Airlines tại Pacific Airlines là 68,85%.

Cổ đông lớn thứ hai của Pacific Airlines khi đó sở hữu 30% là Qantas Group – tập đoàn quản lý hãng hàng không quốc gia Qantas Airways của Australia.

Từ năm 2020, giữa những khó khăn của dịch COVID-19, Qantas đã có ý định thoái hết vốn khỏi Pacific Airlines, nhưng không phải bằng cách bán 30% số cổ phần nói trên mà tặng lại toàn bộ cho Vietnam Airlines.

Trong quý I/2022, Hội đồng quản trị Vietnam Airlines đã ban hành nghị quyết về việc tiếp nhận toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Qantas Asia Investment Company tại Pacific Airlines. Sau khi nhận số cổ phần mà Qantas tặng, Vietnam Airlines đã kiểm soát tới gần 99% vốn của Pacific Airlines.

"Món quà" này trong hoàn cảnh tài chính của Pacific Airlines đang chìm trong khó khăn lại càng khiến báo cáo tài chính hợp nhất của Vietnam Airlines "trĩu nặng". Cách đây chưa lâu, Vietnam Airlines từng hé lộ tình hình tài chính của Pacific Airlines ảm đạm, dòng tiền bị thiếu hụt và "đang đứng trước rủi ro tiềm ẩn".

Theo báo cáo tài chính bán niên 2022 của Vietnam Airlines, phần giá trị đầu tư vào công ty cổ phần hàng không PacificAirlines tại cuối quý II là 632,8 tỷ đồng và đã được trích lập dự phòng toàn bộ.

Vietnam Airlines giải bài toán tái cơ cấu và "món quà bất đắc dĩ" mang tên Pacific Airlines - Ảnh 2.

Nguồn: BCTC bán niên 2022 của HVN (công ty mẹ)

Như vậy, đúng như nhận định của đại diện Vietnam Airlines, nếu chuyển nhượng thành công Pacific Airlines, Vietnam Airlines có thể giảm ngay hàng nghìn tỷ đồng lỗ trên kết quả hợp nhất.

Tuy nhiên, việc thoái vốn khỏi hãng bay giá rẻ này đang gặp sự mâu thuẫn về quy trình giữa các văn bản luật. Vietnam Airlines đang trình Chính phủ xem xét các giải pháp, và rất có thể sẽ có cơ chế riêng để Pacific Airlines được trao cho nhà đầu tư phù hợp.

An Vũ

Từ khóa:  vietnamairline , hvn
Cùng chuyên mục
XEM