Vietnam Airlines đang "bên bờ vực phá sản", những ngân hàng nào là chủ nợ?

19/06/2021 09:33 AM | Kinh doanh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cho biết, Vietnam Airlines đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản khi có thể lỗ đến 10.000 tỷ đồng nửa đầu năm 2021 và số tiền nợ phải trả quá hạn đã lên tới 6.240 tỷ đồng.

Theo Báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường vận tải hàng không sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian qua. Nhu cầu vận tải hàng không giảm mạnh đến 34,5-65,9% so với năm 2019. Doanh thu dịch vụ vận tải hàng không năm 2020 sụt giảm trung bình trên 61% so với 2019.

Nguy hiểm hơn, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 3 trong giai đoạn cao điểm sát Tết đã khiến doanh thu của ngành hàng không giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020 (thời điểm sát Tết năm 2020 dịch chưa bùng phát). Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán.

Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) dự kiến số lỗ của Quý 1/2021 sẽ ở mức 4.800 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Hiện tại số nợ phải trả quá hạn đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Vietnam Airlines hiện đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao, và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng.

Những ai đang là chủ nợ của Vietnam Airlines?

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, tại thời điểm 31/12/2020, Vietnam Airlines vay nợ ngắn hạn gần 6.800 tỷ đồng, vay nợ dài hạn gần 9.000 tỷ đồng và nợ thuê tài chính dài hạn 18.260 tỷ đồng.

Như vậy, tổng cộng vay nợ của Vietnam Airlines tại các ngân hàng khoảng 15.800 tỷ đồng. Trong đó, riêng Vietcombank chiếm gần 50% với số tiền 7.544 tỷ đồng, bao gồm hơn 2.700 tỷ đồng nợ ngắn hạn và hơn 4.800 tỷ đồng nợ dài hạn.

Đứng sau Vietcombank cũng là 2 ông lớn vốn Nhà nước, là BIDV và Vietinbank, với tổng số tiền vay là 2.645 tỷ đồng và 1.379 tỷ đồng.

Tiếp đó là các ngân hàng tư nhân như Techcombank, MB, Eximbank với số tiền vay 800-900 tỷ đồng.

Vietnam Airlines đang bên bờ vực phá sản, những ngân hàng nào là chủ nợ? - Ảnh 1.

Số liệu bao gồm cả vay nợ ngắn hạn và vay nợ dài hạn

Đối với khoản nợ thuê tài chính dài hạn 18.260 tỷ đồng, Vietnam Airlines nợ lớn nhất tại Tập đoàn ING, giá trị hơn 8.100 tỷ đồng và Citibank gần 5.800 tỷ đồng. Bên cạnh đó là các khoản nợ tại MUFG 1.667 tỷ đồng, JP Morgan Chase 1.288 tỷ đồng và HSBC 1.163 tỷ đồng.

Vietnam Airlines đang bên bờ vực phá sản, những ngân hàng nào là chủ nợ? - Ảnh 2.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2021 của Vietnam Airlines, tính đến ngày 31/3/2021, Vietnam Airlines, số tiền vay nợ ngắn hạn đã tăng lên 7.565 tỷ đồng và vay nợ dài hạn giảm nhẹ xuống 8.900 tỷ đồng. Như vậy, tổng số vay nợ của Vietnam Airlines là 16.465 tỷ đồng, tăng gần 700 tỷ đồng so với đầu năm.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM