Việt Nam trước nguy cơ dịch Covid-19 lần 4: Một phương pháp có thể tăng hiệu quả của vaccine AstraZeneca lên tới 90%

27/04/2021 10:00 AM | Xã hội

Bản thân các nghiên cứu của AZ cũng cho thấy các liệu trình tiêm khác nhau cho ra các kết quả khác nhau. Nếu tiêm nửa liều đơn trước và 28 ngày sau tiêm tiếp 1 liều đơn thì hiệu quả lên tới 90%.

LTS: Trong bối cảnh Covid-19 đang bùng phát mạnh ở nhiều nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan… và Bộ Y tế đã có cảnh báo về nguy cơ Việt Nam xuất hiện đợt dịch thứ 4, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với BS Bùi Nghĩa Thịnh về hiệu quả của vaccine trong ngăn chặn dịch ở Việt Nam.

Xin ông cho biết bức tranh chung về các loại vaccine Covid-19 hiện có trên thế giới, hiện đã có những loại vaccine nào? Hiệu quả của từng loại ra sao?

BS Bùi Nghĩa Thịnh: Hiện tại các nhà khoa học trên thế giới đang tiến hành nghiên cứu và phát triển tới khoảng 170 loại vaccine khác nhau để chống Covid-19. Trong đó rất nhiều vaccine đã được WHO và các nước thông qua cho phép triển khai tiêm chủng như Pfizer, Moderna, Sputnik-V, AstraZeneca (AZ), J&J, Novavax hay Sinovac…

Nhìn chung vaccine chống Covid-19 có 4 loại chính: vaccine làm từ tế bào bất hoạt, vaccine làm từ tiểu phần protein, vaccine dựa vào công nghệ vector và vaccine dựa vào công nghệ mRNA.

Hầu hết các vaccine đều có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong.

Nghiên cứu phase 3 của Pfizer, Moderna, Sputnik V , J&J và Novavax cho thấy các vaccine trên đều có hiệu quả 100% bảo vệ người tiêm khỏi bị tử vong và không phải nhập viện. Không những thế, các vaccine như Pfizer, Moderna và Sputnik V còn có khả năng bảo vệ người tiêm không bị mắc Covid-19 lên tới hơn 90%. Đây là những con số ấn tượng.

Đối với một số vaccine có hiệu quả bảo vệ không mắc Covid-19 không cao như Astrazeneca (61%), J&J (66%), Sinovac (50%) tôi tin nếu thay đổi cách sử dụng có thể nâng giá trị này lên cao hơn.

Ông có thể nói rõ hơn việc thay đổi thế nào để nâng cao được hiệu quả của những loại vaccine này?

BS Bùi Nghĩa Thịnh: Với một số vaccine có thể tăng thêm số mũi tiêm (thay vì 1 mũi hay 2 mũi thì tăng lên 2 mũi hoặc 3 mũi), hoặc tăng liều. Sinovac đang đi theo hướng này. AZ đã thay đổi bằng cách giãn cách thời gian giữa 2 mũi tiêm từ 4 tuần lên 12 tuần.

Riêng AZ còn một hướng khác là tiêm mũi đầu bằng 1/2 liều đơn và sau 4 tuần tiêm nhắc lại bằng 1 liều đơn. Cách làm này không chỉ giúp tăng hiệu quả bảo vệ lên tới 90% mà còn tiết kiệm 25% lượng vaccine, mà ta biết vaccine hiện nay đang rất khan hiếm. Cách làm trên cũng giúp thời gian chờ mũi thứ 2 ngắn hơn và có thể ít tạo ra biến chứng hơn.

Loại vaccine gây ra tranh cãi nhiều như Sputnik-V hiện nay được đánh giá ra sao về hiệu quả?

BS Bùi Nghĩa Thịnh: Sputnik-V là vaccine được Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Gamaleya, Nga phát triển. Đây là loại vaccine sử dụng công nghệ vector, được Nga thông qua cho phép sử dụng tại Nga vào ngày 11/08/2020. Việc Nga cho phép sử dụng Sputnik-V khi chưa công bố số liệu nghiên cứu pha I và II cũng như chưa hoàn thành pha III đã làm dấy lên phản ứng của nhiều nhà khoa học trên thế giới cũng như những chỉ trích của truyền thông và mạng xã hội toàn cầu.

Tuy nhiên tới tháng 2/2021, công trình nghiên cứu về vaccine Sputnik-V được đăng trên tạp chí Y khoa danh tiếng The Lancet cho thấy hiệu quả bảo vệ không mắc Covid-19 của loại vaccine này đạt tới 91,6% và không có các tác dụng phụ hoặc tai biến bất thường. Sputnik-V cũng cho thấy hiệu quả 100% bảo vệ người tiêm khỏi bị tử vong và không nhập viện trong nghiên cứu pha III.

Hiện tại có hơn 50 nước đã đặt mua Sputnik-V để sử dụng cho nước họ. Sputnik-V sử dụng 2 loại vector virus khác nhau (Adenovirus 26 và Adenovirus 5) để đưa cùng 1 đoạn DNA mã hoá cho protein S của virus SARS-CoV2 vào trong tế bào người. Điều này là một ưu điểm giúp Sputnik-V đạt được hiệu quả bảo vệ cao và cũng như thời gian không được bảo vệ tối ưu ngắn (3 tuần).

Một số vaccine như AstraZeneca, J&J đã bị dừng và sau đó bị hạn chế sử dụng cho một số nhóm nhất định vì gây ra vấn đề đông máu. Hiện tượng đông máu sau khi tiêm vaccine có gây nguy hiểm cho sức khoẻ hay tính mạng không, thưa ông?

BS Bùi Nghĩa Thịnh: Các nghiên cứu gần đây chứng minh có sự liên quan giữa việc tiêm vaccine AZ với hiện tượng đông máu. Các nhà khoa học Đức đã nghiên cứu rất sâu về vấn đề này và chứng minh được rằng ở một số người, vaccine AZ khi được tiêm vào đã khởi động quá trình hoạt hoá tiểu cầu và tạo ra các cục máu đông. Người ta đặt tên cho nó là VITT. Tỷ lệ VITT ở Đức là khoảng 1/100.000 ca tiêm vaccine AZ.

Trong thời kỳ đầu, khi chưa có hiểu biết về vấn đề này, hầu hết bệnh nhân bị mắc VITT do thấy có giảm tiểu cầu và bị đông máu nên đã được truyền tiểu cầu và dùng chất chống đông heparin. Sau này nhờ nghiên cứu của các nhà khoa học Đức, người ta mới vỡ lẽ rằng những can thiệp này đã làm tình trạng bệnh nhân xấu hơn, thậm chí tử vong.

Gần đây cũng phát hiện hiện tượng đông máu và giảm tiểu cầu ở một số bệnh nhân tiêm vaccine J&J tại Mỹ. Với những hiểu biết hiện tại cũng như sự quan tâm chú ý của các bác sĩ, VITT đã được phát hiện sớm hơn và điều trị phù hợp nên chắc chắn sẽ hạn chế được các trường hợp tử vong đáng tiếc. Đó có lẽ là lý do mà FDA và CDC Mỹ sau hơn 1 tuần dừng tiêm với J&J đã cho phép tiêm lại trên diện rộng mà không có bất kỳ giới hạn nào về độ tuổi tiêm vaccine này.

Trong khi nhiều quốc gia đang lo ngại về vấn đề đông máu được gây ra bởi vaccine AZ, J&J, theo ông, có nên tiêm những loại vaccine này không?

BS Bùi Nghĩa Thịnh: Hiện tại có một số nước, chủ yếu ở châu Âu, mặc dù vẫn tiếp tục tiêm vaccine AZ nhưng đã đưa ra các hạn chế về độ tuổi, ví dụ như Đức không tiêm cho người dưới 60 tuổi, Pháp dưới 55 tuổi… Tuy nhiên nước Mỹ vẫn cho phép vaccine J&J, một vaccine có cùng công nghệ với AZ, tiếp tục được triển khai tiêm chủng trên diện rộng mà không hạn chế tuổi.

Theo tôi, Việt Nam nên tiếp tục triển khai tiêm vaccine AZ vì tính hiệu quả của vaccine vượt trội nhiều lần nguy cơ tai biến VITT và hiện tại chúng ta đã hiểu rõ hơn về tai biến cũng như cách điều trị tai biến này.

Ông nói, chúng ta đã hiểu rõ hơn về tai biến VITT cũng như cách điều trị tai biến này, cụ thể thế nào?

BS Bùi Nghĩa Thịnh: VITT là 1 hội chứng gây ra do tiểu cầu bị hoạt hóa khi được tiêm vaccine. Hiện tại tỷ lệ bị VITT tại Đức (nơi có tỷ lệ cao nhất thế giới) là 1/100.000, gặp nhiều ở nữ giới hơn nam giới. Tại sao chỉ 1 số ít người bị mà không phải ai cũng bị thì các nhà khoa học đang tiếp tục tìm hiểu. Xử trí biến chứng này ta có thể dùng các thuốc chống đông không có heparin, IVIG, steroid, thay huyết tương đồng thời hạn chế truyền tiểu cầu và chống chỉ định dùng heparin.

Ông đánh giá ra sao về vai trò của vaccine trong việc giải quyết đại dịch? Đã có quốc gia nào thoát ra khỏi đại dịch nhờ vaccine chưa? 

BS Bùi Nghĩa Thịnh: Vaccine đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc khống chế và kiểm soát đại dịch. Tuy nhiên để làm được điều đó theo tính toán của các nhà khoa học trên thế giới ta cần ít nhất 65-75% dân số được tiêm vaccine. Độ phủ của vaccine càng rộng, khả năng bảo vệ và khống chế dịch càng tốt.

Trên thế giới hiện tại có một số quốc gia đang gần đạt được con số đó như Israel (62%) hay Anh Quốc (49%). Israel đã thả lỏng gần như mọi hoạt động, cho phép đón 3000 người đến Israel hàng ngày. Tương tự tình hình dịch tại Anh cũng đang tiến triển tốt. Trong khi các quốc gia khác ở Châu Âu đang phải đón đợt sóng dịch mới thì tại Anh, con số mắc mới và tử vong do Covid-19 đang đều đặn giảm. Nên chú ý một điều là AZ là vaccine chủ yếu được sử dụng tại Anh.

Hiệu quả của vaccine AZ được cho là khá thấp so với một số loại vaccine khác (Pfizer…), chỉ có 61%. Với mức hiệu quả này, vaccine AZ có tác dụng thay đổi cục diện đại dịch không?

BS Bùi Nghĩa Thịnh: Hiện tại chưa có nghiên cứu đối đầu trực tiếp giữa 2 hay nhiều loại vaccine với nhau để cho biết vaccine nào hiệu quả hơn vaccine nào.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới kết quả về hiệu quả bảo vệ của một loại vaccine trong một nghiên cứu. Ví dụ: mức độ tuân thủ giãn cách của cộng đồng tham gia nghiên cứu, mức độ dịch tại thời điểm tiến hành nghiên cứu, tỷ lệ biến chủng tại thời điểm nghiên cứu…

Bản thân các nghiên cứu của AZ cũng cho thấy các liệu trình tiêm khác nhau cho ra các kết quả khác nhau. Nếu tiêm 2 liều đơn, cách nhau 28 ngày thì hiệu quả đạt được chỉ có 61-62%, thấp hơn hiệu quả sau tiêm 1 mũi (73%). Tuy nhiên, nếu tiêm nửa liều đơn trước và 28 ngày sau tiêm tiếp 1 liều đơn thì hiệu quả lên tới 90%. Một nghiên cứu lớn của AZ thực hiện cho thấy hiệu quả bảo vệ lên tới hơn 81,3% nếu tiêm 2 liều đơn cách nhau hơn 12 tuần so với chỉ có 55,1% khi 2 liều đơn cách nhau dưới 6 tuần.

Với hiệu quả lên tới 70-80% như thế này, AZ về mặt lý thuyết đủ sức thay đổi cục diện đại dịch và thực tế đang được chứng minh qua con số thống kê tại Anh. Hiện tại Việt Nam và các nước như Anh, Đức đều khuyến cáo tiêm mũi thứ 2 của vaccine AZ vào tuần thứ 12 sau mũi 1. Cách tiếp cận này vừa giúp tạo ra hiệu quả bảo vệ cao hơn và nhiều người được tiếp cận mũi tiêm đầu tiên giúp tăng độ phủ của vaccine trong quần thể dân cư.

 Việt Nam trước nguy cơ dịch Covid-19 lần 4: Một phương pháp có thể tăng hiệu quả của vaccine AstraZeneca lên tới 90% - Ảnh 1.

Với tình hình dịch Covid-19 đang rất nóng ở các nước lân cận như Thái Lan, Campuchia, Lào…, Bộ Y tế cho rằng Việt Nam có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4. Đây là điều có thể xảy ra khi chúng ta đang là 1 khối cảm nhiễm rất lớn. Theo ông, liệu chúng ta có thể chấm dứt những nguy cơ này bằng vaccine? 

BS Bùi Nghĩa Thịnh: Tình hình dịch ở các nước lân cận Việt Nam là rất căng thẳng, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam là lớn, theo tôi chỉ là vấn đề thời gian. Đúng như chị nói, Việt Nam do chống dịch quá tốt nên tỷ lệ dân số có miễn dịch với SARS-CoV2 rất thấp, gần như không đáng kể, dẫn đến chúng ta đang là khối có nguy cơ cảm nhiễm rất lớn.

Hiện tại chúng ta không thể chấm dứt ngay nguy cơ bùng phát dịch bằng vaccine vì chúng ta mới chỉ có tối đa mấy trăm nghìn liều cho 100 triệu dân. Vaccine là biện pháp căn cơ lâu dài nhưng trước mắt chúng ta vẫn phải kiên trì các biện pháp chống dịch như chúng ta đã làm trong hơn 1 năm qua. Về lâu dài, chúng ta cần có đủ vaccine và tiến hành tiêm trên diện rộng, tiêm nhanh để tạo ra được miễn dịch cộng đồng chủ động, từ đó mới có thể mong chấm dứt được nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng.

* Tiêu đề của bài viết do toà soạn đặt.


Bích Hiền

Cùng chuyên mục
XEM