Việt Nam tìm ra giải pháp giảm lượng khí thải carbon, đến gần hơn với mục tiêu zero carbon
LNG (Khí tự nhiên hóa lỏng) đang trở thành tâm điểm chú ý tại Việt Nam khi Chính phủ đang cố gắng giảm thiểu việc sử dụng quá nhiều than và thị trường nhiên lượng đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Tháng 3/2022, Samsung C&T và công ty xây dựng Lilama của Việt Nam đã công bố hợp đồng kỹ thuật, mua sắm và xây dựng trị giá 940 triệu USD cho nhà máy điện sử dụng nhiên liệu LNG đầu tiên tại Việt Nam. Nhà máy 1.500 MW này sẽ được vận hành bởi Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, một đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024 hoặc 2025.
Một nửa lượng điện Việt Nam được sản xuất từ than đá do giá thành rẻ và dễ tiếp cận hơn so với các loại nhiên liệu khác. Nhưng lượng khí thải carbon cao khiến than đá không còn phù hợp với cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11/2021 là đạt được mức phát thải ròng (net-zero emissions) bằng "0" vào năm 2050.
LNG dù là nhiên liệu hóa thạch, tạo ra khoảng một nửa lượng khí thải than khi đốt cháy nhưng lại được coi là một con đường hứa hẹn hơn để cắt giảm lượng carbon.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương, Nhật Bản hiện đang có hơn 20 nhà máy điện chạy bằng LNG trên toàn quốc. Tokyo Gas và công ty thương mại Nhật Bản Marubeni có kế hoạch xây dựng một cơ sở 1,5 tỷ USD ở tỉnh Quảng Ninh. Tập đoàn năng lượng Nhật Bản JERA cũng đang để mắt đến việc xây dựng nhà máy điện LNG tại miền Bắc Việt Nam.
Theo Nikkei Asia, hơn một nửa trong số các dự án này vẫn chưa xác định được nguồn cung cấp nhiên liệu. Chuyên gia trong ngành dự báo: "Mỹ sẽ là một ứng cử viên hàng đầu".
Công trường xây dựng nhà máy LNG tại Việt Nam. Ảnh: Petrovietnam Gas
Ngoài ra, LNG cũng dần trở thành xu hướng ở các nước Đông Nam Á. Tại Philippines, First Gen, một công ty con năng lượng của tập đoàn bất động sản Lopez Group, đang hợp tác với Tokyo Gas về dự án trạm LNG ngoài khơi, dự kiến sẽ bắt đầu nhận nhiên liệu vào đầu 2022.
Một số công ty đã tham gia vào lĩnh vực này ở Thái Lan kể từ khi quốc gia này bắt đầu nhập khẩu LNG vào năm 2011. Gulf Energy Development, một công ty tiện ích lớn của Thái Lan, và công ty thương mại Nhật Bản Mitsui & Co. đang xây dựng một nhà máy điện LNG và khí đốt tự nhiên với công suất 2.500 MW. Dự án trị giá 175 tỷ JPY sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2023, cung cấp điện cho Cơ quan Phát điện Thái Lan theo hợp đồng 25 năm.
Giữa xu hướng này, trong khu vực đang có mối lo ngại về giá nhiên liệu tăng lên chóng mặt. Giá LNG tại châu Á đã tăng gần gấp 5 lần trong năm qua, một phần do căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine. Với việc phần lớn châu Âu chuyển sang sử dụng LNG như một giải pháp thay thế cho khí đốt từ Nga, các chuyên gia cho rằng, giá cả sẽ không thể hồi phục về mức ban đầu.
Trong khi đó, các nhà cung cấp điện ở Đông Nam Á có khả năng mắc kẹt trong các hợp đồng bất lợi với các nhà cung cấp. Việc bù đắp những mức giá cao này với việc tăng tỷ giá có thể khá khó khăn. So với các thị trường mạnh hơn như châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc, chuyên gia cho rằng "rào cản đối với việc điều chỉnh giá đến tay người tiêu dùng là tương đối cao".
Số lượng các nền quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương nhập khẩu LNG đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua và khu vực này hiện tiêu thụ hơn 70% nhiên liệu. Năm 2021, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà nhập khẩu LNG hàng đầu.
Theo nhà nghiên cứu IHS Markit của Anh, nhập khẩu LNG của Trung Quốc tăng 18%, lên khoảng 81 triệu tấn trong năm 2021. Trong khi đó, lượng nhập khẩu của Nhật Bản ở mức khoảng 75 triệu tấn và của Hàn Quốc là 46 triệu tấn vào năm 2021.
Theo số liệu thống kê từ BP, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) là những nhà nhập khẩu LNG duy nhất ở châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2010. Đến năm 2020, danh sách này đã mở rộng thêm bốn quốc gia nữa và một số quốc gia khác trong khu vực. Tỷ trọng nhập khẩu của khu vực này đã tăng từ 60% trong năm 2010 lên 71% vào năm 2020.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đang trên đường thúc đẩy nhập khẩu LNG trong tương lai cùng với Nam Á. Nhiều quốc gia trong hai khu vực này cần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện mặc dù sản lượng khí đốt tự nhiên đang giảm dần.
Nguồn: Nikkei Asia