Việt Nam tiến vào lĩnh vực đang tạo "địa chấn" toàn cầu: Cơ hội vàng của 2 "gã khổng lồ" hàng đầu thế giới

14/08/2023 08:34 AM | Kinh tế vĩ mô

Việt Nam đã chính thức bước vào lĩnh vực được ví như "cơn sốt vàng" thời hiện đại.

Việt Nam tiến vào lĩnh vực gây 'địa chấn'

Tập đoàn thông tin năng lượng (Energy Intelligence Group) của Mỹ cho hay, Việt Nam đã thông qua kế hoạch phát triển năng lượng mới cho tới năm 2030, trong đó có việc nhập khẩu lô khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên, tăng cường công suất điện gió ngoài khơi, cũng như loại bỏ than đá và đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Các nhà đầu tư cảm thấy phấn khởi, bởi việc Việt Nam thông qua Kế hoạch Quy hoạch điện VIII (PDP-8) sẽ mang lại sự chắc chắn hơn cho các dự án đang trong tình trạng lấp lửng vài năm qua. Về năng lượng tái tạo, Việt Nam đã sử dụng cách tiếp cận linh hoạt để phát triển năng lượng bổ sung, tùy thuộc vào công nghệ và hoàn cảnh.

PDP-8 cũng cho thấy việc nhập khẩu LNG rất cần thiết. Việt Nam đã đặt mục tiêu về khí thiên nhiên hóa lỏng và nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG sẽ chiếm tỷ trọng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia vào năm 2030.

Ngày 18/7 năm nay, tập đoàn Shell đã cung cấp lô LNG đầu tiên cho Việt Nam. Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đã tiếp nhận 70.000 tấn LNG được vận chuyển từ cảng Bontang (Indonesia) tới kho cảng LNG Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Việt Nam tiến vào lĩnh vực đang tạo "địa chấn" toàn cầu: Cơ hội vàng của 2 "gã khổng lồ" hàng đầu thế giới - Ảnh 1.

Tàu chở 70.000 tấn LNG cập bến kho cảng LNG Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Người lao động

Theo Energy Intelligence Group, hiện chính phủ Việt Nam đang ấp ủ 15 dự án sản xuất điện từ LNG, một số dự án đang trong giai đoạn đấu thầu, trong khi số khác chuyển đổi từ các dự án nhiệt điện than đã được lên kế hoạch trước đó.

LNG đang là cái tên gây "địa chấn" trên khắp các châu lục với sức hút được ví như "cơn sốt vàng". Không chỉ làm rung chuyển trung tâm năng lượng Port Arthur của Mỹ, các dự án LNG còn thúc đẩy cuộc chạy đua ở các nước châu Âu. Tính đến cuối tháng 9/2022, mức lưu kho LNG của châu Âu đã ở mức 87% công suất thực tế.

Ông Takayuki Nogami, chuyên gia kinh tế trưởng tại Tập đoàn dầu khí và kim loại quốc gia Nhật Bản (Jogmec) cho biết châu Á hiện nay cũng săn tìm LNG, thậm chí cạnh tranh với châu Âu. Theo dữ liệu của Bloomberg, Trung Quốc đang trên đà trở thành nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới năm 2023.

Riêng tại Việt Nam, các chuyên gia dự đoán LNG sẽ trở thành nguồn nhiên liệu dẫn đầu trong vai trò cân bằng hệ thống điện ở Việt Nam trên lộ trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo.

Cơ hội vàng cho những 'gã khổng lồ'

Trong bài viết gần đây, hãng tin Sputnik (Nga) nhận định, Việt Nam đã chính thức hòa mình vào xu hướng LNG của thế giới. Ngành công nghiệp điện khí LNG của Việt Nam được đánh giá là có nhiều triển vọng trong tương lai.

Mục tiêu đạt hơn 20 gigawatt điện khí LNG vào năm 2030 đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp khí LNG, tạo ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư, sản xuất và các công ty trong ngành này.

Đáng lưu ý, theo Sputnik, việc quyết định sử dụng khí tự nhiên để thay thế dần cho than đá có thể đưa Việt Nam trở thành thị trường màu mỡ và đầy tiềm năng cho các nhà cung cấp khí, trong đó có Nga.

Hiện tại, Việt Nam đang đặt mục tiêu đưa tổng nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG lên 14,9% năm 2030 nên để đáp ứng mức này, nguồn đầu vào LNG phải xấp xỉ 15 triệu tấn/năm. Trước mắt, Việt Nam có khả năng nhập khẩu LNG từ Mỹ, Australia, Qatar..., bởi đây là những nước xuất khẩu LNG lớn nhất và đang có kế hoạch tăng sản lượng xuất khẩu.

Tuy nhiên, về lâu dài, Sputnik cho rằng, Việt Nam nên cân nhắc nhập khẩu thêm LNG từ Nga và các nước Trung Đông để đảm bảo nguồn cung.

Hồi đầu tháng 7 vừa qua, Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong đã có các buổi làm việc với các đối tác từ tập đoàn NOVATEK (Nga) và tập đoàn ExxonMobil (Mỹ) tại trụ sở của PV Gas, nhằm thảo luận về khả năng hợp tác trong lĩnh vực LNG.

'Phục sẵn' từ 2 năm trước

Nhận thấy tiềm năng ở Việt Nam, ngay từ tháng 8/2021, NOVATEK đã công bố thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội, với mục tiêu là tiếp cận và hợp tác với các doanh nghiệp nước sở tại, nhằm phát triển loạt dự án cung ứng LNG cho thị trường Việt Nam.

Tập đoàn NOVATEK là nhà sản xuất và xuất khẩu khí LNG hàng đầu của Nga và là một trong số ít tập đoàn năng lượng được cấp giấy phép xuất khẩu LNG trực tiếp. Theo tạp chí Forbes, tính đến tháng 5/2021, NOVATEK có vốn hóa lên tới 58,4 tỷ USD.

Việt Nam tiến vào lĩnh vực đang tạo "địa chấn" toàn cầu: Cơ hội vàng của 2 "gã khổng lồ" hàng đầu thế giới - Ảnh 2.

NOVATEK là nhà sản xuất và xuất khẩu khí LNG hàng đầu của Nga. Ảnh: Reuters

Trong lần đàm phán với PV Gas lần này, đại diện phía Nga đã bày tỏ mong muốn hợp tác với tập đoàn của Việt Nam trong lĩnh vực mua bán LNG giai đoạn 2023-2026. Thông báo chính thức của NOVATEK nêu rõ, tập đoàn đánh giá rất cao khả năng hợp tác với PV GAS của Việt Nam.

NOVATEK nhắc lại dấu mốc quan trọng tại tuyên bố chung giữa hai nước năm 2021, trong đó đề cập Nga và Việt Nam sẽ mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực triển vọng như xây dựng nhà máy điện khí, cung cấp khí LNG cho Việt Nam.

Sẵn sàng rót hàng tỷ USD đầu tư

Ngoài gặp gỡ đại diện của NOVATEK, PV GAS còn tiếp đoàn làm việc của Tập đoàn ExxonMobil. ExxonMobil là một trong những tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới và đang rất quan tâm tới các dự án điện khí tại Việt Nam.

Tập đoàn này được thành lập năm 1999 khi hợp nhất hai công ty Exxon và Mobil, với 106.000 nhân công. ExxonMobil hoạt động trong ngành công nghiệp dầu lửa và khí đốt. Những năm gần đây, theo bảng xếp hạngcủa Fortune 500, ExxonMobil luôn trong top 10 dẫn đầu với số tài sản và lợi nhuận khổng lồ.

Tính đến ngày 8/6/2023, ExxonMobil có mức vốn hóa thị trường lên tới 352,79 tỷ USD, cao nhất thế giới.

"Exxon Mobil đang đánh giá các cơ hội cung cấp khí LNG ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam" - Exxon Mobil cho hay.

Việt Nam tiến vào lĩnh vực đang tạo "địa chấn" toàn cầu: Cơ hội vàng của 2 "gã khổng lồ" hàng đầu thế giới - Ảnh 3.

Exxon Mobil đang rất quan tâm tới các dự án điện khí tại Việt Nam. Ảnh: DW

Năm ngoái, theo Nikkei Asia, ExxonMobil đang theo đuổi dự án đầu tư điện khí LNG ở Hải Phòng và dự kiến sẽ bắt tay với đối tác JERA (Nhật Bản) trong dự án này.

Dự án điện khí LNG ở Hải Phòng có quy mô đặc biệt lớn, thuộc top hàng đầu Đông Nam Á. Giới đầu tư có thể đổ hàng tỷ USD cho các nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng, cũng như cung ứng hệ thống thiết bị đầu cuối phục vụ sản xuất, vận chuyển LNG.

Theo quy hoạch dự án giữa JERA và ExxonMobil, nhà máy điện khí tại Hải Phòng sẽ nhập khẩu 6 triệu tấn khí LNG mỗi năm, cho tới năm 2023 (tương đương dưới 10% lượng nhập khẩu LNG hàng năm của Nhật Bản). Nhà máy dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động với quy mô ban đầu vào khoảng 2 GW năm 2026.

ExxonMobil cũng đề xuất đầu tư dự án chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh, gồm các dự án thành phần là Dự án Phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh; Các Dự án Nhà máy điện sử dụng khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh (Miền Trung I, II (Quảng Nam) và Dung Quất I, II và III (Quảng Ngãi).

Dự kiến, 5 nhà máy điện thuộc chuỗi dự án Cá Voi Xanh khi đi vào vận hành thương mại sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 23-25 tỷ kWh điện. Theo tính toán sơ bộ, tổng thu ngân sách Nhà nước từ chuỗi dự án này (giai đoạn 2023-2044) sẽ đạt khoảng 15-18 tỷ USD.

Theo Vy Lam

Từ khóa:  ExxonMobil , lng
Cùng chuyên mục
XEM