Việt Nam nổi trội với nền kinh tế số tăng trưởng 28%, song cũng thuộc Top 3 rủi ro an ninh mạng trong APAC

21/12/2022 21:32 PM | Công nghệ

Theo một nghiên cứu của Kapersky, khoảng 5% các cuộc tấn công mạng trên toàn cầu là tại Việt Nam, với 6.641 cuộc tấn công mạng trong 6 tháng đầu năm 2022 với 65,1% trong số đó đến từ các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại.

Việt Nam nổi trội với nền kinh tế số tăng trưởng 28%, song cũng thuộc Top 3 rủi ro an ninh mạng trong APAC - Ảnh 1.

Trong bối cảnh thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ tại Việt Nam, số hóa là ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp và tổ chức Việt Nam. Theo định hướng của chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số và nền kinh tế số sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam đang nổi lên là một trong những quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, với mức tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm ngoái vào năm 2022, theo một nghiên cứu do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện.

Đến năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam ước tính đạt 43 tỷ USD khi cả nước theo đuổi kế hoạch số hóa chính phủ, internet vạn vật, thành phố thông minh, công nghệ tài chính và trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng và sự gia tăng nhu cầu đối với các dịch vụ số đã dẫn đến sự gia tăng theo cấp số nhân về số lượng thiết bị IoT và dung lượng dữ liệu được tạo và xử lý, khiến an ninh mạng của Việt Nam dễ bị tổn thương hơn trước những rủi ro ngày càng tăng của các mối đe dọa và tấn công kỹ thuật số. Điều này bao gồm các lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng như ngân hàng/dịch vụ tài chính, chính phủ điện tử và năng lượng, cùng các lĩnh vực khác. Việt Nam nằm trong số những quốc gia dễ bị tấn công mạng nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

An ninh mạng ngày càng trở thành mối lo ngại đối với Việt Nam

Theo một nghiên cứu của Kapersky, khoảng 5% các cuộc tấn công mạng trên toàn cầu là tại Việt Nam, với 6.641 cuộc tấn công mạng trong 6 tháng đầu năm 2022 với 65,1% trong số đó đến từ các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại.

Việt Nam được xếp hạng thứ ba trong danh sách dễ bị tấn công an ninh mạng nhất của khu vực APAC.

Dự báo an toàn thông tin năm 2023 của Zoom mới công bố cũng thể hiện, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 11.213 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thực trạng mất an toàn, an ninh mạng này diễn ra cùng lúc với việc nhiều doanh nghiệp, tổ chức bắt đầu mở rộng đáng kể hoạt động trực tuyến để triển khai mô hình hybrid, kết hợp giữa làm việc tại công sở và làm việc từ xa.

Các mối đe doạ về an toàn thông tin ngày càng trở nên tinh vi hơn, và các doanh nghiệp, tổ chức buộc phải nghiên cứu áp dụng một mô hình an ninh mạng phản ứng linh hoạt trong chiến lược kinh doanh dài hạn để duy trì vị thế dẫn đầu trên thương trường. Các nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm về an toàn thông tin theo đó cũng sẽ phải tập trung nâng cao khả năng ứng phó linh hoạt.

“Bất ổn kéo dài trên khắp chuỗi cung ứng phần mềm cũng sẽ tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các cuộc tấn công quy mô lớn. Cần tập trung củng cố các quy trình và biện pháp bảo mật, chú trọng hơn đến công tác kiểm soát bảo mật trên khắp chuỗi cung ứng phần mềm, chẳng hạn như thiết lập quy trình kiểm soát, đánh giá nguy cơ bên thứ ba, quản lý nhận diện và truy cập cũng như vá lỗi kịp thời”, báo cáo Zoom cho hay.

Nguy cơ cao hơn với các chế tài chính, năng lượng, dịch vụ công

Dưới góc nhìn người trong cuộc, ông Benny Czarny - Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc của OPSWAT - bổ sung: “Trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy Chuyển đổi số mạnh mẽ để đạt được các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề an ninh mạng ngày càng trở nên quan trọng hơn, đặc biệt đối với các lĩnh vực có liên quan đến cơ sở hạ tầng trọng yếu như định chế tài chính, năng lượng, dịch vụ công, và những lĩnh vực khác”.

OPSWAT chuyên về các giải pháp an ninh mạng dành cho các hệ thống công nghệ thông tin (IT), công nghệ vận hành (OT) và điều khiển công nghiệp (ICS) của các cơ sở hạ tầng thiết yếu. OPSWAT cũng cung cấp công nghệ làm sạch và tái lập nội dung chuyên sâu (Deep CDR), bảo vệ các cơ sở trọng yếu trên thế giới khỏi các phần mềm độc hại và các cuộc tấn công Zero-day.

Tốc độ số hóa ngày càng tăng của Việt Nam và nhu cầu ngày càng tăng về an ninh mạng đã thúc đẩy sự phát triển của OPSWAT kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam và mang đến nhiều cơ hội để mở rộng hoạt động ”, đại diện cho biết. Trong đó, từ khi chính thức khai trương trụ sở tại Tp.HCM năm 2018, OPSWAT Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 50% mỗi năm. Công ty cũng vừa ra mắt trung tâm trải nghiệm CIP Lab mới, kỳ vọng hỗ trợ mỗi địa phương quản lý rủi ro an ninh mạng. Đây cũng là động thái thể hiện việc OPSWAT đang ngày càng tập trung hơn vào chiến lược mở rộng hoạt động tại thị trường Châu Á, bao gồm Việt Nam.

Theo Bảo An

Cùng chuyên mục
XEM