Việt Nam là nước duy nhất có "lợi thế đặc biệt" này trong lĩnh vực bán dẫn

26/01/2024 22:01 PM | Kinh tế vĩ mô

Công nghiệp chip bán dẫn là lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi liên kết toàn cầu hết sức chặt chẽ. Vì vậy, sự hợp tác và tín nhiệm giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế là yếu tố quan trọng.

Việt Nam là nước duy nhất có "lợi thế đặc biệt" này trong lĩnh vực bán dẫn - Ảnh 1.

Sáng nay (26/1), thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC).

DSAC có 3 chức năng chính là đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

 

Phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2024-2025, DSAC tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ chính: Hoàn thiện khung pháp lý về cơ cấu tổ chức hoạt động, đề án vị trí việc làm, củng cố kiện toàn bộ máy nhân sự và cơ sở vật chất cho Trung tâm DSAC; đề xuất dự thảo cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo TP. Đà Nẵng; triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; hoạt động hợp tác quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp.

“DSAC được xác định là đầu mối chuyên trách tham mưu Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu lãnh đạo thành phố xây dựng và triển khai Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. Đồng thời, thành phố kỳ vọng DSAC sẽ trở thành một đầu mối tiếp nhận và mở ra các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo giữa Đà Nẵng và các đối tác trong và ngoài nước”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu Sở TT&TT chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý về cơ cấu tổ chức hoạt động, đề án vị trí việc làm, củng cố kiện toàn bộ máy nhân sự và cơ sở vật chất cho Trung tâm DSAC trong tháng 2-2024. Đồng thời, xây dựng lộ trình đầu tư Khu Công viên phần mềm số 2 đưa vào sử dụng trong quý II/2024; đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ cho DSAC đáp ứng được yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo.

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu khẩn trương tham mưu thành phố dự thảo cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo TP. Đà Nẵng như: Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng”, Nghị quyết của HĐND thành phố về các cơ chế chính sách cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về Đà Nẵng làm việc; nội dung chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng trong Nghị quyết Quốc hội về cơ chế đặc thù TP. Đà Nẵng.

Theo Chủ tịch UBND thành phố, DSAC cần chủ động, phối hợp với Tập đoàn Synopsys và Intel triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo giảng viên trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo trong năm 2024. Từ đó, làm tiền đề để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn của các tập đoàn quốc tế về thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo.

“Từ năm 2025 trở đi, DSAC cần xây dựng lộ trình hợp tác với các đối tác lớn để triển khai bồi dưỡng các lớp chuyên sâu công nghệ lõi để từng bước hình thành nên các doanh nghiệp start-ups, spin-off trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Đà Nẵng”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nói.

Ngoài ra, về hoạt động hợp tác quốc tế, hỗ trợ thu hút đầu tư, DSAC cần phát huy vai trò hỗ trợ tích cực cho công tác xúc tiến đầu tư thành phố, thu hút các tập đoàn lớn đến đầu tư, từng bước tạo dựng hệ sinh thái đồng bộ và phát triển về vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của thành phố.

Đến năm 2025, Đà Nẵng có Trung tâm nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bán dẫn quốc gia

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, công nghệ bán dẫn là lĩnh vực công nghệ số và một trong những ngành công nghiệp nền tảng quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt đời sống xã hội, quốc phòng và an ninh quốc gia.

Các chip tiên tiến nhất thường được thiết kế ở Mỹ và Nhật, các hệ thống máy móc tinh xảo dùng cho sản xuất chip chủ yếu được chế tạo ở Hà Lan, các dây chuyền sản xuất chip chủ yếu ở Đài Loan và Hàn Quốc, việc kiểm tra và đóng thùng thường được thực hiện ở Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ TT&TT đánh giá, công nghiệp chip bán dẫn là lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi liên kết toàn cầu hết sức chặt chẽ. Vì vậy, sự hợp tác và tín nhiệm giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế là yếu tố quan trọng.

Việt Nam là nước duy nhất có mối quan hệ chiến lược toàn diện rất tốt cả các nước cường quốc bán dẫn và cường quốc bán dẫn mới nổi.

Việt Nam là nước duy nhất có "lợi thế đặc biệt" này trong lĩnh vực bán dẫn - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ TT&TT thông tin, Việt Nam lựa chọn 5 cơ sở đào tạo làm cơ sở đào tạo trọng điểm về nhân lực bán dẫn, bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học FPT, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.

Kế hoạch xây dựng, phát triển Mạng lưới Trung tâm nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bán dẫn quốc gia đến năm 2030 gồm: 3 Trung tâm nghiên cứu và thiết kế đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM phù hợp với thế mạnh và đặc thù của từng vùng, đưa vào hoạt động muộn nhất vào năm 2025; 1 Trung tâm nghiên cứu và chế tạo đưa vào hoạt động muộn nhất vào năm 2027.

Mạng lưới Trung tâm nghiên cứu, thiết kế và sản xuất bản dẫn quốc gia cung cấp một môi trường mở phục vụ nghiên cứu, thiết kế và chế tạo chip, phục vụ sản xuất mẫu, hỗ trợ ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp bán dẫn.


Theo Nhã Mi

Cùng chuyên mục
XEM