Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là điểm sáng hút vốn FDI

27/11/2024 21:30 PM | Kinh tế vĩ mô

Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hiệu quả cho các doanh nghiệp FDI.

Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm nay đến hết tháng 10, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hiệu quả cho các doanh nghiệp FDI. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế của Việt Nam trong quý III, đồng thời nâng dự báo về tăng trưởng của Việt Nam trong cả năm 2024.

Với 2.450 dự án và tổng số vốn đầu tư hơn 28 tỷ Euro tính đến giữa năm 2024, châu Âu đứng vị trí thứ 6 khu vực có nhiều nhà đầu tư FDI trực tiếp vào Việt Nam. Con số này được dự báo sẽ cải thiện đáng kể khi trong báo cáo chỉ số BCI mới đây do EuroCham công bố, 69,3% doanh nghiệp châu Âu dự đoán môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ thuận lợi trong vòng 5 năm tới.

Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết: "70% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và sẵn sàng giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư trong thời gian tới. Có đa số 55% doanh nghiệp hiện đã, đang thực hiện hoạt động mở rộng và có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới. Chúng tôi cho rằng đây là phản ánh và kết quả khảo sát rất tích cực đối với Việt Nam".

Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là điểm sáng hút vốn FDI- Ảnh 1.

Từ đầu năm nay đến hết tháng 10, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 27,26 tỷ USD

Còn đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ, năng lượng, điện tử bán dẫn là mảnh đất tiềm năng cho họ mở nhà máy tại Việt Nam. Vì thế, nâng cao chất lượng nhân sự trong các mảng sản xuất công nghệ cao là cách để Việt Nam thu hút thêm dòng vốn FDI bền vững.

GS. Andreas Hauskrecht - Trường Kinh doanh Kelley, Đại học Indiana nhận định: "Cần nâng cao chất lượng lao động, bao gồm năng suất và trình độ của nhân sự tại Việt Nam để đón sóng đầu tư của các nhà đầu tư lớn. Ngoài ra, môi trường đầu tư hướng tới phát triển bền vững cũng là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài".

Ông Tô Quốc Hưng - Giám đốc Quốc gia Hiệp hội kế toán Anh Quốc (ACCA) Việt Nam nêu ý kiến: "Xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng nhân sự rất quan trọng bởi nó sẽ cho thấy nguồn lực, nguồn nhân sự trong nước có thể đáp ứng được chuẩn quốc tế như thế nào. Bộ tiêu chuẩn ấy sẽ phải phản ánh được những năng lực thực tiễn, những hiểu biết và những cái chuẩn trên thế giới".

Theo quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Việt Nam tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng trưởng cao trên thế giới trong năm 2024, do môi trường đầu tư thuận lợi. Những yếu tố này khiến Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là điểm sáng hút vốn FDI thời gian tới.

Ông Paulo Medas - Trưởng đoàn Tham vấn Điều IV, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định: "Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng cao nhất thế giới, xuất khẩu mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài tốt. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục chủ động ứng phó với những rủi ro từ bên ngoài; ngân hàng cần tăng cường năng lực, ổn định và lành mạnh thị trường vốn để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư bền vững".

Cho dù bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 nhưng GDP quý III của Việt Nam vẫn đạt 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ chính sách thu hút đầu tư hiệu quả và sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành xuất khẩu, kinh tế Việt Nam được các tổ chức quốc tế dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định, vững chắc, khẳng định vị thế là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM