"Việt Nam – Đừng vì tăng trưởng cao hơn mà sinh ra ngạo mạn"
"Dù năm nay Việt Nam có tăng trưởng cao hơn Trung Quốc đi chăng nữa; hoặc cộng gộp 3 năm có cao hơn họ thì hàm lượng tăng trưởng của Việt Nam so với Trung Quốc 3 năm cộng lại vẫn còn rất nhỏ bé, không bằng một tỉnh của nước họ. Thế cho nên đừng chủ quan" - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
Báo cáo mới công bố của ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) dự báo, GDP năm 2021 của Việt Nam sẽ đạt 6,7% - mức cao nhất khu vực Đông Nam Á. Con số này sẽ tăng lên 7% vào năm 2022. Cùng với mức tăng trưởng 2,9% (mức cao nhất Đông Nam Á năm 2020), Việt Nam sẽ có 3 năm liên tiếp dẫn đầu khu vực.
Đáng chú ý, khi cộng tổng GDP 3 năm (2020-2022), Việt Nam sẽ dẫn đầu toàn châu Á, vượt qua cả các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ,… Trong khi đó, nếu tính đơn lẻ qua từng năm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng liên tục đứng trong top 3 toàn châu lục.
Trước dự báo này, nhiều ý kiến lạc quan về một tương lai Việt Nam sẽ bắt kịp các cường quốc. Ngược lại, nhiều ý kiến khác cho rằng, báo cáo từ một "chủ nợ" như ADB có phần thổi phồng thực tế khi chưa tách khối Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ra khỏi những đối tượng "thuần Việt".
Ba chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam là PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và TS.Võ Trí Thành đã chia sẻ với chúng tôi các góc nhìn của mình.
VIỆT NAM TRONG DỰ BÁO CỦA ADB LÀ VIỆT NAM NÀO?
PGS.TS Trần Đình Thiên nhắc đến dự báo của ADB với câu hỏi: "Việt Nam đấy là Việt Nam nào? Theo chuyên gia, nếu hiểu kinh tế Việt Nam theo hướng chỉ quan tâm đến người Việt Nam thì bức tranh ADB đang vẽ ra không hoàn toàn chính xác.
"Bây giờ FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) đang đổ vào Việt Nam, GDP tăng lên nên họ thống kê và dự báo như vậy là có cơ sở. Chỉ có điều cái Việt Nam đó không hoàn toàn là Việt Nam của tôi. Nói vậy không phải kỳ thị FDI mà tôi chỉ muốn nhấn mạnh việc ta phải hiểu đúng ý nghĩa của chỉ số GDP".
Chưa kể, nếu xét về GDP, Trung Quốc dự báo năm 2021 sẽ đạt 8,3%. Như vậy, con số 6,7% của Việt Nam vẫn chưa thể vượt qua. So sánh với mục tiêu chung của thế giới là đạt trung bình 6,5%, chúng ta mới chỉ nhích hơn một chút.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh toàn thế giới đang chuyển dịch sang công nghệ cao, công nghệ số, việc Việt Nam vượt lên nhanh như thế là điều không dễ dàng.
"Các dự báo tăng trưởng khác cho thấy Việt Nam cũng chỉ ở mức bình thường thôi, nhiều nước vượt lên hơn thế rất nhiều lần. Tại sao các nước khác đau thương như thế vẫn vượt lên được còn Việt Nam oai hùng như thế, là ngôi sao sáng chói trên bầu trời về phòng chống Covid-19 như thế mà đến bây giờ, bầu trời tưởng là sẽ rực rỡ ở nước ta lại đang có vẻ không được sáng cho lắm" – Ông Trần Đình Thiên nói.
"ĐỪNG VÌ TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG CAO MÀ SINH RA NGẠO MẠN"
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói, cho dù GDP của Việt Nam năm 2021 đạt 6,7% (đúng theo dự báo của ADB) đi chăng nữa thì đây là con số tăng so với nền tảng của năm 2020 (vốn đã ở mức rất thấp, chỉ đạt 2,19%). Nếu so sánh con số 6,7% của năm 2021 với năm 2019 (trước khi bùng dịch Covid) thì vẫn là rất thấp. Như vậy vẫn chưa thể coi là phục hồi sau đại dịch. Mức tăng trưởng GDP năm 2021 phải vượt mức của năm 2019 cộng gộp với 2020 thì mới có thể gọi là đã phục hồi.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu và FDI. Nếu hai nhân tố này bị giảm sút thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chắc chắn cũng giảm sút theo. Dự báo của ADB đã bao hàm cả khối FDI nên khiến nhiều người lầm tưởng về sức mạnh nền kinh tế Việt Nam. Nếu xét về xuất khẩu, FDI chiếm tới hơn 70% của tổng xuất khẩu. Và chỉ riêng SamSung đã đóng góp 25% kim ngạch xuất khẩu.
Trong khi đó, động lực thứ ba của kinh tế nước ta là khối doanh nghiệp tư nhân trong nước thì vài năm gần đây có tăng lên, nhưng trong bối cảnh Covid-19 thì lại là đối tượng "chết" nhiều nhất.
Vì vậy, nếu bóc tách ra, điều có thể khẳng định chắc chắn là sự phục hồi, phát triển kinh tế của Việt Nam sẽ phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố bên ngoài.
Ngay ở khối FDI, giá trị gia tăng họ tạo ra ở Việt Nam cũng rất thấp so với khối FDI ở Philipines hay các nước khác. Bà Chi Lan cho rằng, điều quan trọng nhất của các yếu tố trong nền kinh tế là phải làm tăng giá trị gia tăng tại Việt Nam. Nhưng thực tế phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như FDI của Việt Nam chưa giúp làm tăng giá trị này. So với mức ở Philipines thì mức giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp Việt Nam nói chung (gồm cả khối nội và khối FDI) mới chỉ bằng khoảng 60% so với Philipines, chứ chưa nói gì đến so sánh với Singapore hay Malaysia.
Chuyên gia đưa ra 3 luận điểm để khẳng định, dự báo của ADB chưa thực sự đáng tin cậy.
Thứ nhất, dự báo này chưa tính đến khả năng Covid-19 có thể tái bùng phát ở Việt Nam. Hiện nay, các nước láng giềng sát cạnh chúng ta như Campuchia hay Lào đang trong tình trạng hết sức gay gắt. Dịp nghỉ lễ kéo dài 4 ngày đang trở thành mối lo lớn với rất nhiều người. Lệnh cấm tập trung nơi đông người mà Chính phủ vừa công bố cũng đang không ít người lao đao.
Thứ hai, điều này dẫn đến việc phục hồi lại sau Covid-19 hoàn toàn không dễ dàng. Kể cả trong trường hợp từ nay đến hết năm 2021, Việt Nam không bị Covid-19 "tấn công" thì việc phục hồi kinh tế vẫn còn phụ thuộc vào rất nhiều thứ.
"Năm 2020, chính sách hỗ trợ của Chính phủ rất hay, nhưng quá trình thực thi vẫn còn nhiều cái chưa thực hiện được. Số lượng doanh nghiệp tiếp cận được hỗ trợ thì ít, tuyên bố "chết" lại rất nhiều. Lượng người thất nghiệp hoặc mất việc làm tạm thời rất lớn. Chưa bao giờ nước ta có tới hơn 30 triệu người bị ảnh hưởng như năm 2020. Và bây giờ, liệu chúng ta có phục hồi được với tất cả sự suy yếu đã xảy ra như vậy hay không?", chuyên gia Chi Lan đặt câu hỏi.
Chỉ trong vòng quý I năm 2021 đã có tới 40.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020.
"Hiện tượng doanh nghiệp "chết" hàng loạt phản ánh điều kiện làm ăn vẫn còn vô cùng khó khăn. Vì thế, ngay cả khi công bố con số kinh tế tăng trưởng cao nhưng doanh nghiệp "chết" nhiều hoặc một số chỉ tiêu khác không tương ứng thì nó vẫn làm cho nhiều chuyên gia kinh tế nghi ngờ".
Cần chú ý, hiện nay, giá trị xuất nhập khẩu đang tương ứng với 200% GDP của Việt Nam nên tình hình thế giới đang có sức chi phối rất lớn. Trong bối cảnh Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, chuyện Việt Nam phục hồi lại được là điều không dễ dàng, chưa nói đến bứt phá thần tốc.
Thứ ba, theo bà Chi Lan, dự báo của ADB mới chỉ thể hiện được tốc độ chứ chưa nói đến hàm lượng tăng trưởng. Nếu so sánh, năm 2020 Việt Nam tăng trưởng GDP cao hơn Trung Quốc khoảng 1%, nhưng xét về hàm lượng thì chênh lệch rất nhiều.
"Đừng vì tốc độ cao hơn mà sinh ra ngạo mạn. So sánh mà chỉ dựa vào tốc độ thì không sòng phẳng và dễ gây ra tâm lý chủ quan, không đúng với tầm vóc của Việt Nam. Chúng ta cần thấy rằng, dù năm nay Việt Nam có tăng trưởng cao hơn Trung Quốc đi chăng nữa; hoặc cộng gộp 3 năm có cao hơn họ thì cái hàm lượng tăng trưởng của Việt Nam so với Trung Quốc 3 năm cộng lại vẫn còn rất nhỏ bé, không bằng một tỉnh của nước họ. Thế cho nên đừng chủ quan", bà Chi Lan nhấn mạnh.
Tương tự, bà cũng phản bác một số thống kê cho rằng quy mô kinh tế Việt Nam đã vượt qua Singapore. Dân số nước ta lớn hơn họ gấp 10 lần. Thu nhập đầu người vì thế tính ra còn thua kém họ quá xa.
"Quy mô lớn hơn chẳng có ý nghĩa gì nhiều khi tính ra thu nhập đầu người của ta vẫn còn rất thấp nếu so sánh với họ. Với quy mô, tốc độ như vậy nhưng mà sức mạnh của nền kinh tế vẫn chưa thực sự có. Chưa ai coi Việt Nam là một nền kinh tế mạnh hay nền kinh tế phát triển cả. Trong khi Singapore tuy nhỏ nhưng vẫn được coi là nền kinh tế mạnh và phát triển cao trên thế giới. Chúng ta phải tự biết mình vì có biết mình mới biết người, và như thế mới trăm trận trăm thắng".
"VƯỢT QUA CƯỜNG QUỐC CHỈ LÀ VẤN ĐỀ THỜI GIAN, NHƯNG ‘THỜI GIAN’ LÀ BAO LÂU?
Nói về dự báo của ADB, nguyên Phó viện trưởng CIEM Võ Trí Thành cho rằng "đấy chỉ là cách nói thôi, ý muốn ca ngợi Việt Nam là ngôi sao sáng".
Theo ông Thành, thực sự Việt Nam đang có cơ hội. Nhìn từ 3 yếu tố: nội lực, kết nối, liên kết với thế giới; tăng trưởng, phát triển gắn với các xu thế mới trên toàn cầu thì có người nói, Việt Nam đang đứng trước thời cơ có 1-0-2 trong quá trình phát triển đất nước chứ không chỉ là mấy chục năm cải cách.
"Nói gọn hơn là việc có thể biến ước vọng cách mạng 2.0, 3.0 hay 4.0 thành hiện thực hay không sẽ còn phụ thuộc vào rất nhiều điều. Nhân tố bên ngoài có, bên trong cũng có nhưng quan trọng nhất là phụ thuộc vào nỗ lực cải cách bên trong và cách chơi có hiệu quả với thế giới. Như vậy, nỗ lực làm nên tất cả chứ không có gì tự đến cả. Nhiều người nói, vấn đề việt Nam vượt qua cường quốc chỉ là thời gian. Nhưng thời gian bao lâu thì không ai biết?".
Trước ý kiến về việc dự báo của ADB đã cộng gộp cả khối FDI dẫn đến cái nhìn không chính xác, ông Thành cho rằng, mọi con số dự báo đều tự nó mang trong mình những khiếm khuyết.
Tăng trưởng GDP nói đến năng lực sản xuất kinh doanh trong địa giới đất nước, chứ nó không có hàm ý phân biệt bất cứ điều gì. Bản thân nó đã là một thống kê có khiếm khuyết.
"GDP là năng lực nhưng người làm ra thì có thể là người Việt Nam hay nước ngoài và thu nhập đấy cho ai, có thể sẽ được chuyển ra khỏi đất nước. Cái gì cũng có khiếm khuyết, nhưng điều ấy không có nghĩa là giá trị GDP không có ý nghĩa. Chỉ đơn giản là khi đánh giá, ta phải nhìn vào nhiều con số khác nhau.
Điều tôi muốn nói là hãy nhìn nhận những con số theo ý nghĩa mà nó có thể phản ánh. Đồng thời ta cũng phải hiểu biết những khiếm khuyết mà nó đang có. Với góc nhìn như thế, chúng ta mới không bị quá cực đoan theo hướng ca ngợi thái quá hoặc phủ nhận sạch trơn. Cuối cùng thì để phát triển được trong thế giới hiện nay thì phải biết tận dụng tất cả, phải khéo léo như thế nào để vươn lên được, đó mới là điều quan trọng hơn hết".