Việt Nam đã trở thành ngôi nhà thứ hai của Samsung

05/10/2018 08:45 AM | Xã hội

Nhiều cam kết về đầu tư vào Việt Nam được khẳng định trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động.

Việt Nam vẫn hấp dẫn

"Không chỉ là một nơi đầu tư hấp dẫn,Việt Nam đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của Samsung", Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, ông Shim Won Hwan mở đầu bài tham luận tại Hội nghị “30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới” ngày 4/10.

Vị Tổng giám đốc Samsung khẳng định cam kết đầu tư lâu dài và phát triển cộng đồng thịnh vượng cùng Việt Nam.

Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đầu tư 20 tỷ USD, khoảng một nửa số điện thoại trên toàn thế giới được sản xuất tại Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), ông Ryu Hang Hacho rằng trong lịch sử 30 năm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, 10 năm trở lại đây có những thành quả hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Nhiều doanh nghiệp đã từ bỏ môi trường đầu tư cũ để sang Việt Nam để tận dụng các yếu tố lợi thế. "Dòng chảy này được dự đoán sẽ tiếp tục trong thời gian dài và Việt Nam được coi là nước nhận đầu tư lớn nhất trong khu vực", ông Ryu Hang Ha nhận định.

Đặc biệt, theo Kocham, bối cảnh nền kinh tế thế giới biến đổi quá nhanh cũng có thể khiến Việt Nam nổi lên thành điểm đầu tư ngày càng hấp dẫn.

Về phía các nhà đầu tư Mỹ, ông Michael Kelly- Chủ tịch Amcham cũng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Các nhà đầu tư Mỹ có mặt tại Việt Nam 24 năm kể tư sau khi lệnh bao vây cấm vận được gỡ bỏ. Từ năm 1995, khi thương mại song phương Việt - Mỹ mới chỉ ở mức 450 triệu, đến nay đạt 60 tỷ USD. Mỹ tham gia đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực tại Việt Nam, đóng góp hiệu quả vào các lĩnh vực như năng lượng, đồ uống...

Ông Michael Kelly cho rằng Mỹ đang là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại đây.

Chuyển mình để giữ thế cạnh tranh

Đại diện Amcham cho biết các nhà đầu tư Mỹ cam kết sẽ tăng cường kết nối với doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã trở thành đối tác của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.

"Amcham sẽ thực hiện kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trị giá 2 triệu USD, giúp doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp trong khu vực", ông Michael Kelly cho hay.

Chung quan điểm, ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Eurocham cho biết EU sẽ luôn mở rộng nguồn đầu tư cho Việt Nam. Những quan hệ khác biệt của hai thị trường đã tạo ra mối quan hệ hai bên cùng có lợi.

Ông Nicolas cho rằng thiết bị công nghệ tiên tiến của châu Âu đã hỗ trợ tích cực ngành sản xuất của Việt Nam. Trên hết, EU tiếp tục ủng hộ tự do hóa thương mại và thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế tại Việt Nam.

Dịch vụ tài chính, logistics là những lĩnh vực nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp EU. Đại diện Eurocham cho rằng Việt Nam cần xem xét mở cửa các thị trường này. Bên cạnh đó, Việt Nam hỗ trợ chuyên môn để phát triển doanh nghiệp nội địa.

Đặc biệt, theo các doanh nghiệp EU, Chính phủ cần hỗ trợ các địa phương trong việc đẩy mạnh cung cấp các thông tin ưu đãi thu hút đầu tư trong tương lai.

Doanh nghiệp Mỹ lại quan tâm nhiều hơn đến việc giảm thiểu thủ tục hành chính và một môi trường làm ăn kinh doanh lành mạnh, minh bạch.

Các doanh nghiệp Mỹ cho biết họ đánh giá thay đổi chính sách luật lệ tại nước sở tại là một trong những rủi ro lớn đối với việc đầu tư kinh doanh. "Chúng tôi cần sân chơi bình đẳng để không chỉ thu hút thêm mà giữ chân được các nhà đầu tư hiện có", chủ tịch Amcham nói.

Đại diện Amcham cũng góp ý, hầu hết các quốc gia trong khu vực đang phát triển nền kinh tế số hiện đại để thu hút đầu tư trong tương lai, Việt Nam cũng cần chuyển mình để giữ được thế cạnh tranh.

Theo N.A

Cùng chuyên mục
XEM