Việt Nam chuẩn bị phát động chiến dịch kích cầu du lịch mới với tên gọi ‘Đi để trải nghiệm’
Nhờ vào việc phát động các chiến dịch: "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn", du lịch Việt Nam đã đạt kết quả ấn tượng trong ba tháng (từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2020) với số lượng khách nội địa tăng trưởng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam cho biết.
Chia sẻ tại sự kiện "Meet the Experts – Hội ngộ Chuyên gia" do Savills Hotels tổ chức tại TPHCM mới đây, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam cho biết: "Tổng cục Du lịch Viêt Nam đang tiếp tục chuẩn bị phát động chiến dịch kích cầu mới với tên gọi ‘Việt Nam - Đi để trải nghiệm’".
Từ tháng 3/2020, toàn bộ hoạt động du lịch quốc tế bị ngưng trệ. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều gói kích cầu và cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia và nhà đầu tư làm việc, đầu tư và tìm kiếm cơ hội hợp tác ở Việt Nam.
"Nhờ vào việc phát động các chiến dịch: "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn", du lịch Việt Nam đã đạt kết quả ấn tượng trong ba tháng (từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2020) với số lượng khách nội địa tăng trưởng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019", ông Khánh cho biết.
"Hãy cùng chung tay giúp ngành du lịch Việt Nam sớm hồi phục và phát triển hơn nữa."
Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam chia sẻ du lịch luôn được xác định là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Năm 2019, Việt nam đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa; du lịch đóng góp khoảng 4 triệu việc làm và 32,8 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia, tương đương 9,2% GDP.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương đánh giá: "2021 được dự kiến sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức cho ngành Bất động sản nghỉ dưỡng và nguồn khách nội địa sẽ là động lực tăng trưởng chủ đạo của du lịch toàn cầu, bao gồm cả thị trường Việt Nam".
"Mặt khác, đây cũng là một cơ hôi tốt vì Việt nam có nguồn khách nội địa lớn, chiếm 82,5% tổng lượt khách trong năm 2019. Đối tượng khách nội địa, đặc biệt là thế hệ trẻ (millennial và Gen Z) ngày càng yêu thích xu hướng du lịch trải nghiệm. Nhu cầu đối với các mô hình sản phẩm như Resort cao cấp, nghỉ dưỡng nội đô (Staycation), Khách sạn chú trọng thiết kế, Resort chăm sóc sức khỏe, Khu nghỉ dưỡng phức hợp với trải nghiệm F&B độc đáo hoặc nghỉ dưỡng cuối tuần không ngừng gia tăng".
Ông Mauro cho rằng nếu các khách sạn và resort biết nắm bắt cơ hội, mang đến những gói dịch vụ với mức giá hợp lý thì sẽ khai thác được nguồn khách nội địa tiềm năng này. Đây cũng là cơ hội để khách nội địa, khách nước ngoài đang sinh sống hoặc làm việc tại Việt Nam được trải nghiệm những sản phẩm mới hoặc khám phá những thị trường mới. Đặc biệt những địa điểm có thể thuận tiện tiếp cận bằng xe như Hồ Tràm, Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt có ưu thế trở thành địa điểm nghỉ dưỡng cuối tuần yêu thích của những du khách ngại di chuyển bằng đường hàng không.