Việt Nam cần vay 700.000 tỷ đồng để trả nợ trong 3 năm tới

01/06/2019 09:25 AM | Kinh tế vĩ mô

Sức ép trả nợ đang tăng lên, có thời điểm, vay để trả nợ gốc lên đến 40.000 tỷ đồng/tháng.

Tại phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 30/5, Đại biểu Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, chỉ ra sức ép trả nợ đang tăng có thời điểm đến hạn số nợ trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ.

Năm 2019, danh mục nợ trong nước của Chính phủ đến hạn là 9,3% và giai đoạn 2019-2021 sẽ là 32,7%. Như vậy, nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 700.000 tỷ đồng. "Có thời điểm vay để trả nợ gốc lên đến 20.000 - 40.000 tỷ đồng/tháng", ông Hàm cho hay.

Việt Nam cần vay 700.000 tỷ đồng để trả nợ trong 3 năm tới - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.

Vị đại biểu cũng chỉ ra, thu ngân sách của Việt Nam hiện không bền vững. Thu ngân sách từ tài nguyên đất đai vẫn có tỷ trọng lớn.

"Đúng là giai đoạn 2016 - 2018, tỷ trọng thu từ dầu trong tổng thu ngân sách giảm nhanh, nhưng tỷ trọng thu từ đất cũng tăng nhanh tương ứng. Vì vậy, số thu từ đất cộng với dầu trên tổng thu ngân sách tăng lên. Nếu năm 2016 thu từ dầu cộng đất chiếm 14,8% tổng thu ngân sách thì năm 2017 là 15,7% và năm 2018 tăng lên 17,6%", ông Hàm dẫn chứng.

Trong khi đó, một số khoản thu quan trọng từ sản xuất kinh doanh các năm gần đây không đạt dự toán. Chính sách thu hầu như không điều chỉnh, mục tiêu động viên 21% GDP vào ngân sách khó đạt được.

Vị Uỷ viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội dự báo sẽ giai đoạn 2016- 2020 ngân sách sẽ hụt thu so với mục tiêu, dẫn đến nguồn lực để tăng chi đầu tư khó có đột phá để thúc đẩy tăng trưởng.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế nhà nước, thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập triển khai chậm nên chi lương từ ngân sách cao. Năm 2017, chi lương phụ cấp và các khoản phụ đóng góp theo lương là 343.000 tỷ đồng chiếm 39% chi thường xuyên, cộng thêm lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội là 391.000 tỷ đồng. Các khoản này chiếm 44%, lớn hơn chi đầu tư phát triển.

Ngoài ra, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2018 thấp nhất trong 6 năm qua. 4 tháng đầu năm 2019, tình hình cải thiện hơn nhưng cũng chỉ tăng hơn so với cùng kỳ 0,18%.

"Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã diễn ra nhiều năm, chủ yếu là do tổ chức thực hiện", ông Hàm nêu. Bởi những vướng mắc của Luật Đầu tư công chỉ ảnh hưởng đến những dự án mới, trong khi giai đoạn 2016 - 2018 ngân sách khó khăn, các dự án mở mới rất ít.

Theo Nam Anh

Cùng chuyên mục
XEM