img
Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ phân tích thế khó của Trump trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 1.
Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ phân tích thế khó của Trump trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 2.

Theo tiết lộ của ông Trump, người tiền nhiệm Obama từng muốn sử dụng quân sự cho vấn đề Triều Tiên. Trong khi ông Trump lại nghiêng về chính sách ngoại giao. Tại sao hướng giải quyết của hai vị Tổng thống này lại khác biệt như vậy?

Để hiểu được quyết định của một vị Tổng thống, chúng ta cần phải nắm được bối cảnh mà vấn đề được đặt trong đó.

Vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama, lực lượng tình báo nước này phát hiện Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Điều này có thể đe dọa trực tiếp đến an ninh của Mỹ và các nước đồng minh. Triều Tiên lúc này cũng giữ thái độ "gây hấn", thách thức với Mỹ.

Trước những động thái thách thức an ninh lớn như thế, mọi phương án đều sẽ được tính đến. Có thể là ngoại giao, là quân sự, hoặc kết hợp cả hai. Mọi Tổng thống Mỹ đều thế thôi.

Ở đầu nhiệm kỳ của Trump, ông ta cũng sử dụng những biện pháp quân sự rất mạnh mẽ, cứng rắn với Triều Tiên. Chính ông ta cũng cảnh báo Bình Nhưỡng phải ngừng đe dọa tấn công với Mỹ nếu không muốn hứng chịu với "lửa và giận dữ mà thế giới chưa từng thấy".

Tuy nhiên, như ở thời điểm hiện tại, căng thẳng đã "xuống thang" và thế giới đang dần mơ về hòa bình. Triều Tiên sau đó đã có những điều chỉnh trong quan hệ với Mỹ. Thông qua Hàn Quốc, họ thể hiện ý muốn đối thoại với Tổng thống Trump. Ông Trump cũng đã quyết định cùng ngồi vào bàn đàm phán.

Tôi cho rằng đây là quyết định táo bạo và quả cảm của ông Trump bởi vì niềm tin về nhau của 2 bên còn rất mơ hồ khi đó. Khi mà Chủ tịch Kim Jong Un đặt ra vấn đề đối thoại, ông Donald Trump đã tỏ ra sẵn sàng. Sự thay đổi, điều chỉnh này tốt cho cả hai bên.

Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ phân tích thế khó của Trump trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 3.

Vậy ông Trump đang theo đuổi điều gì với Triều Tiên?

Trước nay, Triều Tiên vẫn được xem là quốc gia đối nghịch với Mỹ khi nghiên cứu và chế tạo vũ khí hạt nhân. Mục tiêu của ông Trump là giải trừ được những mối đe dọa đó. Đây là nhiệm vụ hàng đầu.

Tất nhiên hai bên còn có thể làm việc, đàm phán với nhau về nhiều mặt, nhưng tôi cho rằng giải giáp vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo là thứ tiên quyết. Như vậy, Mỹ sẽ phải tìm cách xây dựng được lòng tin với chính quyền ông Kim để thanh tra vũ khí và giải trừ chúng sau đó.

Nhiều quan chức Mỹ lo ngại rằng ông Trump sẽ phải bỏ ra nhiều thứ để đạt được thỏa thuận với Triều Tiên mà không thu lại được bao nhiêu cho nước Mỹ. Ông đánh giá gì về điều này?

Họ lo ngại nước Mỹ bị "hớ" cũng là chính đáng thôi. Hiện một số quan chức của Mỹ lập luận rằng Mỹ chưa nắm được toàn bộ chương trình hạt nhân của Triều Tiên, các căn cứ quân sự... nên việc đàm phán là rất khó.

Nhưng điều quan trọng ở đây là hai quốc gia đã tương đối thống nhất có quyết tâm về mục tiêu. Còn "hớ" hay không "hớ", thiệt hay không thiệt sẽ phụ thuộc vào quá trình đàm phán. Lộ trình đàm phán để đi đến kết quả cuối cùng là còn rất dài, còn rất nhiều thứ để thảo luận.

Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ phân tích thế khó của Trump trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 4.

Theo ông, Tổng thống Trump đã thay đổi như thế nào kể từ lần đàm phán tại Singapore?

Chiến thuật của ông ta đã từ cứng rắn dần chuyển sang mềm dẻo. Trump nổi tiếng với những hành động không giống ai, sẵn sàng bước ra khỏi phòng họp, quay lưng với đàm phán. Nhưng trong vấn đề Triều Tiên, so với việc đàm phán với các quốc gia khác, ví dụ Trung Quốc, ông đã cho thấy một Trump linh hoạt, mềm mỏng hơn nhiều.

Cụ thể là như thế nào thì rất khó để làm rõ nhưng tôi cho rằng có lẽ ông Trump cho rằng vấn đề Triều Tiên khi được giải quyết sẽ mang lại lợi ích cho nước Mỹ và cả bản thân ông ấy. Do vậy, Trump cố gắng mềm dẻo và thậm chí có phần "ve vuốt" cái tôi của Kim Jong Un thông qua những lời ngợi khen có cánh.

Mỹ và Triều Tiên cũng đã gặp về mặt quan điểm và họ cố gắng làm mọi thứ đi theo chiều hướng tích cực. Tất nhiên, ông Trump cũng sẽ trở lại cứng rắn khi cần thiết, nhưng lúc này thì có vẻ không.

Như vậy có thể hiểu ông Trump đang tỏ ra ưu ái với Triều Tiên?

Ông ta nhìn nhận đó là cơ hội lớn khi Triều Tiên thể hiện thái độ tích cực hơn. Do vậy, động thái của Trump là phù hợp. Ông Trump theo tôi nghĩ là người linh hoạt trong vận dụng thủ thuật cương, nhu.

Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ phân tích thế khó của Trump trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 5.

So với cuộc gặp hồi tháng 6/2018 ở Singapore, Hội nghị Mỹ - Triều ngày 27, 28/2 sẽ như thế nào?

Hai cuộc gặp này có tính chất nối tiếp nhau là chính. Lần thứ nhất ở Singapore đã đặt nền móng cho sự hiểu biết giữa lãnh đạo hai nước. Còn ở Hà Nội, họ sẽ đi vào những vấn đề tương đối cụ thể hơn, từ vũ khí hạt nhân đến hiệp định đình chiến.

Cuộc gặp ở Hà Nội sẽ thuận lợi hơn khi hai bên đã có sự thấu hiểu hơn. Họ đã thảo luận với nhau tương đối nhiều, dù bất đồng là không tránh khỏi nhưng ít nhất, họ cùng nhìn về một mục tiêu.

Tôi tin rằng khi bước vào bàn đàm phán lần này, ông Trump và ông Kim sẽ thoải mái hơn. Nếu nhìn vào cộng đồng quốc tế, ông Trump có lợi thế về ngoại giao khi gần đây, những áp lực của ông khiến nhiều nước phải nhượng bộ mục tiêu thương mại của Mỹ. Những chuyện này tạo tâm thế tốt cho ông ta.

Ông Kim Jong Un thì đến cuộc đàm phán với mục tiêu rõ ràng, nhất quán. Do vậy, tôi cho rằng tư thế của hai ông sẽ hoàn toàn tốt.

Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ phân tích thế khó của Trump trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 6.

Nhưng giới quan sát lại đang cho rằng ông Trump sẽ căng thẳng hơn ông Kim nhiều vì ông Trump vì áp lực từ nước Mỹ?

Đúng! Những cuộc đàm phán như thế này ảnh hưởng đến uy tín cá nhân của ông Trump cũng như việc ông ta quay lại nhiệm kỳ 2 như thế nào. Do vậy, ông Trump rất muốn giải quyết được vấn đề Triều Tiên, biến nó thành thành tích trong nhiệm kỳ của mình. Bầu cử Mỹ chỉ còn hơn 1 năm nữa là đến. Nếu có hồ sơ Triều Tiên trong tay, uy tín của Trump sẽ tăng cao.

Căng thẳng ở nghĩa như thế chứ về cơ bản, tôi nghĩ là cả ông Trump lẫn ông Kim đều thấy thoải mái.

Vậy kết quả tốt nhất có thể đạt được ở Hà Nội là gì?

Rất khó để đưa ra dự báo về cái kết tại Hà Nội. Nhưng tôi cho là hai bên sẽ ưu tiên giải quyết câu chuyện vũ khí hạt nhân và đi đến giải pháp kiểm soát, thanh tra vấn đề này.

Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng muốn rằng những hành động gây hấn, đe dọa như tập trận với Hàn Quốc phải bị cắt bỏ. Như vậy, chúng ta cũng có thể nghĩ đến một hiệp định đình chiến. Sau đấy mới có thể nghĩ đến một câu chuyện dài hơi hơn như là việc bình thường hóa quan hệ ngoại gia, tương tự Việt Nam.

Theo ông, những vấn đề nào mà ông Trump và ông Kim có thể nhượng bộ lẫn nhau?

Phải tính đến yếu tố phù hợp. Ví dụ như Triều Tiên sẽ hỗ trợ phía Mỹ tìm kiếm những lính Mỹ đã mất tích trong chiến tranh. Bên cạnh đó, phải cho Mỹ một câu trả lời về vũ khí hạt nhân thông qua việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở...

Mỹ thì phải sẵn sàng hỗ trợ Bình Nhưỡng trong việc giải giáp vũ khí thông qua công nghệ, kinh phí. Đồng thời, Washington cần có những động thái liên quan đến viện trợ, hỗ trợ phát triển kinh tế Triều Tiên.

Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ phân tích thế khó của Trump trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 7.

Vậy đâu là "vùng cấm" của hai bên?

Triều Tiên sẽ không nhượng bộ với những sự can thiệp nội bộ, chính trị và an ninh. Chắc chắn là không. Mỹ thì có quyết tâm giải trừ vũ khí hạt nhân.

Ông Trump liệu có khả năng giải quyết hết trong nhiệm kỳ của mình?

Câu chuyện đó thì tương đối dài. Bởi khối lượng công việc rất đồ sộ mà muốn giải quyết, hai bên phải sẵn sàng về mặt chính trị. Như với việc kiểm tra, thanh tra cơ sở, vũ khí hạt nhân, rồi tiến hành giải giáp, hai năm là lộ trình tương đối ngắn để giải quyết triệt để những vấn đề của Triều Tiên. Đấy là chưa kể đến việc khi đàm phán, bên nào cũng có thế thủ. Để có một giải pháp tối ưu, cần rất nhiều thời gian.

Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ phân tích thế khó của Trump trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 8.

Như ông phân tích, Trump có nhiều kỳ vọng vào "ván cờ" Triều Tiên, cơ hội của Trump là gì?

Điểm đặc biệt của Trump và Kim là họ thay đổi quan điểm rất nhanh. Từ những lời nói thù địch, công kích nhau đã chuyển sang sự khen ngợi rồi sẵn sàng đối thoại, đàm phán. Kết quả như nào thì sẽ phải chờ thôi, nhưng bước đầu đã là một thành công lớn.

Cơ hội của Trump là gì? Tôi cho rằng nếu ông ta giải quyết được vấn đề Triều Tiên, dấu ấn cá nhân của ông Trump sẽ rất lớn, vì đây là chuyện đã tồn tại và chưa thể xử lý hàng chục năm nay.

Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trước nay là đàm phán 6 bên (Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nga và Nhật Bản) và cũng không có nhiều tiến triển. Còn cuộc gặp từ Singapore đến Hà Nội, là thảo luận song phương.

Rõ ràng kỹ thuật ngoại giao, uy tín của ông Trump rất lớn. Có thể còn nhiều vấn đề khác nhưng đứng về dấu ấn cá nhân của ông Trump thì đúng, thời điểm này đây là câu chuyện của cá nhân ông ta.

Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ phân tích thế khó của Trump trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 9.

Thay vì đàm phán 6 bên thì một đối một cũng giải quyết vấn đề, nghĩa là ông Trump cũng đang thể hiện khẩu hiệu làm nước Mỹ vĩ đại trở lại - Make America great again?

Theo nghĩa này thì tất nhiên. Ông ta đang chứng minh nước Mỹ có đủ năng lực và uy tín để giải quyết những vấn đề hóc búa của thế giới và từ đó, mở rộng ra những câu chuyện khác, chính sách khác với tinh thần như vậy.

Tức nó cũng giống như chính sách thương mại của ông Trump, thích song phương hơn đa phương?

Thương mại phức tạp hơn rất nhiều khi ràng buộc lợi ích của nhiều quốc gia. Lúc này, ông Trump quan điểm là đa phương không giải quyết được hết nên ông muốn theo tinh thần song phương.

Cũng có thể, câu chuyện Triều Tiên, nếu thành công, sẽ là bước đệm cho ông ta triển khai những cái khác theo chủ nghĩa đơn phương, song phương.

Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ phân tích thế khó của Trump trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 10.

Ông nghĩ gì về ông Trump? Có khi nào truyền thông đang vẽ nên một Trump khác với bản chất?

Có thể. Trump và giới truyền thông có mâu thuẫn lớn. Bản thân ông Trump cũng có những phản ứng quyết liệt, nặng lời với báo chí, còn giới này khi đưa tin về Trump cũng có phần phiến diện.

Nhưng nhìn một cách tổng quát thì, ví dụ như với Trung Quốc hay Triều Tiên, ông ta cư xử cương nhu đều có cả. Dù lúc khởi động, ông ta thường gây áp lực với lời lẽ, tuyên bố khó nghe. Nhưng khi vấn đề tiến triển, ông ta hành xử hợp lý chứ không đơn thuần như những gì ở thời điểm khơi mào.

Tức là ông ấy không bốc đồng như những gì chúng ta được nghe nói?

Cá tính của ông Trump tương đối rõ, mạnh mẽ, quyết liệt. Nhưng điều này không đồng nghĩa Trump cứng nhắc, áp đặt, không linh hoạt. Ông ta sẽ thường hướng đến một cái "deal" – thỏa thuận.

Và nói riêng về vấn đề mà thế giới đang quan tâm, là Triều Tiên, thì nhà lãnh đạo của họ, ông Kim Jong Un lại là người có suy nghĩ đổi mới, hướng đến mô hình phát triển. Ý tưởng của họ đã khiến họ gặp nhau ở Hà Nội.

Một cái nữa tôi muốn nói thêm, nếu gạt cá tính của ông Trump sang một bên thì phải nói là nhiều Tổng thống Mỹ tiền nhiệm sẽ phải ghen tị với thành tích mà nước Mỹ đạt được trong 2 năm cầm quyền của ông ta. Kinh tế phát triển mạnh, ông Trump đã đạt được lại nhiều vấn đề thương mại với các quốc gia, buộc họ chơi theo luật Mỹ. Ngoài ra là vấn đề Triều Tiên. Thành tích của ông ta là rất ấn tượng!

Phương Ánh
Đỗ Mạnh Cường
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Trí thức trẻ