Du học Mỹ: “Chơi” cũng quan trọng như “học”

14/07/2015 18:06 PM | Nghề nghiệp

Chia sẻ với các bạn trẻ tại ngày hội “You can do it” 2015 với chủ đề “10 years of Inspiration” do USGuide tổ chức, Thạc sĩ giáo dục Đại học Harvard Trung Trần cho biết điều làm anh hối tiếc nhất sau khóa học chính là đã không dành thời gian “chơi” – tức là tham gia vào các hoạt động networking ngoài giờ học nhiều hơn.

Trung Trần cho biết quá trình đi học của anh bị gián đoạn liên tục vì anh thích đi làm để tích lũy kinh nghiệm. Vì vậy anh đã “drop-out” (nghỉ  học)  khỏi đại học tại Việt Nam 1 lần và tại Châu Âu 2 lần. Sau 3 năm làm việc trong ngành marketing bất động sản, anh trở lại học đại học ở Mỹ ngành truyền thông và sau đó lấy bằng thạc sĩ giáo dục tại Harvard. Anh cũng vừa nhận được thư mời làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành triết học tại Hautes Etudes Commerciales Paris khóa 2016 – 2019.

“Không phải là mình khuyên các bạn lười học nhưng thường trong trường học ở Mỹ thì các giáo sư rất tôn trọng quan điểm cá nhân của bạn, đa số giáo sư rất sợ cho sinh viên điểm B mà thường là A hoặc A-. Vì vậy nếu bạn bỏ ra 30 tiếng/tuần để học đạt A hay chỉ cần bỏ 24 tiếng làm bài luận để đạt A- thì sự đánh đổi là hợp lý. Các bạn nên dành thời gian tham gia các networking với các cựu sinh viên và gặp gỡ nhà tuyển dụng cũng như chuyên gia tư vấn về starup vì các trường đại học Mỹ chính là nơi thích hợp nhất để bạn phát triển dự án khởi nghiệp của mình”, anh Trung Trần đưa ra lời khuyên.

Theo anh Trung Trần,  trong các trường Đại học ở Mỹ thì 2 năm đầu chương trình học là các môn học chung chủ yếu giúp sinh viên khai phóng tư tưởng và nâng cao hiểu biết về chính trị, xã hội, kinh tế. Tiếp theo mới là chương trình học chuyên ngành nhưng cũng không gói gọn trong 1 chương trình cố định mà các môn học do sinh viên tự chọn nên rất linh hoạt. Sinh viên có thể học về tâm lý học nhưng sau khi ra trường làm việc trong lĩnh vực kinh doanh như marketing và ngược lại bạn có thể học kinh doanh nhưng lại tham gia vào một tổ chức từ thiện phi chính phủ…

Đồng quan điểm, chị Trần Thy – Thạc sĩ Luật Đại học New Hampshire hiện là Giám Luật sư kiêm Quan hệ Chính phủ tại ACE Life Insurance LLC cho rằng, học ở Mỹ là một cánh cửa mở ra cho sinh viên khám phá thế giới. Các bạn du học sinh đừng quá lo lắng việc mình sẽ học được bao nhiêu kiến thức, học xong sẽ làm gì mà điều quan trọng là khi ngồi trong một lớp học với sinh viên từ hàng chục quốc gia, tôn giáo… bạn sẽ trở nên cởi mở với mọi nền văn hóa, tiếp thu mọi tư tưởng, chính kiến.

"Thử tưởng tượng trong lớp học của bạn có 40 quốc gia và đủ mọi tôn giáo thì khi đó những điều tưởng chừng “không thể tin được”, những quan điểm trái chiều sẽ dễ dàng được bạn chấp nhận. Kiến thức mà tôi học được chỉ là một phần trong công việc hàng ngày của tôi, chính cách tư duy và hành động theo phong cách, văn hóa Mỹ mới là điều tôi thấy hữu ích nhất”, chị Trần Thy chia sẻ.

Chị Phạm Thị Thanh Phượng – Tiến sĩ quản trị doanh nghiệp tại Đại học Texas Tech chia sẻ kinh nghiệm xin học bổng sau đại học tại Mỹ bậc thạc sĩ và tiến sĩ thường dễ dàng hơn so với học đại học. Nếu không xin được học bổng toàn phần thì các bạn sinh viên có thể xin học bổng một phần và apply vào làm vị trí nghiên cứu viên hoặc làm việc bán thời gian cho các chương trình nghiên cứu của trường để kiếm thêm chi phí.

“Khi nộp hồ sơ xin học bổng, dù câu trả lời là "yes" hay "no" thì các bạn sinh viên cũng nên giữ vững sự kiên trì và lòng tin vào khả năng của mình cũng như tham khảo kĩ các yêu cầu của chương trình học bổng trước khi apply. Như trường hợp của tôi là học bổng Fullbright khi ấy yêu cầu phải có kinh nghiệm làm việc trong cơ quan Nhà nước nên tôi đã chuyển từ công ty tư nhân sang trường đại học”, chị Phượng cho biết

Anh Trần Vinh Dự - Tiến sĩ kinh tế Đại học Texas tại Austin cho biết, việc kiếm tiền để học tiến sĩ ở Mỹ không khó vì thông thường nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành kinh tế đều phải tham gia làm trợ giảng cho tất cả các khoa trong trường nên sẽ được trả lương.

Theo anh Dự, quá trình học của nghiên cứu kinh kinh tế khá “đau khổ” vì các học phần đều rất khó và sau 2 năm thì lớp của anh chỉ còn 1/2 học viên. Tuy vậy, sau khi ra trường 90%  đều thất nghiệp hoặc phải về nước ngay. Trong khi đó, ngành tài chính ở Mỹ lại có nhu cầu tuyển dụng cao bậc tiến sĩ khá cao và mức lương vào khoảng 250.000 USD.

“Dù hiện nay không làm việc chính trong lĩnh vực kinh tế nữa nhưng cách tư duy, phân tích định lượng của một chuyên gia kinh tế giúp tôi rất nhiều trong công việc sau này ở vị trí một chuyên gia tài chính và giáo dục”, anh Trần Vinh Dự nói.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM