VIB của ông Đặng Khắc Vỹ đặt tham vọng cực lớn năm 2022: Một loạt chỉ tiêu tăng 30%, gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ
Trong 5 năm qua, lợi nhuận VIB tăng trưởng kép hàng năm lên tới 63%, thuộc top đầu ngân hàng. Giai đoạn 5 năm tiếp theo, ngân hàng này muốn duy trì tăng trưởng 30%/năm.
Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), ngày 16/3 tới đây, ngân hàng sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2022.
Theo báo cáo của Hội đồng quản trị, kết thúc năm 2021, ngân hàng đạt lợi nhuận trên 8.000 tỷ đồng, tăng trưởng 38%, tài sản gần 310.000 tỷ đồng, tăng 26,5%, dư nợ tín dụng 204.000 tỷ đồng và huy động vốn 216.000 tỷ đồng, tăng trưởng trên dưới 20%.
Theo tính toán của ngân hàng, trong 5 năm qua, lợi nhuận của VIB tăng trưởng kép hàng năm 63%, thuộc top đầu ngành ngân hàng.
Đáng chú ý, năm 2022, VIB tiếp tục đặt ra những mục tiêu rất tham vọng. Cụ thể, lợi nhuận sẽ tăng 31% lên 10.500 tỷ đồng. Các chỉ tiêu tài sản, dư nợ tín dụng, huy động vốn đều được đặt mục tiêu tăng trưởng 30%. Tỷ lệ nợ xấu sẽ tiếp tục dưới 3%.
Nếu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, năm 2022 sẽ là năm đầu tiên VIB đạt lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng. Trong năm 2021 vừa qua, chỉ có 7 trên tổng số 27 ngân hàng niêm yết ghi nhận lợi nhuận trên 10.000 tỷ.
Theo báo cáo của Hội đồng quản trị VIB, ngân hàng này đang giữ vị trí số 1 thị trường về doanh số bancassurance, với thị phần 12% toàn quốc và nhiều năm liền dẫn đầu thị trường về năng suất bán hàng trên 1 chi nhánh.
Định hướng chiến lược 2022-2026, VIB muốn đạt 10 triệu khách hàng, tăng trưởng lợi nhuận kép 30%/năm. Vốn hóa ngân hàng hiện nay khoản hơn 3 tỷ USD và VIB muốn đến năm 2026 tăng lên tới 14 tỷ USD.
Trong một báo cáo mới được công bố, Công ty chứng khoán VnDirect nhận định, với lợi thế tập trung vào các sản phẩm cho vay bán lẻ, đặc biệt là cho vay thế chấp và mua xe, VIB sẽ có khả năng để khai thác tốt nhu cầu cho vay bán lẻ đang gia tăng mạnh mẽ trong 2 năm tới. ngân hàng sẽ có thể thận trọng hơn trong việc triển khai các hoạt động cho vay trong năm nay vì tệp khách hàng đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
VnDirect cho rằng, chất lượng tài sản của VIB là đáng chú ý, bởi VIB thuộc nhóm các ngân hàng có khẩu vị rủi ro cao, với hệ số bao phủ nợ xấu là 51,5%, trong khi trung bình các ngân hàng cùng quy mô là 171%. Đồng thời tỷ lệ nợ xấu của VIB cũng ở mức cao, đạt 2,3% vào cuối năm 2021 so với trung bình 1,3% của các ngân hàng cùng quy mô. Do đó, VnDirect dự đoán VIB sẽ vẫn phải tiếp tục tăng trích lập dự phòng trong năm nay do lo ngại nợ xấu tăng trong vài quý tới.
VnDirect dự báo lợi nhuận của VIB năm 2022 là 9.207 tỷ đồng, thấp hơn 12% so với kế hoạch ngân hàng đặt ra.
Một thông tin quan trọng khác sẽ được trình tại đại hội cổ đông là việc tăng vốn. VIB sẽ phát hành thêm tối đa 543,6 triệu cổ phần thưởng cho cổ đông hiện hữu. Bên cạnh đó là phát hành 10,93 triệu cổ phần thưởng cho cán bộ nhân viên
Tổng cộng, vốn điều lệ VIB sẽ tăng 35,7% từ 15.531 tỷ đồng lên 21.077 tỷ đồng.