Vì sao vợ chồng Bill Gates ly hôn lại trở thành cơn địa chấn với hoạt động từ thiện toàn cầu?
Việc Bill và Melinda Gates, những nhà lãnh đạo của tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới, tuyên bố ly hôn được mô tả là cơ địa chấn kinh hoàng đối với lĩnh vực phi lợi nhuận.
Ra đời năm 2000, quỹ từ thiện Bill và Melinda Gates đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cả thế giới. Việc Bill Gates, tỷ phú từng nhiều năm đảm trách cương vị người giàu nhất thế giới, ký cam kết cho đi phần lớn tài sản khổng lồ của mình càng khiến quỹ Bill và Melinda Gates lớn mạnh.
Ở thời điểm hiện tại, Quỹ Bill và Melinda Gates đang quản lý khoảng 50 tỷ USD và dành 5 tỷ USD mỗi năm để cho các hoạt động như giáo dục ở Mỹ và xóa bỏ bệnh tật trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cuộc ly hôn của những người đặt ra tầm nhìn cho quỹ có thể ảnh hưởng rất lớn tới công việc từ thiện của họ trên quy mô toàn cầu.
Vợ chồng nhà Gates là những người làm từ thiện nổi tiếng nhất thế giới. Không chỉ có tiền, họ còn có ảnh hưởng với nhiều chính phủ nước ngoài, có thể vận động hành lang nhằm thay đổi một số chính sách và truyền cảm hứng cho các tỷ phú khác quyên tiền của họ cho các hoạt động từ thiện.
Trong đại dịch Covid-19, bản thân Bill Gates cũng là một trong những người vô cùng sốt sắng. Ông xuất hiện trên hầu hết các kênh truyền thông và đưa ra khuyến cáo mọi người phải cẩn trọng với dịch bệnh nguy hiểm. Họ cũng chi nhiều tiền cho các hoạt động phát triển vắc xin nhằm đảm bảo tất cả những quốc gia khốn khó nhất cũng được tiếp cận thuốc.
Thông qua tuyên bố trên Twitter, Bill Gates nói rằng họ sẽ "tiếp tục công việc chung" tại quỹ dù "không còn tin rằng chúng tôi có thể phát triển cùng nhau như một đôi vợ chồng trong giai đoạn tiếp theo của cuộc đời". Tuy nhiên, điều đó không đủ làm trấn an những người quan tâm tới hoạt động từ thiện của nhà Gates.
Người phát ngôn của Quỹ Bill và Melinda Gates cũng thừa nhận rằng tổ chức từ thiện này không lường trước được những thay đổi trong hoạt động của họ. Cả Bill Gates và Melinda Gates đều vẫn là đồng chủ tịch và người được ủy quyền của quỹ dưới danh nghĩa của 2 người.
"Họ sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để định hình và phê duyệt các chiến lược quan trọng của quỹ, đặt ra định hướng chung của tổ chức", người phát ngôn của Quỹ Bill và Melinda Gates cho biết.
Nhiều thập kỷ trước, Bill Gates xây dựng lên Microsoft nhưng thời gian gần đây, ông chuyển hẳn sang làm từ thiện. Vai trò cuối cùng của Gates ở Microsoft đã kết thúc năm ngoái sau khi ông từ chức Hội đồng Quản trị và hoàn toàn tập trung vào các hoạt động thiện nguyện.
Bà Melinda cũng là một nhân viên cũ của Microsoft và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động từ thiện của gia đình. Bà đặc biệt quan tâm đến các vấn đề của phụ nữ thông qua một quỹ riêng có tên Pivotal Ventures.
Rõ ràng, Bill Gates và vợ có những điểm khác nhau. Việc họ "đường ai nấy đi" có thể tương đối phức tạp bởi khối tài sản khổng lồ mà họ sở hữu. Đây cũng có thể là vụ ly hôn đắt giá nhất, vượt qua kỷ lục trong vụ Jeff Bezos ly hôn với vợ là MacKenzie Scott không lâu trước đây. Dù ly hôn là việc riêng tư nhưng tầm quan trọng của Bill và Melinda Gates với thế giới có thể khiến nhiều thứ trở nên đảo lộn.
Là một tỷ phú công nghệ, góp tay xây dựng lên sản phẩm phổ dụng bậc nhất thế giới, Bill Gates và vợ chọn cách làm từ thiện khác biệt hoàn toàn so với tất cả các tỷ phú khác. Họ đi tới những quốc gia nghèo nhất và tìm cách giải quyết những vấn đề đời thường nhất: y tế, sức khỏe….
Năm 2018, cả thế giới xôn xao với chiếc bồn cầu mà Bill Gates giới thiệu. Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Reinvented Toilet Expo tại Bắc Kinh, Trung Quốc, tỷ phú Bill Gates đã gây ngờ với nhiều người khi cho ra mắt hệ thống nhà vệ sinh kiểu mới do quỹ Bill and Melinda Gates chi 200 triệu USD để nghiên cứu suốt 7 năm.
Không xa xỉ, chiếc bồn cầu vận hành không cần điện, không cần nước và cũng không cần cả hệ thống cống rãnh. Chính vì thế, nó có thể cứu mạng hàng triệu người ở những nơi nghèo nhất thế giới. Chi phí sử dụng của nó cũng chỉ là 0,01 USD/ngày, phù hợp với mọi nơi trên thế giới, kể cả những nước nghèo nhất. Giải pháp này có thể cứu mạng 500.000 người và tiết kiệm 233 tỷ USD/năm trên toàn cầu.
Việc Bill Gates không tỏ ra hào hứng với kế hoạch của Facebook hay Google trong việc nhằm đưa Internet tới vùng sâu, vùng xa cũng phần nào phản ánh suy nghĩ thực tế của ông. "Khi bạn sắp chết vì sốt rét, bạn nhìn lên và thấy những chiếc khinh khí cầu phủ sóng Internet, tôi không chắc chúng sẽ giúp bạn như thế nào", Gates từng chia sẻ.
Trong suốt nhiều năm qua, bệnh tật, chất lượng cuộc sống ở những nơi nghèo nhất thế giới đã là trọng tâm hỗ trợ của Quỹ Bill and Melinda Gates. Trong nỗ lực đưa máy tính tới các khu vực nghèo đói ở châu Phi năm 1997, Bill Gates hiểu rằng họ có nhiều nhu cầu khác cần được đáp ứng trước khi tiếp cận tới công nghệ.
Những trải nghiệm đầy thực tế và chua sót khiến Gates tập trung quyên tiền làm thay đổi hệ thống y tế đồng thời dành thời gian và tâm huyết để đầu tư cho những thứ có thể "giúp hàng nghìn, hàng triệu người" cùng thoát khỏi nghèo đói, bệnh tật. Đó là cách quỹ Bill and Melinda Gates vẫn đang vận hành.
Trong khi phần đông thế giới tò mò về cách vợ chồng Bill Gates phân chia tài sản, những người thực sự quan tâm đến các hoạt động thiện nguyện có rất nhiều lý do để lo lắng khi gia đình nhà Gates tan vỡ. Không ai biết khoảng trống họ để lại sẽ tác động như thế nào tới toàn cầu, đặc biệt là những nước nghèo và kém phát triển, nhất là khi họ luôn bổ trợ cho nhau một cách hoàn hảo.