Vì sao Vingroup vượt Ôtô Trường Hải trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam?

06/12/2017 14:24 PM | Kinh doanh

Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VNR 500) năm nay chứng kiến Vingroup tăng 5 bậc, soán ngôi đầu của Ô tô Trường Hải năm trước. Sự tăng trưởng của doanh thu năm 2016 của hai doanh nghiệp phần nào lý giải điều này.

Tổng doanh thu của Vingroup năm 2016 đạt 64.238 (bao gồm doanh thu bán hàng & cung cấp dịch vụ; doanh thu từ hoạt động tài chính; lãi trong công ty liên doanh, liên kết và thu nhập khác), tăng gần 77% so với năm 2015. Trong đó, lợi nhuận sau thuế là 3.513 tỷ, tăng hơn 2 lần so với năm trước đó. Đến hết quý III/2017, tổng doanh thu của Vingroup đã đạt 59.031 tỷ, tăng 54% so với cùng kì năm ngoái. Vốn chủ sở hữu của tập đoàn này là 49.718 tỷ và tổng tài sản lên đến 204.937 tỷ tính đến hết tháng 9 năm nay.

Tập đoàn Vingroup liên tục mở rộng quy mô kinh doanh. Trong quý II/2017, hệ thống khách sạn Vingpearl và khu vui chơi giải trí Vingpearl Land đưa vào vận hành thêm 7 khách sạn, 1 sân golf và 2 khu giải trí trên toàn quốc. Ở lĩnh vực bán lẻ, Vincom Retail khai trương thêm 8 trung tâm thương mại mới. Hệ thống bán lẻ của Vingroup sau ba năm hoạt động đã phục vụ hơn 56 triệu lượt khách. Hơn nữa, năm nay Vincom Retail tiếp nhận khoản đầu tư lên đến 302,3 triệu USD từ WP Investments III B.V và Credit Suisse AG, chi nhánh Singapore.

 Vì sao Vingroup vượt Ôtô Trường Hải trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam?  - Ảnh 1.

Ngoài ra, tập đoàn này còn đẩy mạnh đầu tư bất động sản và lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục. Tạp chí Euromoney bình chọn Vingroup là “Nhà phát triển bất động sản tốt nhất Việt Nam”, “Chủ đầu tư dự án phức hợp tốt nhất Việt Nam”, “Chủ đầu tư trung tâm thương mại tốt nhất Việt Nam” và “Chủ đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng tốt nhất Việt Nam” năm 2017.

Trong khi đó, tổng doanh thu của Ô tô Trường Hải năm 2016 là 60.984 tỷ, tăng gần 46%; và lợi nhuận sau thuế đạt 7.992 tỷ, tăng 13% so với năm 2015. Dự kiến lợi nhuận năm 2017 của công ty sẽ giảm hơn 30%. Tổng tài sản của công ty đến cuối năm 2016 là 53.948 tỷ, vốn chủ sở hữu đạt 23.275 tỷ. Hai con số này đều khá khiêm tốn khi so sánh với quy mô của Vingroup.

Bảng xếp hạng của VNR500 dựa chủ yếu vào doanh thu nhưng nếu chỉ tính doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đơn thuần thì Trường Hải vẫn cao hơn so với Vingroup (59.241 tỷ đồng so với 57.670 tỷ đồng).

Kể từ năm 2016, công ty Ô tô Trường Hải đã thực hiện chiến lược tiên phong giảm giá xe. Công ty đặt mục tiêu giảm giá thành sản phẩm 5%/năm để tăng sức cạnh tranh, do theo lộ trình hội nhập AFTA thì 2018 là thời điểm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về Việt Nam sẽ bằng 0%. Việc giảm giá thành phần nào tác động đến lợi nhuận của công ty. Thị trường ô tô trong nước nói chung đang sụt giảm do tâm lý chờ đợi thuế suất về mức 0% của người tiêu dùng. Trong 9 tháng đầu năm 2017, lượng tiêu thụ xe của Trường Hải giảm 9%.

 Vì sao Vingroup vượt Ôtô Trường Hải trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam?  - Ảnh 2.

Trong những năm tới, dự báo còn khó khăn hơn khi nhà sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam - Trường Hải - phải cạnh tranh trực tiếp với Vinfast của Vingroup. Đơn vị này đã khởi công tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast. Mục tiêu của Vinfast là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á, công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm.

Trong khi Vingroup dự kiến tiếp tục tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm 2018 với mục tiêu doanh thu đặt ra là 80.000 tỷ đồng, Ô tô Trường Hải có vẻ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong năm tới.

Theo Chu Lan Anh

Cùng chuyên mục
XEM