Vì sao trước khi cạo râu bạn phải bôi kem? Điều này nằm trong một quy tắc quản lý nhân sự mà sếp có thể "thoải mái" chê nhân viên nhưng vẫn giữ được hòa khí
Em biết vì sao khi cạo râu, người ta phải bôi kem không? Cho đỡ đau phải không? Tương tự, quy tắc bánh sanwich nghĩa là đầu tiên sếp phải khen trước để cho thấy sếp có độ tin tưởng nhất định.
Đó là chia sẻ của chị Thanh Nguyễn, CEO Anphabe, trong chương trình Cafe8, livestream trò chuyện độc quyền cùng người nổi tiếng trên fanpage CafeBiz. Chị Thanh đã chia sẻ nhiều bí quyết về quản lý nhân sự, giải quyết mâu thuẫn giữa sếp và nhân viên trong bài này.
Nguyên nhân của mâu thuẫn nhân viên và sếp: Khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế quá xa nhau
- Là người điều hành của một công ty, chị có khi nào gặp phải mâu thuẫn với nhân viên?
- Chắc chắn là có chứ. Người sếp không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Nếu có tâm với tổ chức, đặt nhu cầu của tổ chức lên và hài hòa nhưng chỉ là số đông thôi. Chắc chắn có những người không hài lòng với mình. Điều đấy sẽ dẫn đến mâu thuẫn.
Vấn đề là giải quyết như thế nào? Mình cần có sự nhạy cảm, tìm hiểu nguyên nhân của sự không hài lòng ở đâu. Tôi nghĩ, sự hài lòng bắt nguồn từ khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế. Khoảng cách và kỳ vọng càng lớn thì nỗi bức xúc càng to.
Nếu mình tìm hiểu và chia sẻ sự kỳ vọng đó để rút hẹp khoảng cách giữa thực tế và kỳ vọng. Tôi không dám khẳng định là tất cả nhân viên hài lòng nhưng sẽ giúp nhân viên hài lòng hơn. Từ đó, khiến nhân viên hạnh phúc hơn.
Những trường hợp tức nước vỡ bờ thì sao?
- Chị đang nhắc tới những trường hợp có thể giàn xếp được. Vậy những trường hợp không dàn sếp thì được thì sao, kiểu như tức nước vỡ bờ?
- Bây giờ người ta có câu, nếu ly dị thì cũng ly dị cho văn minh đúng không?
Dù làm sếp hay nhân viên thì chắc chắn có những mâu thuẫn nhất định. Vấn đề là xử lý có chuyên nghiệp hay không. Tính chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ là mình cảm thấy những gì mình cần chia sẻ để mọi người hiểu. Thứ hai, mình không chỉ ở tâm lý nạn nhân kiểu như tại vì sếp không quan tâm mà tôi như thế này mà phải nghĩ tới giải pháp mà tôi có thể làm.
Thứ ba, là có tính cởi mở để tìm ra những giải pháp. Tôi tin, mình đã ngồi xuống chia sẻ với nhau rồi mà khoảng cách giữa thực tế và kỳ vọng vẫn xa nhau thì nên chia tay nhau. Đó là cơ hội cho cả hai tìm được đối tượng phù hợp hơn.
Quy tắc bánh sanwich trong khen và chê
- Khi có mâu thuẫn xảy ra, lời mở đầu rất khó nói. Chị có cách nào đấy để bạn nhân viên dễ mở đầu, để bạn ấy cảm thấy được lắng nghe không? Bạn ấy phải trình bày như thế nào để 2 phía đều thấy ổn?
- Từ phía bạn nhân viên, hay có bức xúc thì trong lòng giông bão và muốn giận sếp, muốn nghỉ việc. Khi mình đang trong cái bức xúc thì không nên làm gì và nói gì. Mình phải tìm cách để qua cơn giận thì đầu óc minh mẫn hơn. Khi đó, mình bớt giận đi và không thể hiện thái độ bất hợp tác của mình. Mình sẽ chia sẻ dựa trên thực tế, số liệu và không để cảm xúc trong chia sẻ đó nữa.
Đứng ở góc độ của sếp, họ sẽ ghi nhận vấn đề một cách dễ dàng hơn.
Còn sếp làm sao chia sẻ những bức xúc của mình với nhân viên? Tôi có quy tắc bánh sanwich: khen, chê, khen. Em biết vì sao khi cạo râu, người ta phải bôi kem không? Cho đỡ đau phải không?
Tương tự, quy tắc bánh sanwich nghĩa là đầu tiên sếp phải khen trước để cho thấy sếp có độ tin tưởng nhất định. Sau đó là chê. Chê tập trung vào hành động chứ không vào con người. Chẳng hạn, một bạn nhân viên thường xuyên đi trễ, tôi sẽ nói rằng: Việc em đi trễ thể hiện sự không chuyên nghiệp, ảnh hưởng đến công việc, thay vì câu kiểu như: Bạn là người vô trách nhiệm. Đấy là sự chỉ trích. Và sau đó là tôi sẽ nói rằng: Tôi tin tưởng bạn có thể thay đổi được thói quen này để làm việc hiệu quả.
Công thức này khiến nhân viên cảm nhận dễ vào hơn. Thường là để cho tự nhiên thì không phải cứ lôi ai đó vào và nói như vậy. Thường sếp phải thể hiện sự khen của mình trước đó để nhân viên thấy rằng sếp rất công tâm: Thấy tốt thì khen và không tốt thì phải chê.