Vì sao Tết Âm lịch Trung Quốc được UNESCO vinh danh?
Đây là kết quả trong phiên họp ngày 4/12 thuộc Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Đài CGTN (Trung Quốc) đưa tin ngày 5/12 cho biết, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) vừa công nhận Tết âm lịch tại Trung Quốc là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây là kết quả từ Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra tại thủ đô Asunción của Paraguay, từ ngày 2 đến ngày 7 tháng 12.
UNESCO nhấn mạnh rằng Xuân Tiết, đánh dấu sự khởi đầu của Tết âm lịch truyền thống của Trung Quốc, là dịp để con cháu đoàn tụ, tưởng nhớ đến gia tiên tiền tổ. Đây là dịp mọi người mong cầu và chúc những điều tốt đẹp nhất về sức khỏe, may mắn, thịnh vượng đến bản thân gia đình, bạn bè, xóm giềng. Bên cạnh đó, người người nhà nhà còn tổ chức các hoạt động cộng đồng để vui chơi.
Theo tài liệu của UNESCO, kiến thức và phong tục truyền thống liên quan đến Tết âm lịch được truyền lại một cách không chính thức trong gia đình và cộng đồng, cũng như chính thức thông qua hệ thống giáo dục. Nghề thủ công và kỹ năng nghệ thuật liên quan đến Lễ Xuân Tiết được truyền lại thông qua các chương trình học nghề, thúc đẩy các giá trị gia đình, gắn kết xã hội, đồng thời mang lại ý thức về bản sắc văn hóa.
Ủy ban cũng nhấn mạnh rằng Tết âm lịch thể hiện sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên; góp phần vào sự phát triển bền vững trong các lĩnh vực như an ninh lương thực và giáo dục. Dịp Tết lớn nhất năm này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về môi trường.
1,6 tỷ người châu Á trên thế giới "ăn Tết âm lịch"
Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, Rao Quan, người dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tại phiên họp của UNESCO, bày tỏ lòng biết ơn đối với sự công nhận này từ phía UNESCO.
Ông nhấn mạnh rằng Tết âm lịch là ngày lễ truyền thống quan trọng nhất của Trung Quốc, tượng trưng cho hy vọng của người dân Trung Quốc về một cuộc sống tốt đẹp hơn, thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với gia đình và đất nước, và các giá trị hòa hợp giữa con người và thiên nhiên.
Ông Rao Quan giải thích thêm rằng Tết âm lịchđược truyền qua nhiều thế hệ đã mang lại sức mạnh tinh thần bền vững cho người dân Trung Quốc. Ngoài ra, nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, bảo vệ môi trường và giao lưu văn hóa toàn cầu.
"Việc đưa Tết âm lịch vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO sẽ giúp thúc đẩy các giá trị phổ quát về hòa bình và hòa hợp, đồng thời nêu bật vai trò quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể trong phát triển bền vững" - Ông Rao Quan cho biết.
Với sự bổ sung này, Trung Quốc hiện có 44 di sản văn hóa hoặc tập quán được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Giáo sư Sun Jiashan - nghiên cứu viên cộng tác tại Học viện Văn hóa và Du lịch Trung ương phát biểu trên CGTN rằng: "Tết âm lịch là lễ hội được toàn dân tộc Trung Hoa gìn giữ và phát huy ngàn đời qua. Lễ hội này có ảnh hưởng văn hóa đáng kể không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới. Không chỉ người Hoa ở nước ngoài ăn mừng lễ hội; người dân ở châu Á cũng "ăn Tết âm lịch" này".
China Daily cho biết, khoảng 20% dân số thế giới (tức khoảng 1,6 tỷ người châu Á) vẫn hàng năm hân hoan "ăn Tết âm lịch" này dưới nhiều hình thức khác nhau.
Theo Giáo sư Sun Jiashan, triết lý đằng sau Lễ Xuân Tiết phản ánh cách người Trung Quốc sử dụng hệ thống lịch của họ để thích nghi với những thay đổi khí hậu và đảm bảo một vụ mùa bội thu cho các thế hệ mai sau. Trí tuệ cổ xưa này thậm chí có thể còn phù hợp hơn với các xã hội hiện đại.
Tết âm lịch của người Trung Quốc còn được gọi là Xuân tiết, Niên tiết, Quá niên. Điểm nổi bật nhất của kỳ lễ hội này là tạm biệt năm cũ, đón chào năm mới với những mong cầu về sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thịnh vượng.
Năm 2024, Tết âm lịch chính thức được liệt kê là Kỳ lễ nổi của Liên Hợp Quốc (UN Floating Holiday, ý chỉ chế độ nghỉ phép có hưởng lương).
Tham khảo: CGTN, China Daily