Vì sao Siri trên iPhone dù thông minh vẫn bị “thất sủng”?
Siri của Apple và các trợ lý thông minh khác của Google, Microsoft hay Amazon đều không được sử dụng thường xuyên, vì sao?
Tất cả các hãng công nghệ lớn - Apple, Google, Microsoft và Amazon - đều đầu tư không ít tâm huyết và tiền bạc cho các trợ lý thông minh như Siri hay Alexa. Tuy nhiên, nói chuyện với công nghệ vẫn mang lại cảm giác kỳ cục, đó là lý do vì sao nhiều trợ lý ảo không được ưa chuộng. Người dùng sẵn sàng cho chúng cơ hội nhưng không gắn bó với chúng.
Nghiên cứu mới đây của Creative Strategies chỉ ra trợ lý ảo không dễ để trở thành thói quen dùng hàng ngày của người dùng bình thường. 70% người dùng iPhone cho hay họ thỉnh thoảng hoặc hiếm khi sử dụng Siri nhưng gần như đều thử dùng qua. Chỉ có 2% người dùng iPhone Mỹ chưa bao giờ ngó ngàng đến Siri. Người dùng Android cũng tương tự. 62% trả lời dùng Ok Google không thường xuyên, chỉ có 4% chưa từng dùng tính năng này.
Hóa ra, với nhiều người, vấn đề nằm ở bối cảnh. Mọi người có xu hướng dùng trợ lý giọng nói khi họ ở một mình như khi lái xe hay tại nhà. 62% người dùng iPhone dùng Siri trên xe hơi, một phần vì tuân thủ luật giao thông. 20% tiết lộ họ chưa bao giờ dùng trợ lý ảo vì cảm thấy bất tiện khi nói chuyện với thiết bị của mình trước đám đông.
Theo Carolina Milanesi, tác giả nghiên cứu, “khác biệt văn hóa có tác động đến sự cất cánh và phát triển của trợ lý giọng nói tại các vùng miền khác nhau”. Dù sao, các hãng công nghệ vẫn có thể mừng vì ít nhất gần như ai cũng thử dùng trợ lý ảo trên thiết bị. Điều Google và Apple cần làm là cải thiện công nghệ đủ để mọi người vượt qua được cảm giác kỳ cục khi trao đổi với điện thoại tại nơi đông người hay khi đi trên phố.