Vì sao sàn chứng khoán Philippines 'vắng như chùa Bà Đanh'
Kể từ khi ông Rodrigo Duterte nhậm chức tổng thống vào năm 2016, Philippines mới chỉ có 15 doanh nghiệp thực hiện IPO. Vì vậy, dù là một trong những sở giao dịch chứng khoán lâu đời nhất châu Á, PSE lại có danh sách niêm yết thuộc hàng ngắn nhất khu vực.
Tuần tới, Converge ICT Solutions sẽ niêm yết trên Sở chứng khoán Philippines (PSE) với kỳ vọng huy động được 29 tỷ peso (600 triệu USD). Đối với Philippines, vốn là một trong những thị trường chứng khoán kém hiệu quả nhất châu Á trong năm 2020, đây là thương vụ IPO rất được chào đón.
Đợt IPO của Converge có quy mô lớn nhất Philippines trong nhiều năm trở lại đây và cũng thuộc diện hiếm gặp. Phát triển bùng nổ trong đại dịch Covid-19, mảng kinh doanh internet cáp quang của công ty này đã thổi luồng gió mới cho PSE vốn đang bị thống trị bởi các doanh nghiệp kiểu cũ.
Converge mới chỉ là thương vụ IPO thứ 3 của PSE trong năm nay. Trước đó là hãng bán lẻ Merry Mart Consumer và AREIT, quỹ đầu tư bất động sản của Ayala (thuộc tập đoàn lâu đời nhất Philippines, Ayala Corp) chào sàn, huy động được lần lượt 1,59 tỷ peso và 13,57 tỷ peso.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán của các quốc gia láng giềng đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp. Kể từ đầu năm đến tháng 8, Sở giao dịch Chứng khoán Indonesia có 37 doanh nghiệp lên sàn, Malaysia và Thái Lan lần lượt có 13 và 9. Việt Nam cũng có 11 doanh nghiệp thực hiện niêm yết.
Thị trường chứng khoán Philippines đang bị tụt lại phía sau so với các thị trường khác ở Đông Nam Á. Ảnh: Nikkei.
Kể từ khi ông Rodrigo Duterte nhậm chức tổng thống vào năm 2016, Philippines mới chỉ có 15 doanh nghiệp thực hiện IPO. Vì vậy, dù là một trong những sở giao dịch chứng khoán lâu đời nhất châu Á, PSE lại có danh sách niêm yết thuộc hàng ngắn nhất khu vực.
PSE có số lượng doanh nghiệp niêm yết thấp nhất khu vực. Ảnh: Nikkei. |
Tuy nhiên, PSE tin rằng đã đến lúc họ phải bắt kịp với các quốc gia láng giềng.
PSE vừa công bố kế hoạch điều chỉnh quy định niêm yết, mà tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ bị thiệt hại bởi đại dịch Covid-19 và đang tìm cách huy động vốn để phục hồi hoạt động. Ngoài ra, PSE sẽ bỏ yêu cầu về vốn hóa thị trường đối với nhứng doanh nghiệp muốn niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán chính. Với sở giao dịch thứ cấp, yêu cầu phải có lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) dương trong 2 của 3 năm trước khi niêm yết sẽ được gỡ bỏ. Yêu cầu về lịch sử hoạt động trong 3 năm trước khi IPO cũng sẽ được giảm xuống còn 2 năm.
Những doanh nghiệp thiếu hồ sơ lịch sử hoạt động bắt buộc nhưng chứng minh được có tiềm năng phát triển, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, cũng có thể chào sàn thông qua một nhà tài trợ.
Bản đề xuất này đang được lấy ý kiến từ các bên có liên quan. Theo Giám đốc điều hành PSE Ramon Monzon, quy định mới sẽ giúp hồi sinh nền kinh tế vốn đang rơi vào đợt suy thoái đầu tiên trong 30 năm qua sau một thời gian dài phong tỏa vì dịch Covid-19.
"Mô hình này đang được sở giao dịch chứng khoán của nhiều quốc gia trong khu vực áp dụng và chúng tôi cho rằng nó cũng sẽ phù hợp với thị trường ở Philippines. Chúng tôi có quá nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, kể cả công ty khởi nghiệp, sở hữu những ý tưởng và mô hình kinh doanh đầy tiềm năng, tới nỗi khó có thể đánh giá đúng chất lượng, ngay cả với bản điều chỉnh quy định này", ông Monzon nói.
Những người tham gia thị trường chứng khoán tại Philippines đang rất phấn khích với kế hoạch điều chỉnh này, bởi lâu nay họ luôn "thèm khát" có thêm lựa chọn đầu tư. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn rằng liệu quy định mới có kích thích được các doanh nghiệp lên sàn hay không.
April Lee-Tan, trưởng phòng nghiên cứu tại công ty môi giới trực tuyến COL Financial, cho biết việc điều chỉnh quy định niêm yết sẽ giúp nâng tầm của PSE cũng như kích thích thanh khoản của thị trường. "Ở nước ngoài, nhà đầu tư có rất nhiều lựa chọn. Chúng tôi đã bị bỏ lại phía sau. Khi đã quen giao dịch ở các thị trường khác, bạn sẽ không muốn giao dịch ở Philippines nữa".
Giá trị giao dịch hàng ngày trung bình trên PSE tính đến cuối tháng 8 giảm xuống 118,96 triệu USD, thuộc hàng thấp nhất khu vực. Trong khi đó, chỉ số PSE giảm 24,5% kể từ đầu năm nay và cũng là một trong những chỉ số giảm mạnh nhất khu vực.
Đối với giới khởi nghiệp, động thái mới của PSE sẽ mở ra cơ hội để họ có thể huy động vốn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm cạn kiệt nguồn vốn đầu tư tư nhân. "Huy động vốn đối với các công ty khởi nghiệp ở Philippines trước khi xuất hiện dịch Covid-19 vốn đã khó khăn, nay lại càng thêm khó", ông Francis Simisim, nhà sáng lập công ty giải pháp quảng cáo Wi-Fi Social Light, cho hay.
JJ Atencio, Chủ tịch và CEO của công ty đầu tư mạo hiểm Januarius Holdings, cũng đánh giá việc nới lỏng quy định niêm yết đối với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ rất hứa hẹn, nhưng ông cho rằng các công ty khởi nghiệp khó có thể có chỗ đứng trên thị trường chứng khoán Philippines. Bởi, các công ty khởi nghiệp cần thời gian để bắt đầu sinh lãi mà phần lớn đều đã sụp đổ.
"Về cơ bản, bạn sẽ bán nó cho nhà đầu tư Philippines vốn là những người có thể không có tiền cũng như thời gian chờ đợi tới 10 năm. Quá mạo hiểm cho tất cả mọi người, từ công ty đó tới nhà đầu tư và PSE", theo ông Atencio, người đang đầu tư vào cả công ty khởi nghiệp về công nghệ và doanh nghiệp vừa và nhỏ truyền thống.
Phần lớn quy định hiện hành của PSE là dành cho các công ty quy mô lớn và có lợi nhuận khi yêu cầu vốn hóa thị trường của doanh nghiệp đó phải đạt 500 triệu peso. Quy định này đang được đề xuất loại bỏ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành cho biết ngoài quy định niêm yết khắt khe của PSE, các doanh nghiệp vẫn e dè với việc công khai sổ sách với nhà đầu tư cũng như với cơ quan thuế nhà nước.
Chính phủ Philippines hiện đánh thuế thu nhập doanh nghiệp 30%, mức cao nhất Đông Nam Á. Tổng thống Duterte từng tuyên bố ủng hộ dự luật giảm loại thuế này xuống 20%, nhằm tạo động lực để doanh nghiệp công bố doanh thu thực. Lâu nay, việc phải công bố doanh thu thực là nguyên nhân khiến một số công ty không muốn lên sàn.
Trong khi đó, nhóm đối tượng thường được kêu gọi IPO là những doanh nghiệp gia đình lớn và thành công, nhưng họ lại sợ giao dịch với người ngoài hoặc bị sợ bị pha loãng cổ phần nếu chào sàn. "Nhiều doanh nghiệp trong số đó đang rất có lãi. Họ thực sự không cần tiền nên họ mới nghĩ rằng: 'Tại sao tôi phải cố gắng IPO?'. Hơn nữa, họ muốn công ty mình không bị cộng đồng quá chú ý tới", theo ông Eduardo Francisco, Chủ tịch BDO Capital and Investment.
Các ngân hàng đầu tư từng kêu gọi hãng bán lẻ thuốc Mercury Drug, tập đoàn dược phẩm trong nước Unilab và nhà sản xuất đồ ăn nhẹ Liwayway Marketing lên sàn. Tuy nhiên, không có công ty nào có kế hoạch niêm yết ở Philippines.
Ông Francisco cũng băn khoăn liệu đề xuất điều chỉnh quy định niêm yết có thể thực sự thay đổi suy nghĩ của các doanh nghiệp không muốn lên sàn hay không. "Thay đổi này nhằm vào những công ty thực sự muốn niêm yết. Tuy nhiên, đối với những công ty đã có lợi nhuận từ lâu, việc này chắc sẽ không thay đổi được gì", ông nói với Nikkei Asia.
Alfred Reiterer, một người ủng hộ cho việc trao quyền lớn hơn cho nhà đầu tư thiểu số ở Philippines, tán dương động thái của PSE nhưng ông vẫn hy vọng PSE sẽ kiểm soát nghiêm ngặt nạn niêm yết cửa sau. "Nới lỏng quy định là một việc tuyệt vời, nhưng cũng phải tăng cường giám sát cũng như bảo vệ nhà đầu tư thiểu số", ông Reiterer nói.