Vì sao Phúc Sinh thành công khi…bán sách?

05/01/2018 10:00 AM | Kinh doanh

Với hơn 10.000 cuốn sách được bán “hết veo” trong vòng hơn 2 tuần kể từ khi ra mắt vào cuối tháng 12/2017, “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” được xem là một ấn phẩm đặc biệt của doanh nhân khi cầm bút mà đã được thị trường đón nhận ngoài mong đợi.

Có nhiều lý do để NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh và CTCP Phúc Sinh thành công với câu chuyện bán sách.

Phúc Sinh là một công ty có thâm niên 16 năm trong ngành xuất khẩu nông sản, và hiện đang là doanh nghiệp đứng số 1 về xuất khẩu tiêu cũng như là đơn vị đầu tiên sản xuất cà phê sạch cho thị trường nội địa. Về mặt kinh nghiệm trong lĩnh vực bán hàng ra thị trường, các mặt hàng nông sản, họ quá thừa sắc sắc lẫn tài năng. Tuy nhiên, về mặt xuất bản phẩm, họ hoàn toàn là “dân nghiệp dư”. Việc kết hợp với một NXB chuyên nghiệp và có uy tin ở TP Hồ Chí Minh, theo cách đó, sẽ bù đắp cho Phúc Sinh những điểm khuyết trong mảng này.

Dù vậy, ngay cả với NXB Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, có lẽ thành quả của Phúc Sinh khi đi.. bán sách cũng khiến chính họ bất ngờ. Ngay sau khi “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” rời nhà in, được biết, đã có 4.000 đơn đặt hàng/ 5.000 ấn bản đầu tiên được đăng ký. Thời gian hoàn tất các đơn hàng này chỉ trong vòng…3 tiếng. Phúc Sinh tiếp tục lập thêm “kỷ lục” với quyết định cùng NXB đăng ký tái bản 10.000 cuốn ngay sau đó. Song song, mà hoàn tất mục tiêu bán sách, đạt trên 10.000 bản trong vòng 2 tuần.

 
Vì sao Phúc Sinh thành công khi…bán sách? - Ảnh 1.

“Sở dĩ chúng tôi bán được 10.000 bản trong thời gian rất ngắn, có lẽ một phần là do cách bán sách: Thường ai in sách cũng cho và tặng, riêng tôi thì rất hạn chế tặng. Không phải tôi “tiết kiệm” mà đơn giản tôi nghĩ: Nếu bạn bỏ tiền ra mua sách, bạn sẽ nâng niu và đọc hết; còn nếu bạn được tặng, đôi khi bạn sẽ chỉ giữ làm vật trang trí”, tác giả Phan Minh Thông, CEO Phúc Sinh chia sẻ.

Cũng theo tác giả “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh”, năm 2017, Đường sách Nguyễn Văn Bình - Tp Hồ Chí Minh theo thông báo về doanh thu bán sách đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục với hơn 50 tỷ đồng. Đối với lĩnh vực xuất bản phẩm, khi mà mỗi sản phẩm bán ra chỉ tính trên đơn vị bình quân giá thành vài chục ngàn đồng và theo như nhiều người trong ngành chia sẻ, mỗi một đầu sách, nếu không tính các tác giả “best seller” như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, rất ít đầu sách đạt tới con số vạn bản, thì mức doanh thu như vậy là vô cùng khả quan. Nó cho thấy độc giả Việt chưa hoàn toàn quay lưng với sách. “Tuy nhiên cũng phải thấy rằng với một Thành phố đông dân nhất nước, đạt trên 10 triệu dân, mà doanh số của một “trung tâm văn hóa” trong suốt 1 năm, thì con số trên 50 tỷ đó vẫn còn quá thấp. Tôi thấy các nhà văn đa phần rất khó khăn và ít may mắn trong quá trình làm sách, ra sách. Họ không may mắn như tôi có nhiều đối tác sẵn sàng mua sách để cho nhân viên, bạn bè cùng đọc. Khi làm sách thì phải trông đợi phản hồi của NXB, giao phó hết đứa con tinh thần của mình cho một đơn vị làm sách… Có lẽ cũng vì như vậy nên hiệu quả bán sách khó cao”.

Theo chia sẻ của nhiều độc giả qua các comment trên trang Sách/Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh, phần lớn họ đặt mua sách vì muốn tìm hiểu “ông Vua” nông sản viết gì, có bí quyết gì khi khởi nghiệp và trở thành số 1.

Anh Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Kinh doanh vốn và Tiền tệ, Hội sở BIDV, thì cho rằng một trong những giá trị khiến độc giả phải bỏ tiền mua, là “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” có những kiến thức, trải nghiệm, quan sát, chiêm nghiệm...rất thực tế, đa dạng và có nhiều nét riêng biệt rất thú vị. Lối viết tự nhiên, mộc mạc như đang nói chuyện với người đọc theo cách rất hóm hỉnh và lôi cuốn một cách nhẹ nhàng nhưng sâu lắng.

Vì sao Phúc Sinh thành công khi…bán sách? - Ảnh 2.

“Việc viết ra để đúc kết, hệ thống hóa và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp quản lý hiệu quả thực tế cho cộng đồng là một văn hóa tuyệt vời và rất có ý nghĩa mà mình thường thấy ở các doanh nhân nước ngoài nhưng hầu như chưa thấy ở các doanh nhân VN. Bạn đã là người mở đầu cho nhiều cách nghĩ, cách làm mới trong lĩnh vực kinh doanh nông sản ở VN. Mình hy vọng bạn sẽ mở đầu cho một phong trào và thế hệ doanh nhân VN mới dành thời gian viết sách”…, ông Quỳnh viết trên trang fanpage của Sách.

“Người ta nghĩ chúng tôi làm nông sản, là nông dân. Tôi nghĩ, từ nông dân đến sáng tạo chẳng có khoảng cách nào. Với sách vở cũng như kinh doanh nông sản, chúng tôi luôn ý thức mình là một cây cầu bắc những nhịp đến khách hàng trong cảm xúc tích cực, đáng được trân trọng. Khi khách hàng cảm nhận và muốn bước lên cây cầu ấy, chúng tôi đã thành công”…, tác giả sách, CEO Phúc Sinh chia sẻ.

A.D

Từ khóa:  kinh doanh
Cùng chuyên mục
XEM