Vì sao Nhật Bản không phải lo về lạm phát?

22/05/2022 09:30 AM | Xã hội

Mối liên hệ giữa giá cả tăng và thu nhập người dân tăng không hề tồn tại ở Nhật Bản.

Lạm phát tại nhiều quốc gia thành viên G7 hiện đang cao nhất nhiều năm. Nhưng trong khi lạm phát tại Mỹ và Anh lần lượt chạm ngưỡng hơn 8% và 9%, cao nhất nhiều thập kỷ, thì tại Nhật Bản, lạm phát cao cũng chỉ dừng lại ở 2,5%.

Trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã hòa mình vào cuộc chạy đua lãi suất toàn cầu, Nhật Bản vẫn chưa hề thay đổi chính sách tiền tệ của mình và vẫn mua vào lượng trái phiếu cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế, khiến lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của quốc gia này được giữ vững ở ngưỡng 0%.

Sự đối lập này được hình thành từ sự khác biệt cơ bản trong tâm lý lạm phát của Nhật Bản sau ba thập kỷ trì trệ. Dù Nhật Bản cũng phải đối diện với nhiều khó khăn giống như các quốc gia khác, đặc biệt là chi phí hàng hóa nhập khẩu tăng cao, mối liên hệ giữa giá cả tăng và thu nhập người dân tăng dường như không hề tồn tại.

Ngược lại, theo Masamichi Adachi, Kinh tế trưởng tại UBS Tokyo, tư tưởng giảm phát sẽ khiến tình hình rẽ theo một hướng khác. “Tại Nhật Bản, tình trạng tăng giá hàng hóa nhập khẩu có thể dẫn tới giảm phát. Đó là lý do lạm phát không phải là một vấn đề lớn tại đây”.

Vì sao Nhật Bản không phải lo về lạm phát? - Ảnh 1.

Lạm phát tại Nhật Bản chạm ngưỡng 2,5%. Ảnh: Reuters.

Tại Mỹ và châu Âu, các doanh nghiệp thường phản ứng lại với đà tăng giá nguyên liệu và hàng hóa bằng cách chuyển phần chi phí tăng thêm đó sang người tiêu dùng. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, các doanh nghiệp lo sợ người tiêu dùng sẽ tẩy chay sản phẩm của mình nếu như họ tăng giá, trong khi đó, người lao động, sau một giai đoạn dài không có biến chuyển nhiều về mặt thu nhập, rất ngại yêu cầu tăng lương, điều giúp họ có thêm tiền chi trả cho phần giá cả hàng hóa tăng thêm.

Thêm nữa, trong trường hợp các doanh nghiệp phải chi trả chi phí hàng hóa nhập khẩu nhiều hơn nhưng không thể tăng giá bán lẻ, họ sẽ phải đối diện với thua lỗ. Họ thường phản ứng bằng cách cắt giảm chi phí nhân công, và cuối cùng giảm phát sẽ lên ngôi, chứ không phải lạm phát.

Theo dữ liệu công bố bởi chính phủ Nhật Bản trong ngày 20/5, chỉ số giá tiêu dùng tại Nhật Bản tăng 2,5% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2021, trong khi chỉ số giá tiêu dùng cơ bản, không bao gồm chi phí thực phẩm, tăng nhanh nhất trong vòng 7 năm qua, chạm ngưỡng mục tiêu 2,1% của ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ). Nhưng nếu loại bỏ đi chi phí lương thực và năng lượng, lạm phát tại Nhật chỉ còn 0,8%

Đối với BoJ và nhiều chuyên gia, nhu cầu tiêu dùng trong nền kinh tế Nhật Bản đang rất yếu. Do đó, cơ quan này, với sự tự tin lớn hơn so với các ngân hàng trung ương khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, kỳ vọng rằng lạm phát sẽ chỉ là hiện tượng tạm thời và sẽ nhanh chóng ‘hạ nhiệt” một khi tình trạng giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao kết thúc.

Một vài yếu tố khác cũng giúp giải thích lý do lạm phát tại Nhật Bản thấp hơn so với tại các nền kinh tế phát triển khác, và tại sao các chuyên gia cho rằng lạm phát sẽ không kéo dài.

Đầu tiên, lạm phát tháng 4 không thống kê mức giảm cước viễn thông áp dụng dưới thời cựu Thủ tướng Yoshihide Suga trong năm 2021 . Điều đó có nghĩa rằng lạm phát thực tế thấp hơn so với con số đã được công bố.

Thứ hai, nền kinh tế Nhật Bản vẫn chưa phục hồi hoàn toàn so với trước đại dịch, dù quốc gia này chưa từng áp dụng các quy định phòng dịch nghiêm ngặt như nhiều quốc gia khác. Tuy có ít các quy định hạn chế hoạt động kinh tế, người dân quốc gia này vẫn rất thận trọng,  dù phần lớn người cao tuổi tại quốc gia này đã được tiêm phòng Covid-19. Nhật Bản vẫn đang đóng cửa đối với khách du lịch. Điều này tác động mạnh tới chi tiêu tiêu dùng.

Thứ ba, đồng yen “yếu” từng là một yếu tố hỗ trợ nền kinh tế Nhật Bản, nhưng điều đó không còn nhiều tác dụng ở thời điểm hiện tại. Các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã chuyển phần lớn chuỗi cung ứng của mình sang Trung Quốc. Nhu cầu các tư liệu sản xuất mà Nhật Bản xuất khẩu đang bị ảnh hưởng mạnh bởi đà đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc.

“Ngoài tình trạng tăng giá hàng hóa, tác động từ các quy định phòng dịch tại Trung Quốc là rất nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp khó có thể gia tăng doanh thu trong năm nay”, theo Kiichi Murashima, Chuyên gia kinh tế Nhật Bản tới từ Citi Group. “Các doanh nghiệp cũng nhận định đà giảm giá của đồng yên là ngắn hạn và không muốn gia tăng chi phí cố định (bằng cách tăng lương cho người lao động)”.

BoJ tự tin rằng lạm phát tại Nhật Bản sẽ sớm giảm và điều họ cần làm là hỗ trợ nền kinh tế. “Lạm phát là do giá năng lượng tăng cao, do đó, thiếu đi tính bền vững”, theo Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda. “Kỳ vọng lạm phát trung và dài hạn không tăng mạnh”, ông nói.

“Tôi muốn một lần nữa nhấn mạnh rằng tình hình hiện tại của nền kinh tế Nhật Bản hoàn toàn khác biệt so với Mỹ và châu Âu”, ông chia sẻ.

Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM