Vì sao Netflix từ chối đề nghị mua lại của ông chủ Amazon 20 năm trước?
Mùa hè năm 1998, khi Netflix (lúc này là dịch vụ cho thuê phim qua thư) mới hoạt động được hai tháng, hai người sáng lập Reed Hastings và Marc Randolph nhận được một cuộc gọi từ Amazon.
"Jeff Bezos (người sáng lập, CEO của Amazon) muốn gặp chúng tôi", Randolph chia sẻ với CNBC.
Randolph, khi đó là CEO của Netflix, nhớ lại rằng ông và Hastings, đã vô cùng hào hứng khi được gặp nhà sáng lập Amazon, người đã phát triển startup bán sách trực tuyến của mình trở thành một trang thương mại điện tử lớn.
Lúc này, Amazon cũng mới hoạt động được 4 năm. Một năm sau đó (năm 1997), công ty này niêm yết trên sàn chứng khoán và huy động được 54 triệu USD. Dưới áp lực của các nhà đầu tư, Bezos tích cực tìm kiếm các cơ hội thâu tóm để mở rộng hoạt động của công ty.
Ông ấy muốn Amazon trở thành một "cửa hàng bán mọi thứ", Randolph viết trong cuốn hồi ký mới có tên "That Will Never Work" (Tạm dịch: Điều không bao giờ thành công) của mình. "Thời điểm đó, Amazon có doanh thu bán sách gần 100 triệu USD và khoảng 600 nhân viên".
Reed Hastings CEO của Netflix.com bên cạnh thùng băng đĩa chuẩn bị được giao cho khách hàng vào 29/1/2009 tại San Jose, California - Ảnh: CNBC.
Randolph và Hastings đồng ý bay tới Seattle để gặp ông chủ Amazon và đội ngũ của ông. Tuy nhiên, họ đã kinh ngạc trước những gì thấy được ở Amazon.
"Chúng tôi bước vào và phát hiện văn phòng đó đó như một cái chuồng lợn", Randolph kể. "Căn phòng đó lèn chặt người. Bàn làm việc là các cánh cửa cũ - những cánh cửa cũ kỹ - đặt trên các thanh gỗ. Và Jeff ngồi trong một văn phòng với 4 người khác".
Randolph cho biết ông và Hastings không mất nhiều thời gian để biết được ý định thâu tóm Netflix của Amazon - động thái nhằm đưa công ty này bước chân vào thị trường video.
Sau cuộc gặp, đội ngũ của Bezos đề nghị mua lại Netflix với mức giá "đâu đó dưới 8 con số", tức khoảng 14 - 16 triệu USD, Randolph kể lại trong hồi ký. Tuy nhiên, xét trên thực tế rằng Netflix chỉ là một startup 2 tháng tuổi, đây là một con số khá lớn. Randolph lúc đó nắm giữ 30% công ty, số còn lại thuộc về Hastings. Nếu đồng ý bán công ty, cả hai sẽ "bỏ túi" nhiều triệu USD.
Trên chuyến bay về nhà, hai nhà sáng lập bàn bạc về thiệt và hơn khi bán công ty cho Amazon. Lợi ích lớn nhất của thương vụ này là trên thực tế Netflix lúc đó vẫn chưa có lợi nhuận, không có mô hình kinh doanh hứa hẹn mang lại lợi nhuận và chi phí hoạt động khá cao. Ngoài ra, cả hai đều biết rằng nếu họ không bán Netflix cho Amazon, họ sẽ sớm phải cạnh tranh với công ty này.
Tuy vậy, Randolph và Hastings đều biết rằng họ đang "trên đà tạo ra thứ gì đó". Netflix sở hữu một trang web hiệu quả, một đội ngũ tinh nhuệ và thỏa thuận hợp tác với nhiều nhà sản xuất DVD. Họ cũng đã khai thác được gần như mọi đĩa DVD trên thị trường và Netflix "chắc chắn là nguồn DVD tốt nhất trên Internet".
Cuối cùng, Randolph và Hastings quyết định "lịch sự" từ chối đề nghị của Amazon. Tuy nhiên, cuộc gặp với đội ngũ của Amazon đã thúc giục họ thoát ra khỏi việc chỉ bán đĩa DVD và thay vào đó bắt đầu cho thuê đĩa. Bởi vì họ biết rằng Amazon chắc chắn sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh lớn trong lĩnh vực bán đĩa.
Marc Randolph và Reed Hastings trên một chuyến bay sau khi Netflix niêm yết trên sàn Nasdaq vào ngày 29/5/2002 - Ảnh: Marc Randolph.
Quyết định này đã mang lại kết quả ngoài mong đợi. Hiện tại, Netflix là công ty Internet lớn thứ sáu thế giới theo doanh thu - đạt 15,7 tỷ USD vào năm 2018, tăng 35% so với năm 2017. Trong khi đó, Amazon là công ty Internet lớn thứ hai thế giới, sau Alphabet Inc - công ty mẹ của Google.
Netflix đã phát triển từ một công ty cho thuê băng đĩa trở thành nhà sản xuất phim và cung cấp dịch vụ video trực tuyến hàng đầu thế giới với hơn 151 triệu người dùng trả phí trên toàn cầu.
Randolph, người đã rời Netflix vào năm 2003, cho biết quyết định từ chối Amazon dạy cho ông một điều rằng, khi cơ hội đến, bạn không nhất thiết phải mở cửa nhưng ít nhất cũng nên nhìn qua lỗ khóa.