Vì sao lãnh đạo Hà Nội 'nhăn mặt' 3 lần/ngày vì phòng cháy?

24/08/2018 22:00 PM | Quản trị

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã ví von mỗi ngày ông phải nhăn mặt 3 lần vì những vụ cháy xảy ra trên địa bàn thành phố.

Ngày 24/8, Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội làm việc với Cảnh sát PCCC Hà Nội về thực hiện Nghị quyết 05 của HĐND thành phố quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu PCCC trên địa bàn đưa vào sử dụng trước Luật PCCC 2001.

Cảnh sát PCCC thành phố nhận định, các sở, ngành chức năng chưa thực sự đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết. Qua tập hợp, báo cáo và theo dõi của cơ quan thường trực, các đơn vị đều chưa thực hiện tốt.

Một số sở ngành như Sở Xây dựng, Công Thương, Y tế, Giáo dục chưa thực sự quan tâm đến việc rà soát đối tượng thuộc diện điều chỉnh theo ngành, lĩnh vực, đơn vị mình quản lý, phụ trách. Cơ quan thường trực phải đôn đốc nhiều lần, báo cáo chậm. Nhiều đơn vị không chấp hành nghiêm quyết định, quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, không cử, cử không đúng thành phần tham dự họp và triển khai quyết định của thành phố.

Đáng chú ý, việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công đa phần chậm so với tiến độ đề ra. Việc phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê, lập danh sách các cơ sở thực hiện chậm 3 tháng so với tiến độ.

Việc phối hợp với các sở, ban, ngành rà soát thống nhất danh sách chậm 6 tháng. Tổ chức họp, lấy ý kiến thành viên Ban chỉ đạo chậm 6 tháng. Việc tổng hợp, báo cáo UBND thành phố phê duyệt danh sách cơ sở cần áp dụng các biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn về PCCC chậm 6 tháng.

Giải toả bãi xe lấn chiếm trong chung cư cũ

Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam nêu thực tế, các chung cư cũ trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức, chưa được đưa vào danh sách rà soát. Loại hình chung cư tái định cư có quyết định bổ sung giải pháp PCCC nhưng tiến độ chậm so với yêu cầu, vẫn chỉ nằm trên giấy.

Các loại hình như làng nghề, chợ, trung tâm thương mại, kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng... tiềm ẩn nguy cơ cháy cao mà bỏ sót, lọt ra ngoài danh sách.

Ông Nam cho rằng, phải có giải pháp PCCC bổ sung cho các loại hình này để đảm bảo an toàn cho người dân. Ví dụ như loại hình chung cư, tập thể cũ, phải có trang bị bình bọt, cắt cửa sổ tại chuồng cọp, giải tỏa các bãi xe, các vật dụng lấn chiếm hành lang thoát nạn.

“Các khu tập thể, chung cư cũ vừa bán cho người dân, một phần Xí nghiệp quản lý nhà vẫn quản lý. Vậy các Sở phải trả lời về việc lập phương án bổ sung PCCC. Trách nhiệm của ai thuê thẩm định làm, ai thực hiện, nguồn tiền lấy ở đâu”, ông Nam đặt vấn đề.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với sự chênh lệch số liệu chung cư cũ, các quận, huyện cần phải tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hơn. Theo số liệu theo dõi của Sở Xây dựng, hiện nay, phần lớn khu chung cư cũ đã bán hết, còn lại sở hữu hỗn hợp không nhiều.

“Với nhà hỗn hợp, nhà nước phối hợp với người dân đóng góp để xử lý. Với nhà đã bán hết, người dân phải đóng góp để sửa chữa phần sở hữu chung”, ông Dũng nói. Tuy nhiên, theo ông Dũng, với một số chung cư, người dân không chịu đóng góp kinh phí, hiện Sở đang báo cáo thành phố về vướng mắc này.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chia sẻ, bản thân ông mỗi lần nghe thấy tiếng còi hụ của xe chữa cháy đều rất đau xót. Trung bình, mỗi ngày, Hà Nội xảy ra khoảng ba vụ cháy. Vì thế, ông Sửu ví von, mỗi ngày, ông phải nhăn mặt 3 lần.

Ông Sửu yêu cầu Sở Xây dựng, với chức năng quản lý của mình phải rà soát, thống kê lại toàn bộ các loại hình nhà tập thể, chung cư cũ. Từ đó, phối hợp với các sở, ngành có liên quan lên phương án bổ sung giải pháp PCCC trước mắt. Trong đó, cần cân nhắc các dự án thay thế nhà chung cư, tập thể cũ để tránh lãng phí.

Ông Sửu cũng cho biết, sẽ báo cáo với Ban Cán sự Đảng UBND thành phố về việc bố trí kinh phí cho các công trình cấp bách về phòng chống cháy nổ, khắc phục thiên tai... “Quyết liệt rồi mà không có kinh phí thì xin thua”, ông Sửu nói.

Theo Trường Phong

Từ khóa:  chữa cháy
Cùng chuyên mục
XEM