Vì sao là người giàu nhất Việt Nam nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng không mua máy bay riêng?
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng quan điểm về tiền bạc rằng: Cái gì đáng thì bao nhiêu cũng đầu tư, nhưng không đáng thì một đồng cũng không tiêu.
Từ sắm máy bay riêng của các đại gia Việt
Năm 2008 giới kinh doanh cũng như nhiều người xôn xao khi Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện người sở hữu máy bay riêng là chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức. Trả lời phỏng vấn báo chí, doanh nhân này cho biết ông mua máy bay mất 7 triệu USD bằng tiền của mình. Máy bay này được sử dụng với nhiều mục đích như đi làm ăn, xem đá bóng, đi du lịch và phần lớn phục vụ cho công ty.
"Tất cả những nơi mà công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai "đóng quân" đều có sân bay như Gia Lai, TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội... hay các nước Lào, Thái Lan. Trong quan hệ làm ăn, giờ giấc hết sức quan trọng. Nhiều lúc, đi công tác do di chuyển bị trễ, tôi đã làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của công ty. Thế nên, cách nay hai năm, tôi đã chợt nảy ra ý định mua cho mình một chiếc máy bay để đi lại giúp công việc thuận tiện hơn", ông Đức cho biết.
Tới năm 2010, tỷ phú Trần Đình Long- chủ tịch tập đoàn Hòa Phát cũng mua một chiếc trực thăng trị giá gần 5 triệu USD. Chủ tịch Trần Đình Long cho biết hợp đồng được ký kết thông qua Tập đoàn Hòa Phát, song toàn bộ số tiền mua bán, thuê phi công, sân bay, bảo dưỡng, sửa chữa do cá nhân ông Long chi trả. 17,42 tỷ đồng là số tiền mà ông Long chuyển để thanh toán qua công ty.
Vấn đề mua máy riêng của các doanh nhân tỷ phú cũng đã từng được đặt ra với người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam- tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Trong một bài phỏng vấn, phóng viên báo Thanh Niên từng hỏi ông:
Mua máy bay riêng chẳng hạn, rất nhiều "đại gia" cũng đã sắm máy bay riêng?
- Người ta bay suốt ngày thì mới mua chứ tôi không đi đâu mấy, mua máy bay tính ra sẽ lỗ thì mua làm gì.
Là tỉ phú đô la, sao ông lại tính toán đến vậy?
- Sao lại không tính toán? Cái gì đáng thì bao nhiêu cũng đầu tư, nhưng không đáng thì một đồng cũng không tiêu. Giả sử mua máy bay thì tôi sẽ mua máy bay để cho thuê, lâu lâu đi một chuyến. Nó phải trở thành dịch vụ chứ mình không thể lãng phí mua rồi bỏ đó.
Nếu làm chỉ để tiêu, chỉ để có cái nọ, cái kia thì tôi phải dừng lâu rồi. Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài được.
Đến chuyện tiêu tiền của người giàu
Từ việc quyết định mua máy bay hay không mua máy bay của các doanh nhân Việt Nam có thể thấy điểm chung của họ là đều tính toán kỹ lưỡng hiệu quả của sử dụng tài sản thay vì mua chỉ để thỏa mãn mục đích cá nhân.
Trong cuốn tự truyện Thế giới thật rộng lớn và có nhiều việc phải làm, nhà sáng lập tập đoàn Daewoo Kim Woo Choong cũng có quan điểm tương tự với tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Ông khuyên giới trẻ rằng: "Một người thật sự thông minh biết cách sử dụng cả thời gian và tiền bạc một cách khôn ngoan. Hãy để tôi nói với các bạn rằng các bạn không nên lãng phí dù chỉ một ít tiền bạc cũng như không nên lãng phí thời gian."
Theo ông bản thân tiền là vô tính – nó không tốt cũng chẳng xấu. Cái trở thành tốt hoặc xấu chính là cách các bạn sử dụng tiền.
Ông cho rằng tiền chỉ nên sử dụng khi thật cần, và chuẩn mực sử dụng nó là phải đem lại lợi ích – làm lợi cho chính người tiêu tiền và người khác.
"Sử dụng tiền để học tập, để chi phí thuốc men, hoặc để giúp đỡ những người gặp khó khăn chính là những đồng tiền được sử dụng một cách khôn ngoan, và không cần phải keo kiệt trong những trường hợp như thế. Nếu các bạn sử dụng tiền một cách phù hợp, thì số lượng không thành vấn đề – đừng ngại tiêu nhiều tiền khi cần.
Trên cơ sở đó, đừng lãng phí dù chỉ một ít tiền. Đừng tiêu tiền một cách ngu ngốc, giống như lúc các bạn thèm muốn mua thứ gì đó các bạn không cần. Một số người mua đồ chỉ vì nó rẻ, không phải vì họ cần nó, và có người mua đồ chỉ vì người khác mua thứ đó – đó là hội chứng "cho bằng chị bằng em." Điều đó là vô cùng ngu xuẩn", cố chủ tịch tập đoàn Daewoo từng viết như vậy từ cách đây gần 30 năm.
Cụ thể hơn ông lấy dẫn chứng khi Daewoo tiếp quản nhà máy Korea Machinery, ông quyết định xây dựng các cơ sở phúc lợi cho nhân viên để tăng động lực và tạo dựng tình cảm mật thiết. Thời đó, năm 1976, các chương trình phúc lợi cho nhân viên thực tế chưa bao giờ được nghe thấy ở Hàn Quốc. Nhưng Kim Woo Choong đi đến kết luận rằng đã đến lúc phải chú ý tới một vấn đề như vậy. Cho nên ông ra chỉ thị xây dựng nhà tắm, tiệm cắt tóc cho nhân viên, khu nội trú cho người độc thân và các quán ăn tự phục vụ hiện đại. Các quản đốc phản đối việc này, vì tổng chi phí sẽ là vài triệu đô-la, một con số khổng lồ thời đó.
Các quản đốc có lý do chính đáng. Tổng số vốn của công ty chỉ nhiều gấp đôi số tiền để xây dựng các cơ sở được đề xuất, và họ nghĩ rằng tốt hơn nên sử dụng tiền cho thứ gì đó liên quan trực tiếp đến sản xuất. Thêm vào đó, công ty đang bị thâm hụt kinh niên. Các quản đốc cảm thấy ưu tiên hàng đầu nên là trả nợ, và nhà sáng lập Daewoo thật sự không thể nói rằng họ đã sai. Nhưng ông không thay đổi. Quyết định của ông là đầu tư tiền cho phúc lợi của nhân viên trước. Nếu tinh thần làm việc được cải thiện thì lẽ tất nhiên là sức sản xuất sẽ tăng lên và công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng. Ông không hề e dè về số tiền bỏ ra vì đó là khoản đầu tư dài hạn khôn ngoan.
Một dẫn chứng khác là có thời kỳ ở Seoul, ban lãnh đạo Daewoo phải sử dụng xe buýt tuyến chạy tới cơ sở sản xuất ở Inchon, một quãng đường dài 20 dặm. Mỗi chuyến xe buýt phải trả khoản phí đường bộ trị giá 500 won (khoảng 1 đô-la thời đó), nhưng ông phát hiện ra rằng nếu xe buýt rời khỏi đường cao tốc ở chỗ giao cắt nhà máy và đi vào đường khu vực thì họ có thể tiết kiệm được 25 xu mỗi chiều. Không còn cảm giác lãng phí tiền bạc nữa, cho dù số tiền không đáng kể.
Vấn đề ở đây không phải là vài triệu đô-la hay 25 xu. Vấn đề là tiêu tiền một cách khôn ngoan. Việc tiêu vài triệu đô cũng khôn ngoan như việc tiết kiệm 25 xu.
"Tôi có thể là kẻ bần tiện tìm cách tiết kiệm 25 xu trên một chuyến xe buýt và cò kè với người bán đồ gốm, nhưng tôi không hề day dứt khi đầu tư hàng triệu cho giáo dục và phúc lợi của nhân viên. Các nhà máy sản xuất Daewoo của chúng tôi không hề gây ô nhiễm, nhưng chúng tôi không do dự sử dụng tiền một cách khôn ngoan cho những hạng mục bảo vệ môi trường ở những nhà máy gây ô nhiễm. Và chúng tôi không hề bần tiện khi đền bù cho ai đó qua đời vì công việc. Chúng tôi biết rõ khi nào và sử dụng tiền như thế nào cho phù hợp và hiệu quả. Người nào chỉ tiêu tiền khi cần tiêu chính là người thật sự biết cách tiêu tiền. Mọi thứ tùy thuộc vào sự khôn ngoan của người tiêu tiền.", ông rút ra kết luận.