Vì sao Hà Nội chưa thể “chốt” được quy hoạch hai bờ sông Hồng?

15/01/2021 08:28 AM | Xã hội

Không chỉ cuộc sống người dân bị ảnh hưởng, khi “đi không được, ở không xong”, việc quy hoạch chưa được phê duyệt, chưa đưa đất vào sử dụng theo chức năng ô đất đã kéo theo nhiều khó khăn, hệ lụy trong quản lý tài nguyên đất.

Từ lâu, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng luôn là vấn đề được người dân Thủ đô đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, đến nay, mong muốn đó vẫn chưa thành hiện thực vì nhiều lý do khác nhau. Và với những gì đang diễn ra cho thấy, ngày về đích của đề án vẫn chưa thể đoán định.

Tìm hiểu nội dung này, phóng viên VOV có loạt phóng sự: “Vì sao Hà Nội chưa thể “chốt” được quy hoạch hai bờ sông Hồng?”. Việc chậm quy hoạch hai bờ sông Hồng, nên nhiều diện tích đất đang ngoài tầm kiểm soát.

Chậm quy hoạch hai bờ sông Hồng, nhiều diện tích đất đang ngoài tầm kiểm soát?

Việc Hà Nội chậm triển khai quy hoạch khu vực hai bờ sông Hồng đang để lại rất nhiều hệ lụy, từ môi trường sinh thái, quản lý đất đai, cuộc sống người dân... Phường Lĩnh Nam và Thanh Trì, quận Hoàng Mai, nơi có  hàng chục hec-ta đất ngoài bãi sông Hồng, với gần 4000 hộ dân sinh sống là một dẫn chứng cho thấy những phát sinh từ thực trạng chậm triển khai quy hoạch.

Chính vì thực trạng “lơ lửng”, nên dù sinh sống bao đời nay, người dân khu vực ngoài bãi vẫn không được cấp phép, xây mới nhà cửa; việc thế chấp, vay vốn, chuyển nhượng cũng gặp rất nhiều khó khăn, tác động lớn đến đời sống dân sinh.

Theo ông Dương Văn Hòa, Chủ tịch UBND phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai thì, bây giờ người dân xin cải tạo sửa chữa nhà cũng là vấn đề khó khăn với chúng tôi.

"Cho làm hay không cho làm. Cho làm đến mức độ nào. Nếu để bà con xây dựng không có phép là mình có lỗi, mà không để cho bà con làm thì áy náy...", ông Hòa nêu ra mâu thuẫn.

Không chỉ cuộc sống người dân bị ảnh hưởng - khi “đi không được, ở không xong”, việc quy hoạch chưa được phê duyệt, chưa đưa đất vào sử dụng theo chức năng ô đất đã kéo theo nhiều khó khăn, hệ lụy trong quản lý tài nguyên đất.

Dọc hai bên bờ sông Hồng, nhất là qua địa bàn các quận, tình trạng bỏ hoang, lấn chiếm đất đai; đổ trộm phế thải rác thải luôn “nóng”. Việc nhiều tổ chức, cá nhân “ôm” hàng chục ha đất được cho thuê trái thẩm quyền, sử dụng sai mục đích dọc bờ sông Hồng qua địa bàn Hà Nội đã làm “dậy sóng” dư luận nhiều năm trước như ở quận Hoàng Mai, quận Long Biên.

Kết luận thanh tra số 1316 của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội ghi rõ: “Việc cho thuê đất của UBND các phường (quận Hoàng Mai) là trái thẩm quyền và việc sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân là sai mục đích”. Hầu hết, mục đích sử dụng đất ghi trong hợp đồng là cải tạo, đưa vào sản xuất, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp đã biến những khu đất này thành bãi tập kết vật liệu xây dựng, sân đỗ xe và nhiều công trình xây dựng không phép, trong đó có những nhà xưởng nằm trong vùng thoát lũ.

Số liệu của Vụ quản lý đê điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, từ tháng 12/2019 đến 11/2020 trên địa bàn Hà Nội phát sinh 59 vụ vi phạm về đê điều, trong đó khu vực sông Hồng luôn là điểm “nóng”. Đơn cử như tại quận Tây Hồ là vi phạm tại khu vực cuối ngõ 1, 5, 9, 11 khu tập thể F361 An Dương. Cùng với đó là tình trạng trồng cây, dựng lều lán, xây dựng công trình tạm, xâm phạm công trình kè Phú Gia, phường Phú Thượng…

"Nhu cầu xây mới cải tạo nhà ở khu vực ngoài đê là nhu cầu chính đáng và đang trở thành vấn đề bức xúc. Việc này dẫn đến việc quản lý trật tự xây dựng là vô cùng khó khăn. Cho nên việc phê duyệt phân khu quy hoạch sông Hồng rất cấp thiết…", ông Công Minh Tuấn, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Tây Hồ nói.

Từ thực tế hàng chục năm sinh sống khu vực bãi sông Hồng, ông Hồ Văn Tâm, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên cho rằng, quản lý đất đai, trật tự xây dựng và nhiều vấn đề xã hội khác đang là một vấn đề bức xúc không chỉ riêng ở phường Bồ Đề, mà của nhiều địa bàn ven sông. Thực trạng chậm triển khai quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đang kìm hãm sự phát triển của đô thị Hà Nội, nâng cao đời sống dân sinh.

"Quy hoạch bãi sông Hồng treo như vậy phát sinh rất nhiều vấn đề từ an ninh trật tự, môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân như chúng tôi", ông Hồ Văn Tâm nói.

Thống kê cho thấy, từ năm 1994 đến nay đã có rất nhiều dự án, nghiên cứu liên quan đến quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng của các tổ chức trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vì những khó khăn, vướng mắc khác nhau, nên mục tiêu đó đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Vậy, những rào cản nào đã trì hoãn việc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch hai bên bờ sông Hồng?, VOV.VN sẽ tiếp tục phân tích ở những bài sau./.

Huy Nam

Cùng chuyên mục
XEM