Vì sao giá vàng trong nước đắt hơn thế giới gần 9 triệu đồng/lượng?

12/08/2021 16:05 PM | Kinh doanh

Sau 13h hôm nay (12/8), giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 56,4 – 57,1 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới đang ở mức 1.751,7 USD/ounce.

So với hôm qua, giá vàng trong nước hôm nay tăng mạnh hơn những ngày trước đó, với mức 200.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra. Giá vàng thế giới sau 4 phiên giảm liên tiếp, hôm nay quay đầu với mức tăng đến 19 USD/ounce  (khoảng 450.000 đồng), tuy nhiên mức tăng này vẫn còn khá xa ngưỡng 1.800 USD/ounce.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch phổ biến quanh 50,45- 51,15 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với hôm qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng miếng hôm nay được công ty SJC tiếp tục giữ ở mức 700.000 đồng/lượng. Mức chênh lệch này hiện rất cao so với bình quân 400.000 đồng ở các tháng trước.

Hiện tại, cả nước có rất nhiều tỉnh, thành cùng giãn cách chống dịch Covid-19, nên giao dịch vàng trên thị trường trong nước khá trầm lắng, các nhà đầu tư cá nhân hầu như không thể tham gia mua - bán gì ở các cửa hàng, doanh nghiệp.

Khoảng cách chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước vẫn duy trì ở mức cao. Do giá vàng thế giới giảm sâu, giá trong nước giảm ít hơn, nên khoảng cách này được nới rộng hơn nữa.

Quy đổi theo tỷ giá niêm yết, giá vàng thế giới đang thấp hơn giá vàng SJC gần 9 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng trang sức trong nước khoảng gần 3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới đêm 11/8 thấp hơn khoảng 7,9% (150 USD/ounce) so với cuối năm 2020.

Trong ngày 11/8, giá vàng thế giới gần như không biến động trong nhiều giờ. Tuy nhiên, sau khi Mỹ thông báo dữ liệu liên quan đến lạm phát, giá vàng đã tăng hàng chục USD/ounce.

Theo đó, giới đầu tư suy đoán nguồn cung USD tiếp tục dồi dào, có thể làm cho "đồng bạc xanh" suy yếu nhiều hơn nữa, tạo điều kiện cho giá vàng đi lên trong tương lai. Vì thế, khi giá vàng giao dịch tại 1.730 USD/ounce, họ đã dồn vốn vào kim loại quý.

Giá vàng ngày 12/8 tăng một mạch 25 USD/ounce, cán mức 1.755 USD/ounce lúc 2 giờ ngày 12/8. Sau đó, giá vàng đi ngang và đến 6 giờ giao dịch tại 1.752 USD/ounce.

Về mặt kỹ thuật, giới phân tích dự báo trong ngắn hạn, giá vàng thế giới có thể bứt phá mức cản 1.760 USD/ounce để hướng tới 1.800 USD/ounce. Ngược lại, giá vàng không vượt qua mức cản này sẽ lùi về vùng 1.700 USD/ounce.

Với mức lạm phát có dấu hiệu đạt đỉnh như hiện tại, nhiều dự báo cho rằng, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ xem khả năng không tăng lãi suất. Fed có thể không cần phải tăng lãi suất để duy trì đà hồi phục bền vững của nền kinh tế. Đây là một tín hiệu tốt đối với vàng.

Đáng chú ý hiện nay, chênh lệch giá vàng giữa 2 thị trường trong nước và thế giới đang bị nới rộng, lên mức gần 9 triệu đồng/lượng. Như vậy, người mua vàng trong nước đang phải trả mức giá đắt hơn khoảng 16% so với giá thế giới. Đây cũng cũng là mức cao kỷ lục tính từ đầu 2020 đến nay.

Giá vàng trong nước còn ghi nhận chênh lệch cao giữa giá mua và giá bán, hiện phổ biến ở mức 700.000 đồng/lượng.Theo chuyên gia, tại Việt Nam, vàng được xem là một loại tài sản hữu hình nên nhu cầu của người dân, nhà đầu tư là mua để tích trữ, bảo vệ tài sản chứ không mua đi bán lại như thế giới.

Chênh lệch giá trong nước và thế giới duy trì ở mức cao cũng có một phần nguyên nhân từ việc giao dịch bị ảnh hưởng vì các quy định giãn cách xã hội. Trường hợp thị trường vàng trong nước giao dịch trở lại, mức chênh lệch này có thể được thu hẹp.

Ngoài ra, lý do khiến giá vàng miếng trong nước đắt hơn thế giới do các doanh nghiệp không được tự chủ nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất nên nguồn cung chủ yếu đến từ hoạt động mua đi bán lại, mua giá nào họ bán giá đó.

Bích Thủy

Từ khóa:  giá vàng
Cùng chuyên mục
XEM