Financial Times: Giá cả hàng hoá tăng vọt, thế giới đang bước vào "Siêu chu kỳ" mới?

26/08/2021 08:22 AM | Xã hội

Với đà tăng của hàng loạt nguyên vật liệu cho một "siêu chu kỳ" mới, người xây nhà có lẽ sẽ buộc phải tăng giá bán theo.

Bất chấp việc các biến chủng của đại dịch Covid-19 đang hoành hành, đà tăng giá của một loạt mặt hàng nguyên vật liệu chủ chốt trên thị trường thời gian qua đã khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng một "siêu chu kỳ" (Supercycle) mới đang đến gần.

Theo tờ Financial Times (FT), khả năng hồi phục của các nền kinh tế lớn, nhất là việc chính phủ Trung Quốc tung những khoản chi tiêu công khổng lồ nhằm khôi phục thị trường sau đại dịch đã kích thích nhu cầu với các nguyên liệu chủ chốt.

Việc các nước như Mỹ, Nhật Bản tung các gói kích thích kinh tế lớn cũng đã khiến nhà đầu tư kỳ vọng hơn vào một đợt tăng cầu mạnh của các mặt hàng trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Financial Times: Giá cả hàng hoá tăng vọt, thế giới đang bước vào Siêu chu kỳ mới? - Ảnh 1.

Đà tăng giá của nhiều nguyên vật liệu (%). Nguồn ảnh:FT

Giá quặng sắt, vốn là nguyên liệu chủ yếu để làm thép cho sản xuất ô tô hay xây dựng cũng như giá gỗ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 5/2021. Hàng loạt giá nông sản như ngũ cốc, dầu hạt, đường hay sữa tươi cũng leo thang mạnh. Thậm chí giá ngô đã lên mức 7 USD/giạ lần đầu tiên trong 8 năm qua.

Giá quặng sắt tại Trung Quốc đã giảm gần 50% trong hơn 1 tháng tính đến tháng 8/2021 do chính sách thắt chặt sản lượng của chính phủ. Thế nhưng điều này lại là cơ hội với ngành thép nhiều nước như Việt Nam cho việc giành thị phần.

"Tôi không rõ thế giới từng chứng kiến tình trạng này bao giờ chưa nữa", CEO Ulf Larsson của hãng gỗ Thụy Điển SCA phải thốt lên khi lợi nhuận quý I/2021 của công ty tăng đến 66%.

Trong khi đó, giá đồng đã được giao dịch trên 10.000 USD lần đầu tiên kể từ năm 2011, giá đậu nành thì đạt mức cao nhất trong 8 năm qua. Chỉ số S&P GSCI Index theo dõi giá của 24 loại hàng hóa nguyên vật liệu chủ chốt đã tăng 24% từ đầu năm đến nay.

Việc tăng giá của nguyên vật liệu đã khiến hàng loạt thị trường như bất động sản đi lên theo bất chấp đại dịch khiến mảng cho thuê mặt bằng chịu ảnh hưởng. Tại Mỹ và Châu Âu, độ phủ sóng của vaccine ngày càng rộng khiến giá nhà bật tăng trở lại khi chi phí đầu vào cao hơn do thiếu nguyên vật liệu xây dựng.

Không dừng lại ở đó, giá nhiều nguyên liệu phục vụ cho chương trình đầu tư năng lượng sạch, sản xuất ô tô điện cũng đi lên trước nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng nặng.

Số liệu của Benchmark Mineral Intelligence (BMI) cho thấy giá Lithium Carbonate tại Trung Quốc sau gần 3 năm đi xuống thì từ đầu năm đến nay đã tăng hơn 100%. Giá đất hiếm (loại NdPr) được dùng cho sản xuất xe điện cũng tăng gần 40%. Giá các nguyên liệu khác như Cobalt dùng cho sản xuất ắc quy cũng đi lên.

Điều trớ trêu là ngay cả nguyên liệu liên quan đến xe ô tô chạy xăng dầu truyền thống cũng tăng giá. Ví dụ Palladium đã tăng giá lên mức kỷ lục trên 3.000 USD/ounce vào tháng 5/2021 bất chấp những dự đoán về xu thế sụt giảm doanh số ô tô chạy xăng dầu ở Phương Tây.

Financial Times: Giá cả hàng hoá tăng vọt, thế giới đang bước vào Siêu chu kỳ mới? - Ảnh 3.

Giá Palladium (USD/ounce). Nguồn ảnh: FT

Thậm chí giá xăng dầu cũng hồi phục mạnh lên quanh ngưỡng 65 USD/thùng bất chấp các lệnh giãn cách khiến du lịch và giao thông vận tải chịu ảnh hưởng vẫn chưa được dỡ bỏ hoàn toàn. Nguyên nhân chính ngoài việc kỳ vọng cầu tăng, việc các nước xuất khẩu chính như Nga hay OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) không tăng sản lượng đã thúc đẩy đà đi lên này.

Hãng Goldman Sachs dự đoán giá dầu có thể đạt bình quân 80 USD/thùng trong nửa cuối năm nay khi đà phủ sóng tiêm chủng tiếp tục lan rộng, qua đó kích thích nhu cầu xăng dầu trên toàn cầu tăng hơn 5%.

Siêu chu kỳ đang tới

Đà tăng giá hàng loạt của các mặt hàng đã khiến các chuyên gia nhắc đến khái niệm "siêu chu kỳ" ngày càng nhiều.

Kể từ khi cách mạng công nghiệp bùng nổ, thế giới đã chứng kiến đà tăng trưởng cả về dân số lẫn tiêu thụ tài nguyên của nhân loại. Điều này đã khiến giá các mặt hàng luôn biến động theo chu kỳ tăng giảm trong khoảng thời gian dài dựa trên cung cầu của người tiêu dùng.

Dù không được thống nhất nhưng thông thường giá các hàng hóa có xu hướng tăng dần trong dài hạn với thời gian khoảng từ 10-35 năm rồi đi xuống trong 10-35 năm tiếp theo và lặp lại một chu kỳ như vậy.

Theo các chuyên gia kinh tế, thế giới đã trải qua 4 siêu chu kỳ tăng giá kể từ năm 1899.

Giai đoạn đầu tiên là khoảng 1899-1932 khi Mỹ bước vào quá trình công nghiệp hóa còn thế giới mới trải qua cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 2.

Financial Times: Giá cả hàng hoá tăng vọt, thế giới đang bước vào Siêu chu kỳ mới? - Ảnh 4.

Siêu chu kỳ giá của một số hàng hóa chủ chốt. Nguồn ảnh: Visual Capitalist.

Nhu cầu xây dựng đường sắt, sản xuất vũ khí cho Thế chiến I đã thúc đẩy đà tăng giá của các nguyên vật liệu đầu thập niên 1900. Thế rồi khi nhiều nhà máy theo quy mô lớn được xây dựng cùng tốc độ điện khí hóa, sử dụng nhiều máy móc tăng nhanh đã làm tăng cung và hạ giá thành sản phẩm cuối thập niên 1900.

Siêu chu kỳ thứ 2 diễn ra vào giai đoạn 1933-1961 khi thế giới chạy đua cho Thế chiến II. Giá hàng hóa liên tục tăng trong 15 năm đầu tiên và đạt đỉnh năm 1940 rồi liên tục đi xuống trong 14 năm sau đó.

Siêu chu kỳ thứ 3 bắt đầu khi Châu Âu và Nhật Bản tái công nghiệp hóa giai đoạn 1962-1995. Các nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng mạnh và bền vững sau giai đoạn Thế chiến II nhờ các thành quả công nghệ và năng suất được xây dựng trước đó để phục vụ chiến tranh.

Đặc biệt, mảng tự động hóa được áp dụng khiến năng suất toàn cầu đạt đỉnh vào đầu thập niên 1970. Thế rồi khi sản lượng tăng, giá các mặt hàng bắt đầu giảm cho cung vượt cầu.

Điều trớ trêu là trong khi giá nông sản hay nhiều mặt hàng đi xuống thì giá dầu hay kim loại lại tăng do nhu cầu tái thiết cơ sở hạ tầng sau chiến tranh vẫn còn. Dấu ấn rõ nét nhất trong thời kỳ này là cuộc khủng hoảng dầu mỏ giai đoạn 1973-1979 khi giá dầu tăng gần 300% từ 3 USD/thùng lên gần 12 USD/thùng.

Siêu chu kỳ lần 4 diễn ra trong giai đoạn 1996-2015 và tất cả là do sự bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc cung như các nước trong khối BRIC như Nga, Ấn Độ, Brazil.

Nhu cầu tăng cao của các thị trường như Trung Quốc khi kinh tế bùng nổ đã đẩy giá hàng hóa nguyên vật liệu leo thang, qua đó khiến nhiều nước xuất khẩu nguyên liệu thô được lợi.

Hàng loạt những dự án cơ sở hạ tầng được Trung Quốc xây dựng rầm rộ từ năm 2002 đến 2015 đã kích thích giá cả các mặt hàng, Việc nước này gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nổi lên là công xưởng xuất khẩu của toàn cầu cũng như vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã thúc đẩy giá nhiều mặt hàng đi lên.

Financial Times: Giá cả hàng hoá tăng vọt, thế giới đang bước vào Siêu chu kỳ mới? - Ảnh 5.

Nguồn ảnh:Visual Capitalist.

Trong thời kỳ này, do nhu cầu tăng mạnh bất ngờ của Trung Quốc mà các nhà sản xuất không kịp điều chỉnh sản lượng để đáp ứng. Hệ quả là giá các nguyên liệu như đồng vốn chưa đến 2.000 USD/tấn trong thập niên 1990 đã tăng vọt lên trên 10.000 USD. Giá dầu cũng đạt mức cao 40 USD/thùng.

Thế rồi khủng hoảng xảy ra với bong bóng bất động sản, tài chính cũng như sự dư thừa sản lượng ở Trung Quốc. Đà tăng trưởng của nền kinh tế thứ 2 thế giới chậm lại cũng khiến giá hàng hóa hạ nhiệt, khiến nhiều nước phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên vật liệu cho Trung Quốc bị điêu đứng.

Vậy còn hiện nay, liệu một siêu chu kỳ nữa có diễn ra do đại dịch Covid-19 khiến cung không đáp ứng đủ cầu? Câu trả lời vẫn chưa có lời giải đáp.

*Nguồn: Financial Times

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM