Vì sao Đại học Harvard "giàu" hơn 109 nền kinh tế trên thế giới?
Ngân hàng đầu tư Credit Suisse ước tính ĐH Harvard có nhiều tiền hơn 109 quốc gia trên thế giới và đây không phải là trường duy nhất của Mỹ có nhiều tiền mặt hơn hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.
Theo Ngân hàng Credit Suisse (trụ sở tại Zürich, Thụy Sĩ), năm trường đại học lớn của Mỹ gồm: Harvard, Princeton, Stanford, Yale và hệ thống Đại học Texas - đã giàu hơn một nửa trong số 195 nền kinh tế của thế giới. Đứng đầu danh sách là ĐH Harvard với khoản tài trợ khổng lồ 38,3 tỉ USD, cao hơn 109 nền kinh tế khác.
ĐH Harvard có nhiều hoạt động hơn so với công tâc dạy dỗ và cấp bằng. Nền giáo dục của Harvard được các cựu sinh viên rất giàu có và có nhiều ảnh hưởng luôn chăm lo tài trợ. Mặt khác, trường cũng đã nỗ lực rất nhiều để nuôi dưỡng danh tiếng này. Chất lượng giáo dục của Harvard luôn đạt 100 điểm hoàn hảo về cả hai mặt nghiên cứu và giảng dạy.
Nền giáo dục của ĐH Harvard luôn nhận được sự hỗ trợ của các cựu sinh viên thành đạt. Ảnh: Reuters / Andrew Burton
Trong khi giáo viên ở khắp nước Mỹ đang than phiền về mức lương thấp và chi phí chăm sóc sức khỏe cao thì học phí đại học lại tăng vọt. Tổng số nợ vay của sinh viên Mỹ đã tăng gấp đôi.
Các trường trong Liên minh các trường đại học hàng đầu của Mỹ (Ivy League) vẫn ổn định trước tình hình lạm phát bởi sự hỗ trợ tài chính từ các cựu sinh viên nắm giữ các vị trí quyền lực. Điều đó giúp bằng cấp của trường luôn có giá trị tuyệt đối.
Mỹ thường được xếp hạng trong số các quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới, chỉ có ba người sở hữu nhiều tài sản bằng một nửa dân số nghèo nhất. Mặc dù vậy, trên đường phố ít có một cuộc biểu tình nào. Tại sao?
Dữ liệu từ Chương trình Khảo sát Xã hội Quốc tế cho thấy: Khi nền kinh tế của một quốc gia trở nên kém bình đẳng hơn nhưng những người nghèo vẫn được tạo cơ hội vươn lên - mọi người nhận thấy nếu học tập chăm chỉ và đúng giờ, ai cũng có thể trở thành một "bậc thầy của vũ trụ". Với học bổng của mình, ĐH Harvard là nơi mà ngay cả một đứa trẻ lớn lên trên đường phố cũng có thể đến nếu chúng thực sự giỏi. Chính vì điều đó mà người dân dễ có ảo tưởng về quyền bình đẳng.
Hoạt động từ thiện là một truyền thống được thiết lập giữa những người giàu có tại Mỹ. Nhiều người trong số họ cảm thấy việc "trả lại" tài sản cho xã hội là điều quan trọng. Hoạt động từ thiện là xương sống của đời sống xã hội Mỹ.
Nhưng dù có bị "ảo tưởng" về quyền bình đẳng hay không - ít nhất về mặt lý thuyết, mọi người đều chiến thắng: những người giàu có tránh được thuế và tầng lớp lao động có thể bám vào giấc mơ rằng nếu con cái họ làm việc chăm chỉ, một ngày nào đó chúng có thể vào Harvard và gia nhập hàng ngũ những kẻ đã "bóc lột" họ.