Vì sao con gái bây giờ không thích lấy chồng?
Một cuộc hôn nhân có thành công hay không, phải dựa vào tâm ý của cả hai. Còn nếu cuộc sống hôn nhân không vui vẻ hoặc cảm thấy không muốn kết hôn thì cũng chẳng sao, miễn là bạn vẫn sống tốt.
Một tài khoản mạng xã hội Trung Quốc đã lên một diễn đàn hỏi "Tại sao đàn ông bây giờ dè dặt trong chuyện yêu đương cũng như không muốn kết hôn?".
Ngay sau đó, người này đã nhận được vô vàn câu trả lời, trong đó có một câu trả lời được nhiều tài khoản khác ủng hộ và đồng cảm nhất, đó là "Vì con gái bây giờ kiêu căng và kén chọn quá". Tức là đàn ông bây giờ vẫn mong muốn gặp gỡ yêu đương và kết hôn nhưng lại không tìm được đối tượng để cùng đi đến hôn nhân.
Hỏi câu này tương tự với con gái, câu trả lời của họ vô cùng gây bất ngờ. Số ít trả lời rằng đàn ông bây giờ toàn người đểu nên không muốn kết hôn; còn phần lớn nói thẳng rằng cuộc sống độc thân của họ tốt mà, chẳng cần một người bước thêm vào cuộc sống của họ làm gì cho rắc rối và mệt mỏi. Tự họ làm chủ được cuộc sống của họ, tự họ chăm sóc được cuộc đời của họ.
Có thể thấy, con gái bây giờ không còn khát khao nhiều về hôn nhân nữa. Trừ khi họ gặp được một người mà họ thực sự muốn chung sống cả đời. Điều này chứng tỏ: tỷ lệ kết hôn càng ngày càng giảm là do mong muốn lập gia đình của phụ nữ ngày càng giảm.
Vai trò và địa vị của người phụ nữ ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Còn trong cấu trúc của xã hội phụ hệ truyền thống, nam giới giữ vai trò là nhân vật quyền lực chủ yếu, có quyền phân bổ tài sản trong đó nữ giới được xem là tài sản tư của nam giới, được nam giới bảo hộ, phụ trách việc duy trì nòi giống, gánh vác trách nhiệm nuôi dạy thế hệ kế cận, lấy việc đặt họ tên làm hình thức, dựa theo gia tộc của bên nam rồi nối tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác. Việc con gái đi lấy chồng, không thuộc gia đình nhà đẻ nữa chính là dựa vào cấu trúc xã hội này.
Tuy nhiên, ở xã hội hiện tại, kinh tế phát triển, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nữ giới được tự mình thử sức và từ đó họ có nhận thức, ý thức về sự bình đẳng giới. Cùng với đó, chính phủ bắt đầu cung cấp bảo hiểm xã hội cơ bản cho mọi công dân, sử dụng hệ thống phúc lợi khác nhau để giảm bớt những gánh nặng trong cuộc sống. Quyền lực công cộng đã làm suy yếu một cách mạnh mẽ quyền lực của chế độ phụ hệ.
Dễ nhận thấy, xã hội phát triển, ngày càng văn minh, nhân đạo, nữ giới có cơ hội được thể hiện mình, những vấn đề khó khăn của nữ giới đã được giải quyết phần nào. Vì thế, gia đình hiện nay không chỉ phải dựa vào mỗi nam giới để tạo ra "nguồn" nữa mà phụ nữ cũng có thể kiếm tiền. Quyền phân bổ "nguồn" của nam giới đang gần như không còn hiệu lực nữa. Đàn ông kiếm được tiền, phụ nữ cũng có thể; phụ nữ làm được việc nhà, đàn ông cũng nên làm được.
Tỷ lệ kết hôn ngày càng giảm nhưng đàn ông vẫn khát khao được tiến tới hôn nhân.
Trên thực tế, nếu không nhắc tới quyền bình đẳng, đa phần nam giới vẫn mang theo phần nào tư tưởng phụ quyền còn sót lại và cho rằng kết hôn là để duy trì nòi giống. Còn phụ nữ, ngày trước sống dựa vào hôn nhân để nhận được cái gọi là "nguồn" kiếm từ đàn ông và sự bảo hộ, ngày nay họ nhận được đầy đủ những phúc lợi của xã hội phát triển dành tặng. Vậy đối với họ, việc kết hôn có còn cần thiết nữa không, chưa kể những ám ảnh việc sinh đẻ và sự nghi ngờ lòng trung thành của đối phương?
Phần lớn nữ giới hiện nay biết rằng nếu chỉ dựa vào đàn ông, trông chờ vào từng đồng tiền họ đưa cho để chăm sóc gia đình thì họ sẽ mất tiếng nói trong gia đình, thậm chí có thể bị khinh rẻ. Khi ấy, có được một công việc, một khoản thu nhập hằng tháng sẽ là tiếng nói của bản thân họ để có được một địa vị bình đẳng. Trong khi ấy, nhiều nam giới vẫn cho rằng chăm sóc gia đình là bổn phận của phụ nữ mà không chịu hiểu rằng phụ nữ ngoài chăm sóc gia đình, họ vẫn phải cố gắng làm việc.
Chính vì vậy, có thể dễ đoán là nhiều đàn ông vẫn chọn vợ vì tiêu chí nghề nghiệp. Phụ nữ làm công chức, giáo viên... có nhiều thời gian chăm sóc con được hoan nghênh hơn cả, thậm chí nhiều anh không cần vợ kiếm được nhiều tiền, chỉ cần có nhiều thời gian cho gia đình.
Nhưng cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp chưa bao giờ là điều dễ làm.
Một ví dụ thực tế, con của bạn đi học mẫu giáo, 9 giờ đi học, 4 giờ tan trường. Vậy ai sẽ là người đảm nhiệm đưa đón con? Con trẻ cần phải ngủ sớm, ăn đúng giờ, không thể hôm ăn 8h tối, hôm ăn 9h tối lại phải chờ mẹ đi tập thể dục chiều về, cũng chẳng thể chờ bố đi nhậu no say với bạn về. Vậy ai sẽ là người chấp nhận về sớm để nấu cơm?
Nếu thuê người giúp việc, thu nhập của hai vợ chồng có đủ không?
Nếu nhờ ông bà hai bên chăm cháu, căn hộ của hai vợ chồng có thừa phòng không?
Tất nhiên, không thể đòi hỏi một người phụ nữ vừa đảm việc nhà vừa đảm việc công ty được. Cô ấy đâu có 3 đầu 6 tay để vừa gánh vác trách nhiệm gia đình giống như một người phụ nữ truyền thống, vừa phải sống độc lập như một phụ nữ hiện đại bây giờ. Đứng giữa lựa chọn khó khăn này, sẽ thấy nhiều phụ nữ mỉm cười và thầm nhủ rằng bản thân có công việc, có tiền, thậm chí có địa vị. Vậy tại sao phải mất công suy nghĩ nên trở thành ai? Chẳng phải trở thành mình và biết yêu bản thân là điều tốt nhất hay sao?
Vậy những người đã kết hôn rồi/muốn kết hôn nên làm gì để giữ gìn hạnh phúc gia đình?
Hoặc là tuân theo kết cẩu của gia đình truyền thống: đàn ông đi kiếm tiền, phụ nữ ở nhà chăm sóc chồng con; hoặc là cả chồng cả vợ đều phải đồng thuận hỗ trợ, chia sẻ với nhau cùng kiếm tiền, cùng dọn dẹp nhà cửa, cùng nhau nuôi con.
Phụ nữ cũng là con người, cũng cần có tiếng nói. Cô ấy không cần một người chồng đi làm từ sáng tới tối, về nhà cáu bẳn, không quan tâm vợ con; cô ấy cũng không cần một người chồng chỉ chăm chăm hết giờ làm đi nhậu với bạn bè rồi say khướt về đánh đập chửi bới vợ con. Mấy đồng lương anh đưa cuối tháng có là xá gì so với những nỗi niềm cô ấy phải chịu đựng quanh năm suốt tháng?
Tìm một người chỉ để kết hôn rồi sinh con, duy trì nòi giống và gặp được một người mà mình muốn kết hôn, cùng nắm tay vượt qua mọi chuyện, đây là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Một cuộc hôn nhân có thành công hay không, phải dựa vào tâm ý của cả hai. Còn nếu cuộc sống hôn nhân không vui vẻ hoặc cảm thấy không muốn kết hôn thì cũng chẳng sao, miễn là bạn vẫn sống tốt.
Giả như việc kết hôn là một điều tự nguyện, hai người đến với nhau vì yêu nhau, không phải là điều bắt buộc phải làm đến một độ tuổi nhất định, không xem nó là điều không thể thiếu trong đời người, chắc hẳn mỗi người sẽ có những lựa chọn thận trọng hơn. Và chắc chắn hai người sẽ thoải mái nắm tay nhau đến răng long đầu bạc.
Hôn nhân không phải là do người nhà giục, anh có nhà, có xe còn tôi có tử cung, chúng ta cùng duy trì nòi giống.
Hôn nhân chính là cuộc sống của hai người có ý nghĩa và xứng đáng hơn cuộc sống một mình trước đó. Nếu cảm nhận được điều ấy ở cả hai, hãy kết hôn!