Vì sao chúng ta không nên ở trong nhà quá lâu?
Việc ở trong phòng ngủ hay ở nhà quá lâu, nhìn bề ngoài thì thoải mái nhưng sẽ dễ khiến bản thân cảm thấy thiếu động lực để bắt tay vào công việc.
Trong cuộc sống, tin rằng nhiều người từng trải qua những khoảnh khắc tương tự như thế này: Khi một mình ở trong phòng ngủ, chỉ muốn nằm chơi điện thoại, chẳng muốn làm gì cả. Nhiều lần đã tự lập cho mình rất nhiều kế hoạch nhưng lại tiêu tốn phần lớn thời gian nằm dài trên giường. Mở tài liệu hoặc cầm sách lên nhưng lại không thể làm việc, học tập tập trung lâu được, lặp lại vòng luẩn quẩn "chơi điện thoại - hối hận - làm việc khác".
Việc ở trong phòng ngủ quá lâu, nhìn bề ngoài thì thoải mái, không bị ràng buộc nhưng dễ dẫn đến thiếu động lực để bắt tay vào công việc, tinh thần giảm sút, lãng phí thời gian một cách vô ích.
Trong tâm lý học, có một thuật ngữ gọi là "hiệu ứng chậu hoa". Thuật ngữ này có nghĩa là, nếu một người ở trong một môi trường thoải mái, an toàn trong một thời gian dài, nhưng đến một thời điểm nào đó, họ sẽ không nghĩ đến việc tiến bộ, không thể phát triển thêm.
Vòng tròn quen thuộc vốn là an toàn, nhưng việc bước ra ngoài sẽ có thể mang đến cho bạn nhiều cơ hội hơn.
01
Một nhà đầu tư từng nói: “Những người suốt ngày ở nhà sẽ không gặp được cơ hội tốt tự nhiên rơi xuống”.
Bạn tôi, Đan Đan, có một thời gian chỉ ở trong căn phòng nhỏ ở nhà.
Vào thời điểm đó, cô ấy vừa quyết định nghỉ việc ở công ty cũ để tập trung làm công việc quay video của riêng mình. Kết quả là chưa đầy một tháng, cô ấy đã trở nên mệt mỏi.
Ở nhà được 2 tháng, cô ấy rơi vào trạng thái lo lắng về số liệu, làm việc gì cũng không có tinh thần, số lượng video cũng không cao như khi còn đi làm.
Sau đó, cô ấy bắt đầu ra ngoài, có khi đi dạo để thư giãn, thỉnh thoảng hẹn gặp đồng nghiệp ăn cơm, tìm hiểu các xu hướng mới.
Cũng thật trùng hợp, có thể là nhờ cơ hội kết nối với nhiều người, cô ấy càng có nhiều cảm hứng, việc làm video cũng ngày càng tốt hơn.
Lúc đó, Đan Đan mới nhận ra, sự chán nản và thiếu cảm hứng của mình đều là vì đã ở quá lâu trong phòng ngủ.
Khi một người ở trong một môi trường quen thuộc và khép kín trong thời gian dài, càng tự đối thoại với bản thân nhiều, tinh thần sẽ càng trở nên nhạy cảm hơn.
Theo thời gian, họ sẽ từ chối giao tiếp với người khác, chỉ sống trong thế giới của mình.
Ngược lại, khi họ lựa chọn bước ra khỏi phòng ngủ, họ sẽ nhận ra rằng, họ đã mở ra cơ hội gặp gỡ những người mới, khám phá nhiều điều mới mẻ, từ đó tạo ra cơ hội và khả năng mới.
Có câu chuyện về một người làm trong ngành bán lẻ, trước đây từng là một chàng trai chỉ thích ở nhà. Có một thời gian, anh muốn chuyển sang làm bán hàng ô tô, nhưng mỗi lần đi xin việc đều bị từ chối.
Nhiều người đã nói với anh ấy: "Anh không phù hợp làm nhân viên bán ô tô”. Tuy nhiên, anh lại không tin là như vậy mà tự tìm cách tạo ra cơ hội cho mình.
Khi làm công việc bán lẻ, mỗi ngày anh tiếp xúc với nhiều tệp khách hàng, anh ấy bắt đầu chú ý đến danh tính khách hàng. Khi gặp người làm việc trong lĩnh vực ô tô, anh ấy sẽ chủ động làm quen và hỏi về kiến thức bán hàng ô tô.
Chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, anh đã quen nhiều người bạn mới. Sau đó, một người quản lý của showroom xe lớn đã chú ý đến anh, mời anh gia nhập đội ngũ của mình. Vậy là anh ấy đã đạt được một mục tiêu trong sự nghiệp của mình.
Khi đối diện với những gì mình mong muốn, điều chỉnh kịp thời trạng thái và phương pháp của bản thân, cảm nhận và hành động, bạn sẽ có thể đạt được điều mình mong muốn.
Một chuyên gia tâm lý học từng viết trong cuốn sách của mình: Nếu bạn thay đổi trạng thái bản thân, bạn sẽ thay đổi kịch bản cuộc đời, từ đó có thể thay đổi vận mệnh của mình.
Mức độ thành công của một người không chỉ phụ thuộc vào điểm xuất phát, mà còn phụ thuộc vào thái độ và phẩm chất của họ.
“Đóng cửa làm việc” mà không tìm cách phát triển, lâu dần sẽ dẫn đến thất bại.
02.
Tôi từng xem một câu chuyện trên một chương trình:
A, một chàng trai đầy nhiệt huyết, là sinh viên đại học đầu tiên trong một ngôi làng.
Nhưng sau khi tốt nghiệp, anh chọn về quê sống, đã ở nhà suốt 8 năm. Anh ở trong không gian nhỏ bé của mình và dần cảm thấy nhàm chán.
Anh không muốn ra ngoài làm việc, từ chối giao tiếp với mọi người bên ngoài. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, anh đã bước ra khỏi căn phòng nhỏ hẹp, học cách phát triển bản thân và tìm được công việc.
Cuộc sống của anh dần đi vào quỹ đạo, có định hướng và lấy lại sự tự tin trước kia.
Trong nhiều trường hợp, thay đổi môi trường không chỉ khiến bạn thấy những điều mới mẻ, mà đôi khi còn giúp bạn nghĩ ra những ý tưởng mới.
Nếu bạn cảm thấy cuộc sống của mình đơn điệu hay tẻ nhạt, hãy thử bắt đầu từ việc thay đổi môi trường.
Nếu bạn thấy việc thay đổi thật khó, hãy thử bắt đầu từ những chi tiết nhỏ, như dậy sớm 10 phút, chạy bộ sau giờ làm, đọc thêm một trang sách,... Những thay đổi nhỏ có thể là bước đệm thúc đẩy bánh xe cuộc đời.
Hoặc bạn cũng có thể đi ra ngoài, đi bộ hay hoạt động thể thao cũng có thể giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng, làm tâm trạng thoải mái.
Nếu bạn không muốn ra ngoài thì hãy trò chuyện với bạn bè, giao tiếp với người khác rất quan trọng. Khi giao tiếp với mọi người, chúng ta có thể nhận được thông tin mới, học được kiến thức mới, thậm chí tìm được cơ hội hợp tác, làm việc mới.
Giao tiếp không chỉ giúp chúng ta xây dựng mối quan hệ mà còn giúp chúng ta có thêm sự tự tin. Trong trường hợp bạn không muốn ra ngoài, hãy thử thay đổi không gian một chút. Ví dụ, bạn có thể liên lạc với một người bạn lâu không gặp và gọi điện hỏi thăm.
Khi bạn quyết định bước ra ngoài, bạn sẽ nhận ra rằng thế giới này còn rất nhiều điều thú vị và nhiều nơi đáng để bạn khám phá.
Theo Aboluowang