Vì sao chú lừa làm việc chăm chỉ vẫn bị giết: Bài học cho thấy nếu bất mãn hãy nói thẳng với sếp, đừng phàn nàn với đồng nghiệp để rồi “rước họa vào thân”
Nếu bạn có bất mãn hoặc bất cứ vấn đề gì, hãy tìm sếp để trao đổi thẳng thắn. Bạn đừng phàn nàn hay kể với đồng nghiệp, bởi rất có thể bạn sẽ phải “rước họa vào thân” như chú lừa tội nghiệp trong câu chuyện này.
Có một chú lừa sau một ngày cày bừa làm việc vất vả trở về nằm nghỉ. Chú kiệt sức nằm thở nặng nề, chó ta liền chạy tới hỏi thăm.
Chú lừa đau khổ nói: “Ông bạn ơi, tôi thấy mệt mỏi quá. Ngày mai tôi thật muốn nghỉ ngơi một hôm”.
Sau khi chó chào tạm biệt, ra về gặp mèo ở ngay góc đường. Chó nói: “Này tôi vừa đi thăm anh lừa, anh ấy quá mệt rồi, anh ấy nói rằng muốn được nghỉ ngơi một ngày. Cũng không thể trách được, ông chủ đã bắt anh ấy làm việc quá nặng”.
Mèo đi ra gặp dê và nói: “Anh lừa phàn nàn chủ nhân bắt anh ấy làm việc quá sức, anh ấy muốn nghỉ một hôm, ngày hôm sau không làm việc nữa.”
Dê lại kể lại với gà rằng: “Lừa không muốn làm cho chủ nhân nữa, anh ấy phàn nàn rằng mình phải làm quá nhiều công việc nặng nhọc. Không biết chủ nhân khác có đối xử với lừa của mình tốt hơn chút nào không?”
Gà lại nói với lợn rằng: “Anh lừa không sẵn sàng làm việc cho chủ nhân, anh ấy muốn đi làm cho một gia đình khác. Thật là, chủ nhân sao lại đối xử quá tệ với lừa của mình như vậy, bắt anh ấy làm quá nhiều công việc nặng nhọc và dơ bẩn, thậm chí còn dùng roi đánh đập anh ấy tàn nhẫn.”
Trước bữa tối, bà chủ cho lợn ăn, lợn bước tới phía trước và thì thầm: “Thưa bà chủ, tôi muốn phản ánh đến bà một sự tình. Anh lừa dạo này có vấn đề trong suy nghĩ, bà phải giáo dục anh ấy cẩn thận. Anh ấy không muốn làm việc cho chủ nhân nữa, anh ấy trách chủ nhân bắt anh ấy làm việc quá nặng nhọc, quá dơ bẩn, quá mệt mỏi. Anh ấy còn nói anh ấy muốn rời khỏi chủ nhân và đến một nhà khác để ở.”
Sau khi nhận được báo cáo từ lợn, bà chủ liền kể lại với ông chủ rằng: “Lừa muốn phản bội ông, nó muốn đổi một người chủ khác. Tội phản bội này không thể tha thứ, ông định xử lý nó thế nào?”
“Đối với kẻ phản bội giết không tha”, người chủ vô cùng bực tức nói lớn.
Vậy là chú lừa đáng thương một lòng làm việc chăm chỉ, chỉ vì một tin đồn thất thiệt đã bị đem đi giết chết trong khi chính chú ta cũng không hiểu tại sao?
Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, một lời đồn thổi qua mỗi người sẽ thành một câu chuyện khác mà chúng ta không thể lường hết được hậu quả. Đôi khi chúng ta có thể kêu ca, phàn nàn về một vấn đề nào đó, nhưng chỉ qua miệng người này người khác câu chuyện đã hoàn toàn khác biệt.
Điều này đặc biệt quan trọng trong môi trường công sở, nơi những người đồng nghiệp có thể là “kẻ thù”, sẵn sàng đâm sau lưng bạn bất cứ lúc nào. Nếu bạn có bất mãn hoặc bất cứ vấn đề gì, hãy tìm sếp để trao đổi thẳng thắn. Bạn đừng phàn nàn hay kể với đồng nghiệp, bởi rất có thể bạn sẽ phải “rước họa vào thân” như chú lừa tội nghiệp trong câu chuyện trên.
Giao tiếp thẳng thắn luôn là cách giải quyết vấn đề tốt nhất. Ngược lại, khi chúng ta nghe được một câu chuyện thì nên kiểm tra tính xác thực với nhân vật chính trong câu chuyện, đừng nên đồn thổi những điều thị phi mà khiến người khác phải chịu hậu quả khôn lường.