Vì sao chủ đầu tư yêu cầu Tư vấn Metro số 2 bồi thường?

10/07/2022 10:20 AM | Xã hội

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM – chủ đầu tư, việc Tư vấn IC đơn phương chấm dứt hợp đồng đột ngột đã tác động tiêu cực đến tiến độ dự án metro số 2, gia tăng chi phí cho dự án này.

Metro số 2 có nguy cơ chậm trễ, đội vốn

Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (Ban QLĐSĐT) - chủ đầu tư, vừa có văn bản gửi Ban chỉ đạo Liên danh Metro Team Line 2 (Tư vấn IC) liên quan đến hợp đồng tư vấn của metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Năm 2012, Ban QLĐSĐT ký hợp đồng tư vấn với IC cho dự án metro số 2, chia làm 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn A được thực hiện theo hình thức trọn gói, trị giá gần 13 triệu euro để thiết kế và hỗ trợ đấu thầu các gói thầu chính; giai đoạn B trị giá hơn 31 triệu euro nhằm giám sát thi công.

Thời gian thực hiện giai đoạn A đến cuối năm 2015, nhưng dự án kéo dài dẫn đến phải ký 13 phụ lục hợp đồng, nâng tổng chi phí tư vấn tăng hơn 12,6 triệu EURO so với ban đầu.

 Vì sao chủ đầu tư yêu cầu Tư vấn Metro số 2 bồi thường?  - Ảnh 1.

Thông tin dự án metro số 2 TPHCM. Ảnh: Ban QLĐSĐT TPHCM.

Như vậy, Ban QLĐSĐT đã ký với IC 12 phụ lục hợp đồng. Đến Phụ lục hợp đồng số 13, việc đàm phán được tiến hành từ cuối năm 2019 nhưng gặp nhiều trở ngại và đến tháng 3/2022 thì Tư vấn IC đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Theo Ban QLĐSĐT, đơn vị này cùng UBND TPHCM và các Nhà tài trợ đã nỗ lực để có giải pháp cho Phụ lục hợp đồng số 13 nhằm giải quyết các nút thắt trong thương thảo (chủ yếu đến từ những yêu cầu bất hợp lý từ phía Tư vấn IC) để thúc đẩy tiến độ dự án metro số 2.

Tuy nhiên, Tư vấn IC lại đột ngột thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng. Vấn đề này tác động rất lớn đến kế hoạch thực hiện dự án của Ban, các kế hoạch và mục tiêu của Nhà tài trợ và gây ảnh hưởng chậm trễ thêm đối với tiến độ, gia tăng chi phí cho dự án.

“Do vậy, Ban QLĐSĐT sẽ bảo lưu các quyền của Chủ đầu tư theo Hợp đồng và các phụ lục Hợp đồng đã ký về việc yêu cầu bồi thường do các tác động tiêu cực đến tiến độ Dự án, gia tăng chi phí dự án do việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đột ngột của Tư vấn IC”- Ban QLĐSĐT TPHCM nêu.

 Vì sao chủ đầu tư yêu cầu Tư vấn Metro số 2 bồi thường?  - Ảnh 2.

Trong báo cáo của UBND TPHCM gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư mới đây, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án này đã đạt 84,47% (495/586 trường hợp). Phần còn lại dự kiến hoàn thành trong cuối quý IV/2022.

Nhiều đề nghị của Tư vấn IC không có cơ sở giải quyết

Ban QLĐSĐT TPHCM nhận định các đề nghị của Tư vấn IC về việc thanh toán các mốc A12.2 (gộp các mốc A2.3b2, A2.4b.2, Y2b.2, A5.8b.2, A9.3.2) và mốc 2 A3.1.1 (25% của mốc A3.1) là không đúng theo điều kiện theo Hợp đồng và các Phụ lục hợp đồng đã ký.

Theo đó, các mốc thanh toán này tương ứng với các nhiệm vụ còn lại chưa hoàn thành của Tư vấn IC và các sản phẩm trình nộp cũng không đạt được mục tiêu đề ra của Chủ đầu tư. Do đó, Ban QLĐSĐT không thể thanh toán các mốc này.

 Vì sao chủ đầu tư yêu cầu Tư vấn Metro số 2 bồi thường?  - Ảnh 3.

Tổng thể công tác giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Ảnh: Ban QLĐSĐT TPHCM.

Cũng theo Ban QLĐSĐT, Tư vấn IC còn đề nghị thanh toán cho việc lập đề xuất cho các công việc phát sinh với chi phí bất hợp lý được liệt kê bởi chính Tư vấn IC (709.189 EURO) là không thể chấp nhận được do không phù hợp với điều kiện Hợp đồng. Trong nhiều cuộc họp trước đây Nhà tài trợ KfW cũng đã có nhận định các chi phí này là bất thường. Do đó, Ban QLĐSĐT không có cơ sở để xem xét thanh toán chi phí này.

Ngoài ra, Tư vấn IC còn đòi chủ đầu tư đền bù cho việc chấm dứt giai đoạn B. Ban QLĐSĐT TPHCM cho rằng nội dung này hoàn toàn không có cơ sở. Bởi lẽ chủ đầu tư đã tuân thủ theo điều khoản hợp đồng là gửi văn bản thông báo chính thức đến Tư vấn IC về chấm dứt hợp đồng, đồng thời giai đoạn B đến hiện tại vẫn chưa thực hiện. Tại các đợt làm việc Nhà tài trợ đã thống nhất việc sẽ không tiếp tục thực hiện hợp đồng Giai đoạn B với Tư vấn IC.

Ngoài các vấn đề trên, Ban QLĐSĐT TPHCM còn đề nghị Tư vấn IC lập tức đóng 701.000 EURO thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng sau nhiều văn bản trao đổi và các cuộc họp, IC vẫn chưa thống nhất.

Dẫn thông tin của Bộ Tài chính, MAUR cho biết về nguyên tắc đối với nhà thầu chính, nhà thầu phụ tham gia dự án ODA tại Việt Nam, nếu có thu nhập từ việc thực hiện dự án phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, nguồn thuế thu nhập là của nhà thầu.

Về các khoản thanh toán còn tồn đọng, MAUR xác nhận bất kỳ dịch vụ nào tư vấn IC đã thực hiện theo hợp đồng sẽ được thanh toán đầy đủ; chủ đầu tư sẵn sàng thực hiện các thủ tục thanh toán khi đáp ứng các điều kiện theo hợp đồng.

Metro số 2 có tổng mức đầu tư hơn 47.890 tỉ đồng, với chiều dài hơn 11km đi qua sáu quận, gồm: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú, được phê duyệt thời gian hoàn thành năm 2026.

Tuy nhiên, hiện chủ đầu tư đã làm việc với các nhà tài trợ thống nhất thời gian hoàn thành dự án vào năm 2030.

Hữu Huy

Cùng chuyên mục
XEM