Vì sao biết tín dụng đen lãi suất "cắt cổ" mà vẫn vay?

21/03/2019 16:23 PM | Kinh doanh

Theo chuyên gia, nếu nói "mánh khoé" để lừa người đi vay cũng không thật hoàn toàn chính xác. Nhiều khi các hợp đồng tín dụng đen rất đơn giản và dễ hiểu như "vay 1.000.000 đồng, trả lãi 5.000 đồng/ngày". Và nhiều người đi vay cũng hoàn toàn nhận thức được mức trả nợ như vậy là cao hay thấp khi tính ra số phần trăm

Tín dụng đen có nhiều hệ luỵ cho xã hội, nhưng vì sao nó vẫn tồn tại và ngày càng "bành trướng", xâm nhập vào cuộc sống của người dân? Những câu hỏi này đã được các chuyên gia giải đáp tại toạ đàm trực tuyến "Đi tìm giải pháp mở rộng tín dụng, "giải cứu" người dân khỏi tín dụng đen" do Báo Trí thức trẻ phối hợp CafeF tổ chức chiều 21/3.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, để có một khoản vay chính thức từ ngân hàng phải làm rất nhiều thứ, từ khai báo nhân thân, làm hồ sơ, đưa ra mục đích vay, chứng minh thu nhập,… Muốn vay phải có thế chấp sổ tiết kiệm, bảo lãnh,…Không vay thế chấp thì vay tín chấp nhưng cũng đòi hỏi nhiều điều kiện. Hạn mức tín dụng cũng chỉ được vài lần trên mức thu nhập của một người. Và như thế, cánh cửa ngân hàng đóng lại với nhiều người, nhất là những người dân vùng sâu vùng xa, các bạn trẻ sinh viên,…

Không vào được ngân hàng thì tìm đến tiệm cầm đồ, nhưng chiêu trò về lãi suất, thu hồi nợ, lừa đảo cũng rất nhiều. Và tìm đến các tổ chức tài chính thì họ cũng thường chỉ cho vay các món nhỏ, bị quản lý bởi luật TCTD với những quy định ngặt nghèo. Cửa này cũng đóng.

Khi những cánh cửa kia đóng lại, họ chạy ra ngoài, nhìn thấy ngay tờ rơi ở các cột điện, chỉ cần gọi điện là có tiền một cách dễ dàng. Có thể nói, họ phải tìm đến tín dụng đen bởi các cửa chính thức đều đóng lại với họ. Họ có nhu cầu thực sự, như để chi trả tiền bệnh viện, chi tiêu,…thậm chí cho đến nhu cầu phạm pháp cờ bạc, ma túy…"Tôi gặp một vài cán bộ nhân viên công sở, đầu tháng tiêu sạch tiền, cuối tháng lại chạy vào tín dụng đen chỉ để có tiền để "nhậu".

Còn theo TS. Nguyễn Đức Độ, tín dụng đen có đặc điểm là lãi suất rất cao. Đối tượng đi vay tín dụng đen cũng thường là những người ở "bước đường cùng" nên khả năng trả nợ rất thấp. Kết cục thường xảy ra là tình trạng "nợ chồng nợ". Khi chịu sức ép đòi nợ rất lớn từ lực lượng xã hội đen, người vay có thể thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo, bán tài sản của những người thân quen, ăn cắp, ăn trộm, cướp giật, thậm chí giết người để lấy tiền trả nợ.

 Vì sao biết tín dụng đen lãi suất cắt cổ mà vẫn vay?  - Ảnh 1.

TS Nguyễn Đức Độ

Nhưng tín dụng đen có dùng "mánh khoé" để xâm nhập đời sống người dân không? Theo TS Nguyễn Đức Độ, nếu nói "mánh khoé" để lừa người đi vay cũng không thật hoàn toàn chính xác. Nhiều khi các hợp đồng tín dụng đen rất đơn giản và dễ hiểu như "vay 1.000.000 đồng, trả lãi 5.000 đồng/ngày". Và nhiều người đi vay cũng hoàn toàn nhận thức được mức trả nợ như vậy là cao hay thấp khi tính ra số phần trăm. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ một số người đi vay ở trong tình trạng không có giải pháp nào khác ngoài tín dụng đen. Những người khác có thể tính chỉ vay trong thời gian rất ngắn nên chấp nhận. Cũng có người hy vọng, trông chờ vào các khoản thu nhập mang tính may rủi từ lô, đề hay cá độ bóng đá nên kế hoạch trả nợ của họ dễ bị đổ bể.

Theo Nhóm PV

Cùng chuyên mục
XEM